Phó Thủ tướng giải tỏa lo lắng của sinh viên “tự chủ cao kèm tiền học phí tăng”
(Dân trí) - Trong vai trò là diễn giả chia sẻ với gần 1.000 sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM trong lễ khai khóa ngày 5/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã trực tiếp trao đổi, trả lời những băn khoăn của sinh viên về vấn đề tự chủ đại học.
Sinh viên lo lắng “tự chủ tăng tiền học phí cũng tăng”
Lắng nghe bài phát biểu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, bạn Ngô Trọng Nguyễn, sinh viên năm 3 trường ĐH Kinh tế - Luật đặt câu hỏi: “Trước tình hình các trường ĐH được trao quyền tự chủ, trong đó có tự chủ tài chính, nhiều bậc phụ huynh lo lắng rằng tự chủ sẽ kèm theo mức tăng học phí trong khi các cam kết về đào tạo và việc làm đầu ra chưa có cơ sở đánh giá. Vậy thì ngành Giáo dục có biện pháp gì để vừa tăng học phí vừa nâng chất lượng, tạo cơ hội việc làm? Bên cạnh đó lộ trình tăng học phí sẽ như thế nào hợp lý không gây trở ngại cho sinh viên?”.
Bạn Ngô Trọng Nguyễn, sinh viên năm 3 trường ĐH Kinh tế - Luật đặt câu hỏi.
Sinh viên Lâm Thiên Phú, học năm 3 trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM thì thắc mắc rằng “Có sự khác nhau nào giữa mô hình bán độc lập và mô hình tự chủ?”. Còn sinh viên Hồ Thị Kim Hoàng, trường ĐH Công nghệ thông tin hỏi rằng: “Tự chủ đại học mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng có nhiều thách thức. Vậy đâu là thách thức lớn nhất đối với tự chủ đại học ở Việt Nam?”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, những câu hỏi, băn khoăn mà các sinh viên nêu lên cũng chính là những vấn đề đặt ra mà các bộ ngành, cơ quan Chính phủ và các cơ sở giáo dục ĐH đang giải quyết và sẽ thực hiện cao hơn quyền tự chủ.
Ông Huệ cho rằng tự chủ sẽ mang đến các cơ hội, “có mối quan hệ mật thiết giữa mức độ đổi mới sáng tạo của một cơ sở giáo dục ĐH với mức độ tự chủ về học thuật, tài chính và tổ chức bộ máy và biên chế. Nếu một cơ sở giáo dục ĐH có quyền tự chủ ngày càng cao cả về học thuật, tài chính và bộ máy thì sự năng động, sáng tạo, đổi mới sẽ có điều kiện tạo ra hệ sinh thái để đổi mới phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu của người học. Cũng đồng thời đáp ứng được nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh chúng ta đang quyết liệt ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, ông Huệ nói.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giải tỏa những băn khoăn của sinh viên về tự chủ đại học.
Đối với thách thức, ông Huệ cũng nhìn nhận làm sao tận dụng cơ chế tự chủ này để phát huy cao nhất quyền mà nhà nước và xã hội đã giao cho các thể chế đại học. Theo ông, mức độ tự chủ ở các nước tiên tiến rất cao nhưng kết quả tự chủ của các trường sẽ rất khác nhau. Điều đó phụ thuộc vào tư duy, tầm nhìn, năng lực và điều kiện của từng trường cụ thể. Đặc biệt, thách thức nhất chính là đổi mới quản trị ở các thể chế đại học. Nếu cứ để các hội đồng trường chỉ mang tính hình thức là chính, hoặc không thể chế được quyền và trách nhiệm của các bộ phận bên trong gắn với trách nhiệm, áp lực và động lực phấn đấu của từng người, từng hệ thống và từng bộ phận thì sẽ rất khó thành công.
“Ngoài ra phải có trách nhiệm giải trình với xã hội. Tự chủ thì mức học phí cao lên nhưng chất lượng có tương đương hay không? Thứ hai là trách nhiệm giải trình về quản lý tự chủ đối với các trường ĐH là như thế nào? Đây là những thách thức cho cơ quan chủ quản, Bộ GD-ĐT phải nghiên cứu và quy định cụ thể hơn, thiết chế cụ thể hơn về mô hình hội đồng trường. Nhất là trong ĐH Quốc gia lại là một tổ hợp, vừa là thế mạnh nhưng cũng là thách thức vì quan hệ giữa ĐH và các trường thành viên như thế nào? Trường thành viên lại được phép thành lập trường khác nữa thì mối quan hệ này sẽ như thế nào? Làm sao vận hành thống nhất là bài toán đặt ra cho các cấp quản lý cũng như ngay bản thân các cơ sở đại học cũng phải suy nghĩ”, ông Huệ nhìn nhận.
Nhà nước có nhiều cơ chế đảm bảo cho người học
Chia sẻ những lo lắng của phụ huynh, sinh viên về việc tăng học phí, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết có nhiều cơ chế đảm bảo cho người học. Theo ông Huệ, trước mắt những trường được tự chủ cao ngoài 23 trường hiện nay thì tất cả cơ sở giáo dục ĐH còn lại đều phải thực hiện theo lộ trình tăng học phí này theo nghị định 86 của Chính phủ theo trình tự 4 bước. Tuy nhiên, nhà nước vẫn có chính sách hỗ trợ cho đối tượng người nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách, người có công… bên cạnh đó nhà nước cũng áp dụng mạnh chính sách tín dụng cho sinh viên. Hiện đang có đề xuất tăng mức 1,5 triệu đồng/tháng hiện nay lên ít nhất là 2,5 triệu đồng đối với tín dụng cho sinh viên để giảm một phần nào đó khó khăn cho người học.
Ngoài ra trong cơ chế tự chủ cũng bắt buộc các cơ sở giáo dục phải dành một phần tiền học phí để tài trợ học bổng cho các đối tượng chính sách. Tăng học bổng và số suất học bổng cho các sinh viên hoàn cảnh khó khăn. Sau 3 năm thực hiện tự chủ, quỹ học bổng hỗ trợ sinh viên trong các trường ĐH tự chủ phải tăng lên gấp 10 lần. Trước đây chỉ 18 tỷ đồng (năm 2015) thì đến nay con số này lên đến 186 tỷ đồng. Chính phủ cũng có chính sách đối với toàn bộ tiền học phí các trường thu được khi gửi ngân hàng, phần có lãi về nguyên tắc sẽ phải nộp thuế thu nhập nhưng Chính phủ quyết định hoàn toàn bộ số tiền này trở lại cho cơ sở giáo dục đó bổ sung vào quỹ học bổng cho sinh viên tài năng, sinh viên khó khăn.
Cũng theo Phó Thủ tướng, cần phải có xếp hạng đại học như thế nào từ đó đưa ra các quy định mức học phí. “Nếu trường nào tự cho mình vị trí số một và đưa mức học phí cao số 1 thì người học sẽ cân nhắc lựa chọn ngành học, nơi học. Do đó, các trường cũng không phải đưa chi phí lên cao một cách “vô tội vạ” mà phải cân nhắc rất nhiều yếu tố khác nhau tuỳ thuộc mức độ phát triển nền kinh tế và mức thu nhập của người dân”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Trước đó, trong bài chia sẻ về “Tự chủ đại học - Đổi mới và Sáng tạo”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khẳng định tự chủ đại học không có nghĩa là các trường đại học phải hoàn toàn “tự túc”, “tự bơi” về mặt tài chính mà là các trường được chủ động hơn về mọi mặt, trong đó có các quyết định về tài chính. Đồng thời Nhà nước vẫn có chính sách đặt hàng đào tạo, đầu tư, hỗ trợ phát triển cùng với các chính sách xã hội hóa và đóng góp nguồn lực từ các doanh nghiệp, cựu giáo chức, cựu sinh viên.
Lê Phương