Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam “gỡ” nỗi lo cho các trường nghề

(Dân trí) - Ngày 16/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội(LĐTB&XH) tổ chức tại TPHCM. Trước lo lắng của 500 trường cao đẳng, trung cấp khi được chuyển về Bộ LĐTB&XH, Phó thủ tướng khẳng định sự chuyển giao này sẽ thuận lợi hơn cho các trường, không có thêm khó khăn.

Tạo thuận lợi cho các trường chuyển giao

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định việc chuyển hàng trăm trường cao đẳng, trung cấp nghề từ Bộ GD-ĐT sang Bộ LĐTB&XH vừa qua là sự chuyển giao quản lý nhà nước, chưa phải chuyển cơ quan chủ quản.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Phó Thủ tướng nêu ví dụ, gần 200 trường cao đẳng, trung cấp nghề thuộc các tỉnh thì các tỉnh này có thể quyết định cơ quan chủ quản là ai, tùy theo điều kiện của địa phương.

Hiện, các văn bản pháp luật liên quan đến các trường nghề này, khi Bộ LĐTB&XH chưa hoàn thiện thì sẽ áp dụng các văn bản trước đây của Bộ GD-ĐT. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo lãnh đạo Bộ LĐTB&XH sớm hoàn thiện khung pháp lý này. "Việc chuyển giao quản lý nhà nước này chỉ có thuận lợi hơn, sẽ không có gì khó khăn cho các trường", Phó Thủ tướng khẳng định.

Riêng với các trường nghề thuộc khối Y dược, những lo lắng thời gian qua xuất phát từ quy định ngưng nhận điều dưỡng, dược sĩ...hệ trung cấp. "Đây là câu chuyện liên quan đến quy định của Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT không phải việc giao quản lý nhà nước trên", Phó Thủ tướng cho hay.

Tự chủ là chìa khóa đổi mới giáo dục nghề nghiệp

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ bên lề hội nghị Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Trong phần tổng kết hội nghị, nói về vấn đề làm thế nào để đổi mới giáo dục nghề nghiệp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định tự chủ chính là chìa khóa đầu tiên. Hiện nay cả nước có 15 trường ĐH, 3 trường nghề được tự chủ và sau một năm các trường đã tốt hơn rất nhiều. Tự chủ hiểu theo đúng nghĩa là tự quản, đây là một thuộc tính của giáo dục, còn ngân sách Nhà nước sẽ đổi mới cơ chế. Đồng thời, cơ quan nhà nước cần điều chỉnh nguồn ngân sách cho các trường sao cho hợp lý, công bằng.

Ông nêu ví dụ, mỗi trường nghề công lập hiện nhận được 10 tỷ đồng mỗi năm thì có trường mỗi năm tuyển sinh được 1.000 thí sinh, trường chỉ được vài chục em."Chúng ta làm như vậy sẽ làm hư đội ngũ cán bộ, nhân viên của trường, phải dần xóa bỏ bao cấp và hướng đến tự chủ", Phó Thủ tướng khẳng định và chỉ đạo các bộ liên quan phải tạo cơ chế thông thoáng để các trường nghề được tự chủ thực sự từ tổ chức bộ máy, chuyên môn....


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gặp gỡ trò chuyện với lãnh đạo các trường cao đẳng, trung cấp bên lề Hội nghị diễn ra ngày 16/1 tại TPHCM

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gặp gỡ trò chuyện với lãnh đạo các trường cao đẳng, trung cấp bên lề Hội nghị diễn ra ngày 16/1 tại TPHCM

Chìa khóa thứ hai chính là các trường phải gắn với doanh nghiệp. Không nên ngần ngại cho phép các trường đào tạo có xưởng, xí nghiệp trong trường. Bên cạnh các thiết bị mô phỏng thì cũng phải hướng tới các thiết bị có thể sản xuất.

Điểm thứ ba là các trường phải đẩy mạnh theo quốc tế bởi doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ra hàng hóa không chỉ cho thị trường trong nước mà còn phải bán ra thế giới. Chính vì thế dù ngân sách hạn hẹp nhưng mấy năm chúng tôi đều đề nghị Bộ LĐ nhập chương trình của các nước tiên tiến trên thế giới. Trong việc này, đề nghị các chương trình Bộ vừa nhập về thời gian vừa rồi phải triển khai rộng rãi. Các trường phải tích cực tham gia và đừng đợi ngân sách nhà nước. Quan trọng nhất là phải thiết lập kho học liệu mở, điện tử cho tất các các trường.

Với những tâm lý xã hội không muốn vào học nghề mà vào ĐH, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đó là một thực tế và đòi hỏi sự đổi mới căn bản giáo dục đào tạo cả nước. Điều đó đòi hỏi phải sửa nhiều luật và văn bản. Chúng ta nói Việt Nam thừa thầy thiếu thợ hoàn toàn không sai bởi ở các nước bây giờ tỉ lệ một ĐH, 5 CĐ, 10 trung cấp nhưng nói ngược lại chúng ta một vào ĐH, 1/2 CĐ và 0,3 trung cấp. Ngược lại chúng ta vẫn thiếu cả thầy. Ở thế giới họ đẩy mạnh liên thông và để thực hiện được thì họ phải đổi từ cấp phổ thông. Về khung trình độ quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã quyết rất rõ là xong THCS là vào nghề và mở ra cơ hội liên thông lên ĐH để mở rộng cách cửa học tập suốt đời. Ở các nước người ta không đơn thuần như mình, ở đó người ta vẫn làm nghề của mình vững nhất và lại học thêm ĐH để mở rộng thêm kiến thức.

“Thực tế hiện này phải trả lời cơ hội học ĐH của người học nghề phải cởi mở hơn trước. Vấn đề học nghề và nghiên cứu phải là hai hướng song song chứ không thể xem nặng cái này, nhẹ cái kia. Lâu nay chúng ta luôn xem nghiên cứu ở trên ứng dụng trong khi từ lâu ông bà ta cũng nói “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Có nhiều trường CĐ muốn xin lên ĐH vì nhiều lí do như không tuyển sinh được hoặc đã tuyển sinh đào tạo quá tốt nên. Tôi cho rằng phải liên thông mới ra câu chuyện phối hợp chắc chẽ giữa các trường ĐH, CĐ.

Về bộ máy, suy cho cùng làm thế nào khung quản lý nhà nước ổn định. Những gì ở Bộ đã thống nhất thì phải chỉ đạo cho các Sở ngành bên dưới thực hiện. Còn thành lập đơn vị mới thì không thể lập đồng loạt được, tùy địa phương sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể. Chúng ta phải thống nhất quan điểm với nhau việc này”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Lê Phương