Thứ trưởng Bộ GD-ĐT:

“Phổ điểm đẹp thì điểm sàn cũng sẽ thay đổi”

(Dân trí)-"Bộ đã quán triệt Ban ra đề thi ĐH năm nay ra đề phù hợp với trình độ của thí sinh. Với chỉ đạo như vậy, hy vọng thi đợt 1 sẽ có phổ điểm như mong muốn. Khi có phổ điểm đẹp thì điểm sàn cũng sẽ thay đổi, các trường cũng có nhiều lựa chọn".

Đó là trao đổi của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, Trưởng Ban chỉ đạo thi ĐH, CĐ 2012với báo chí sau khi kết thúc thi đại học đợt 1.
 
Nhận định chung về tình hình thi đợt 1, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: “Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012 với các khối thi A, A1 và V đã diễn ra trật tự, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Các đại học, học viện và các trường đại học đã thực hiện nghiêm túc Quy chế thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, tổ chức tập huấn và phổ biến đầy đủ quy định của Quy chế cho cán bộ tham gia công tác tổ chức thi và thí sinh. Đợt thi được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, được tổ chức nghiêm túc trên phạm vi toàn quốc. Kỷ cương trường thi được tăng cường, các hiện tượng vi phạm quy chế thi bị phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm túc”.
Kỷ luật phòng thi sẽ được siết chặt trong đợt thi tới vào ngày 9, 10/7/2012.
Kỷ luật phòng thi sẽ được siết chặt trong đợt thi tới vào ngày 9, 10/7/2012.
 
Thưa Thứ trưởng, tuyển sinh năm nào cũng có thông tin thất thiệt lộ đề thi, cụ thể như vừa qua thông tin lộ đề môn Toán. Bộ có biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng này trong đợt thi tới?

Trước thông tin thất thiệt lộ đề thi môn Toán ở một số Hội đồng thi phía Nam, Bộ đã yêu cầu PA83 của Bộ Công an điều tra làm rõ nguyên nhân. Thông tin lộ đề là hoàn toàn bịa đặt. Đáp án tung lên mạng sau khi thí sinh đã ra ngoài. Lời giải được bán trước cổng trường là lời giải của đề thi năm 2011. Nhân việc này, Ban chỉ đạo tuyển sinh của Bộ yêu cầu bên an ninh của các địa phương phối hợp chặt chẽ để ngăn chặn những hành vi tung tin thất thiệt, làm hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến tâm lý của thí sinh. Những tung tin thất thiệt trong kỳ thi sẽ bị xử lý nghiêm túc.

Chúng ta cũng đã có cơ chế để xử lý vấn đề này vì đề thi thuộc bí mật quốc gia nên nó ra ngoài hay không ra ngoài đều ảnh hưởng rất lớn. Do đó, trong khâu chỉ đạo, chúng tôi chỉ đạo đề thi bảo mật tuyệt đối và an toàn, không có chuyện đề thi được phép lộ ra ngoài trước khi thí sinh được ra ngoài. Hành vi tung tin thất thiệt như thế, các cơ quan an ninh địa phương cũng nên có biện pháp kịp thời xử lý.

Năm nay, Bộ sửa đổi, bổ sung quy chế mới là thí sinh được phép mang các vật dụng vào phòng thi như ghi âm, máy ảnh… khiến nhiều trường lúng túng không kịp triển khai và lo lắng sẽ có nhiều sự cố sảy ra bởi không phải giám thị nào cũng am hiểu kỹ thuật để giám sát?

Bộ không yêu cầu tất cả các giám thị phải có đủ năng lực để đánh giá điều này mà yêu cầu giám thị khi phát hiện thiết bị thì báo lại hội đồng tuyển sinh của trường, nếu hội đồng thi không xử lý được thì báo cáo ban chỉ đạo tuyển sinh của Bộ để xử lý.

Chuẩn bị cho đổi mới này bộ đã làm từ lâu, nó đi kèm với các quy định trong đổi mới quản lý nói chung. Công văn và thông tư hướng dẫn là để giám thị thực hiện, hoàn toàn không dính dáng đến thí sinh. Trước đây nếu thí sinh mang các vật dụng như trong hướng dẫn thông tư vào thì ngay lập tức sẽ bị đình chỉ thi nhưng với quy chế mới thì giám thị phải xem xét mục đích các em mang vào làm gì, chức năng của thiết bị đó ra sao, thí sinh sử dụng thông tin trong đó làm gì để chúng ta phân biệt là tiêu cực trong kỳ thi hay người chống tiêu cực. Thực tế cũng cho thấy, qua ba môn thi đầu tiên, không có thí sinh nào mang thiết bị đó vào phòng thi. Vì đây là kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, nên hết sức nghiêm túc.

Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi những vật dụng được khẳng định tại điểm c của điều 25 trong Quy chế tuyển sinh như bút mực, thước kẻ, bút chì, máy tính bỏ túi.

Hết 2/3 thời gian làm bài thi, thí sinh được phép ra ngoài nhưng đề không được mang đề thi ra. Nhưng nhiều thí sinh vẫn cố tình  mang đề thi ra, Bộ có biện pháp hạn chế tình trạng này trong đợt thi tới?

Quy định của quy chế là hết 2/3 thời gian thí sinh được phép ra khỏi phòng thi nhưng không được mang đề thi ra ngoài. Nhưng nếu thí sinh chép vào tờ giấy nháp và mang đề ra ngoài chúng ta cũng không kiểm soát được. Nên để ngăn chặn tuyệt đối việc này là rất khó. Do đó, làm thế nào để thí sinh ra ngoài mà không bị ảnh hưởng đến kỳ thi. Nhân việc này, Bộ đã nhắc nhở tất cả các hội đồng phải thu hết đề thi của thí sinh ra trước. Còn với đề trắc nghiệm thì không vấn đề gì vi quy định hết giờ thí sinh mới được ra khỏi phòng thi.

Trong đợt thi vừa qua, nhiều thí sinh than đề thi ToánVật Lý khó. Liệu phổ điểm thi có đẹp như Thứ trưởng đã từng trao đổi với báo chí?

Bộ đã quán triệt Ban ra đề thi ĐH năm nay làm sao ra đề phù hợp với trình độ của thí sinh. Thí sinh trung bình cũng có thể làm được bài. Đề thi năm nay có tính phân loại, có câu dễ, câu trung bình và câu rất khó. Những câu rất khó dành cho những học sinh giỏi mới có thể được 10 điểm. Với chỉ đạo như vậy, hy vọng thi đợt 1 sẽ có phổ điểm như mong muốn. Khi có phổ điểm đẹp thì điểm sàn cũng sẽ thay đổi, các trường cũng có nhiều lựa chọn.

Tỷ lệ hồ sơ “ảo” luôn khiến các trường lo lắng, Bộ có hướng giải quyết như thế nào cho năm sau?

Việc này giải quyết thế nào là việc của các trường cũng phải chấp nhận để đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Tất nhiên, trong tuyển sinh có rất nhiều điều nếu chúng ta muốn làm hợp lý là có thể làm được nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi cả thí sinh.

Tất cả sự thay đổi của Bộ, của quy chế tuyển sinh là để làm sao những thí sinh đạt trên điểm sàn có thể lựa chọn được nơi học yêu thích. Còn nếu làm cứng nhắc thì rất dễ dàng cho các trường nhưng quyền lợi của thí sinh lại không được đảm bảo. Nên quan điểm của Bộ là dù các trường khó khăn, Bộ cũng khó khăn nhưng quyền lợi của thí sinh được cải thiện thì vẫn làm.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Bộ GD-ĐT đã mở hộp thư điện tử, những ai có thông tin thì phản ánh và cứ 10 phút chúng tôi kiểm tra một lần nhưng chưa nhận được thông tin phản ánh nào về hiện tượng tiêu cực xẩy ra. Với sự minh bạch của kỳ thi này là thí sinh cũng giám sát, người coi thi giám sát và cả xã hội giám sát, chúng ta thấy chất lượng kỳ thi được nâng lên và tính nghiêm túc của kỳ thi được đảm bảo”.

Hồng Hạnh (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm