Phát hiện cơ sở dạy tiếng Trung "chui" tại Đắk Lắk

Trương Nguyễn

(Dân trí) - Chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, một số cơ sở dạy tiếng Trung tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) ngang nhiên mở lớp, tuyển sinh và tổ chức dạy học tiếng Trung trong thời gian dài.

Nhận học viên tiếng Trung từ 2 tuổi

Theo phản ánh của nhiều người dân tại TP Buôn Ma Thuột, thời gian qua, trên địa bàn xuất hiện một số cơ sở dạy tiếng Trung lớn, tuyển sinh và quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội. Tuy nhiên, các cơ sở này đều chưa được cơ quan chức năng cấp phép.

Phát hiện cơ sở dạy tiếng Trung chui tại Đắk Lắk - 1

Cơ sở Tiếng Trung Ni Hao tại TP Buôn Ma Thuột (Ảnh: Trương Nguyễn).

Để tìm hiểu vụ việc, phóng viên Dân trí trong vai một học viên đến đăng ký học tiếng Trung tại cơ sở "Ni Hao - Tiếng Trung Buôn Ma Thuột" (số 282 Hà Huy Tập, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột).

Tại đây, một người phụ nữ tên Th. nhận là chủ của cơ sở, giới thiệu chi tiết về khóa học, mức học phí. Cụ thể, theo bà Th., cơ sở đã hoạt động vài tháng nay, có mở các lớp nhưng từ tháng 8 sẽ không mở lớp mà nhận học viên để dạy kèm từng người.

Với 1 học viên, 1 cô giáo dạy kèm, học phí được báo giá 6,2 triệu đồng/24 buổi học. Nếu 2 học viên được 1 cô giáo kèm thì học phí 4,2 triệu người/24 buổi.

"Sau 24 buổi, chúng tôi cam kết học viên sẽ có kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Trung. Tuy nhiên trình độ, khả năng của mỗi người sẽ khác nhau. Chúng tôi nhận học viên từ 2 tuổi trở lên và có sẵn giáo trình giảng dạy", bà Th. trao đổi.

Theo bà Th. tại cơ sở của mình có rất nhiều chủ vườn sầu riêng, các thương lái đến học tiếng Trung để thuận tiện trong việc mua bán sầu riêng. Ngoài ra, có cả người Trung Quốc đến học tiếng Việt để tiện giao tiếp khi giao dịch.

Bà Th. còn quảng cáo, vào tháng 11 tới, tại cơ sở sẽ có giáo viên người Trung Quốc trực tiếp giảng dạy, với học phí 900.000 đồng/giờ cho mỗi học viên. "Trước đây, giáo viên người Trung Quốc đã vào lớp giao lưu, nói chuyện với học viên chứ chưa dạy", bà Th. nói thêm.

Sau buổi đăng ký học, PV có liên hệ với bà Th. để hỏi về việc cấp phép hoạt động, bà Th. khẳng định cơ sở của bà không phải là trung tâm tiếng Trung nên  Sở GD&ĐT không phải cấp phép. Bà Th. cho rằng đây là cơ sở dạy học và cơ sở của bà có đầy đủ giấy tờ.

Phát hiện cơ sở dạy tiếng Trung chui tại Đắk Lắk - 2

Cơ sở Ni Hao quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội (Ảnh: Facebook cơ sở Ni Hao).

Tuy nhiên, bà Th. không biết… đơn vị nào cấp phép cho cơ sở của mình, lý do có một giáo viên (có cổ phần với cơ sở - PV) chịu trách nhiệm các thủ tục pháp lý, còn bà Th. không nắm (!?).

Khi được đề nghị cho số điện thoại của người giáo viên này để làm rõ, bà Th. cũng không cung cấp thêm.

Theo một lãnh đạo UBND phường Tân Lợi, cơ sở "Ni Hao" chưa có thông tin đăng ký gì ở phường và phía phường sẽ cử cán bộ kiểm tra các giấy tờ liên quan của cơ sở này.

Trao đổi về vụ việc, ông Phạm Tiến Hưng - Phó Chủ tịch TP Buôn Ma Thuột - cho biết, theo nắm bắt tại thành phố chưa có cơ sở tiếng Trung nào được cấp phép hoạt động. Với thông tin về cơ sở "Ni Hao", thành phố sẽ nhanh chóng kiểm tra để có hướng xử lý theo quy định.

Đắk Lắk chưa có trung tâm, công ty đào tạo tiếng Trung được cấp phép

Ngoài cơ sở Ni hao, tại đường Thăng Long, phường Tự An (TP Buôn Ma Thuột), có cơ sở "Ms.Vy tiếng Hoa" được quảng cáo đào tạo tiếng Trung giao tiếp, tiếng Trung xuất khẩu lao động, tư vấn du học Trung Quốc - Đài Loan, tiếng Trung cho thiếu nhi…

Với mỗi học viên đăng ký khóa học tiếng Trung 4 tháng (mỗi tuần 3 buổi), học phí khoảng 4,8 triệu đồng.

Phát hiện cơ sở dạy tiếng Trung chui tại Đắk Lắk - 3

Cơ sở Ms. Vy Tiếng Hoa chưa được Sở GD&ĐT Đắk Lắk cấp phép hoạt động (Ảnh: Trương Nguyễn).

Qua trao đổi, chủ cơ sở này cho biết, năm 2021, cơ sở được Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Đắk Lắk cấp phép thành lập công ty.

Chủ cơ sở lý giải, do mã ngành công ty có tên gọi "Giáo dục khác chưa được phân vào đâu" nên đơn vị có tham khảo, thấy không thuộc Sở GD&ĐT cấp phép nên chỉ có giấy phép của Sở KH-ĐT.

Trả lời phóng viên Dân trí, ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk - cho biết, trên địa bàn tỉnh chưa có bất kỳ cơ sở tiếng Trung nào được cấp phép hoạt động.

"Trường hợp công ty, trung tâm đào tạo, tư vấn du học, giảng dạy tiếng Trung đã được Sở KH-ĐT cấp phép thành lập công ty, muốn tổ chức lĩnh vực đào tạo ngoại ngữ, phải được Sở GD&ĐT cấp phép mới đủ điều kiện hoạt động", ông Khoa nhấn mạnh.

Trường hợp không được Sở GD&ĐT cấp phép nhưng các tổ chức, các nhân vẫn hoạt động đào tạo ngoại ngữ, thẩm quyền xử lý thuộc về cơ quan công an và chính quyền địa phương. Riêng ngành giáo dục khi có thông tin những cơ sở hoạt động đào tạo "chui", sẽ báo cơ quan công an vào cuộc làm rõ.

"Các trung tâm, công ty có hoạt động đào tạo ngoại ngữ đúng quy định pháp luật đều được đăng tải công khai trên trang web của Sở.

Do đó, các phụ huynh khi lựa chọn trung tâm cho con em học, cần tìm hiểu các trung tâm có đầy đủ cơ sở pháp lý, tìm hiểu về chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu học tập và các quyền lợi được đảm bảo", Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk khuyến cáo.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm