Phấn trắng, bảng đen hay giáo án điện tử

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học như thế nào? Liệu bài giảng điện tử có thể thay thế được phấn trắng, bảng đen?

Tất cả những vấn đề này đã được mang ra mổ xẻ tại hội thảo “Nâng cao chất lượng dạy và học trong trường phổ thông nhờ sự hỗ trợ của thiết bị và phần mềm dạy học” do Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TPHCM) tổ chức tại TPHCM.

 

Chỉ để trình diễn thông tin?

 

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - Trường ĐH Sư phạm 1 Hà Nội, việc ứng dụng các thành tựu CNTT vào giảng dạy không phải là vấn đề mới mẻ trên thế giới, vai trò và vị trí quan trọng của nó đã được khẳng định trong thực tiễn. Nhiều chuyên gia giáo dục cũng như các thầy cô giáo đều ghi nhận những tác động tích cực của các hình thức dạy học có sự hỗ trợ của CNTT như: bài giảng điện tử, sử dụng phần mềm, băng hình video, hệ thống mô phỏng (cho môn hóa học), sử dụng phòng máy vi tính nối mạng…

 

Tuy nhiên, thạc sĩ Đỗ Mạnh Cường - Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục chuyên nghiệp (ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM) - phát biểu: “Phần lớn bài giảng có sự hỗ trợ của máy tính thiên về trình diễn thông tin và có xu hướng lạm dụng các hiệu ứng hoạt hình. Điều này có khả năng dẫn tới triệt tiêu các hoạt động tích cực”.

 

Thời gian qua nhiều địa phương đã quan tâm đầu tư trang thiết bị về CNTT cho các trường học, mở nhiều lớp tập huấn về sử dụng thiết bị để thiết kế bài giảng, tổ chức nhiều hội thi giáo án điện tử... Nhưng sự phát triển đó không đồng đều, chất lượng chưa cao. Phần lớn GV tự mày mò tìm hiểu, tốn kém nhiều thời gian mà hiệu quả không tương xứng.

 

“Nếu biết kết hợp, khai thác một cách hợp lý thiết bị kỹ thuật hiện đại với việc sử dụng nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học thì sẽ phát huy tối ưu tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS, góp phần nâng cao chất lượng dạy học” (thạc sĩ Đoàn Văn Hưng, Trường ĐH Qui Nhơn).

Phương tiện hỗ trợ đắc lực

 

“Hiện nay phần lớn GV mới chỉ ứng dụng công nghệ hiện đại vào việc thiết kế và giảng dạy theo giáo án điện tử. Nhưng với phòng máy tính nối mạng Internet, GV cần soạn thêm câu hỏi, bài tập, bài đọc thêm... rồi đưa lên mạng như tài liệu tham khảo. Thêm nữa, HS cũng rất cần hướng dẫn cách tìm kiếm những nguồn tài liệu khác trên mạng” - thạc sĩ Phạm Thị Lan Phượng (Viện Nghiên cứu giáo dục) nhận xét.

 

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Cường, “HS cần GV chỉ cách xếp đặt tư liệu tìm được vào ngữ cảnh thích hợp của môn học, giải thích ý nghĩa thông tin, đánh giá độ tin cậy của tư liệu... Lúc đó GV chỉ giữ vai trò là người dẫn dắt và phải chỉ ra được mục tiêu của môn học”.

 

Cũng theo ông Cường, ngoài kiến thức cơ bản về tin học và những kỹ năng cần thiết, GV phải được bồi dưỡng thêm việc sử dụng mạng, các dịch vụ của mạng, phương pháp dạy học tiên tiến...

 

Tuy nhiên, cho dù có áp dụng CNTT thành thạo vào bài giảng, thạc sĩ Đoàn Văn Hưng, Trường ĐH Qui Nhơn, vẫn khẳng định: “Bài giảng điện tử không thể thay thế việc biên soạn giáo án truyền thống, cũng không thể thay thế hẳn thao tác sử dụng phấn trắng, bảng đen trong quá trình lên lớp. Thiết bị kỹ thuật hiện đại vẫn không thể thay thế vai trò chủ đạo, tổ chức, hướng dẫn của GV. Nó chỉ là phương tiện hỗ trợ dạy học đắc lực”.

 

Theo Hoàng Hương

Tuổi Trẻ