Phân tầng giáo dục đại học: Đang ở giai đoạn “ban phát danh hiệu”

(Dân trí) - Ở Việt Nam, vấn đề phân tầng giáo dục đại học tuy được nhắc đến nhiều nhưng dường như chỉ dừng lại ở sự “ban phát danh hiệu” của Nhà nước. Không ít trường đại học tuy được xếp vào loại “trọng điểm”, “định hướng nghiên cứu”, “đào tạo nhân lực chất lượng cao”, “xuất sắc” … nhưng lại có chi phí đơn vị rất thấp, quy mô sinh viên quá lớn và bỏ qua nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.

Đó là quan điểm của Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam đưa ra trong bài viết Tập trung xây dựng một hệ thống giáo dục đa dạng, phân tầng đáp ứng yêu cầu nhân lực cho sự nghiệp CNH – HĐH và hội nhập quốc tế cho Việt Nam trong những thập niên đầu của thế kỷ 21.

Nghị quyết 29-NQ/TW của Hội nghị TW8 Khóa XI về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo đã nêu rõ: “…Hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp với nhiều phương thức và trình độ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp…” và “…Hoàn thành mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia…”.

Vậy nên hiểu như thế nào về một hệ thống giáo dục, chính xác hơn là về một hệ thống giáo dục nghề nghiệp và GDĐH đa đạng, phân tầng, về quy mô, cơ cấu ngành nghề và cơ cấu trình độ của đội ngũ nhân lực mà ngành giáo dục và đào tạo được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ở các thập niên đầu của thế kỷ 21 này.


Từng bước sáp nhập một số viện nghiên cứu khoa học vào các trường đại học trọng điểm để hình thành các đại học nghiên cứu.

Từng bước sáp nhập một số viện nghiên cứu khoa học vào các trường đại học trọng điểm để hình thành các đại học nghiên cứu.

Về quy mô, sự phân tầng và chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam cho rằng, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học không hướng trực tiếp tới mục đích phát triển dân trí.

Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, quy mô đào tạo đại học ở nhiều nước đang không ngừng gia tăng và ở một số thời điểm, có sự gia tăng đột biến.

Theo phân loại được thừa nhận hiện nay, một quốc gia nếu có tỷ lệ dân số trong độ tuổi 18 đến 22 được tiếp thu giáo dục đại học (chính xác hơn là giáo dục sau trung học) - được gọi là Tỷ lệ nhập học đại học - đạt dưới 15 % thì nền giáo dục của quốc gia đó được xem đang ở giai đoạn tinh hoa – giai đoạn hướng chủ yếu vào việc đào tạo các học giả và một số chuyên gia.

Còn khi tỷ lệ trên nằm trong khoảng 15-50% - giáo dục đại học chuyển qua giai đoạn đại chúng; vượt quá 50 % - qua giai đoạn phổ cập – với mục tiêu là đào tạo ra không chỉ có các học giả mà còn có cả một đội ngũ rất hùng hậu gồm các chuyên gia, nhà công nghệ, kỹ thuật viên và công nhân kỹ thuật cao.

Theo báo cáo giáo dục của WB –2012 thì tỷ lệ này ở Hoa Kỳ là 95% (2010), ở Pháp là 57% (2010), ở Australia là 80% (2010), ở Hàn quốc là 103 % (2010), ở Thái Lan là 48% (2011).

Trong khi đó, Việt Nam mặc dù đã rất cố gắng, thậm chí phải đổi giá về chất lượng, hãy còn dừng lại ở con số rất khiêm tốn là 24 % (2011), nằm dưới mức trung bình của thế giới là 30 %.

Một báo cáo mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng đưa ra nhận xét về tỷ lệ nhập học đại học của các quốc gia ASEAN còn khá thấp dẫn đến hạn chế năng lực của lực lượng lao động trình độ cao tại khu vực này.

Phân tầng theo cách nhìn của “học giả”

Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam chỉ ra rằng, phân tầng giáo dục đại học là sự thừa nhận tính đa dạng về sứ mệnh của các cơ sở GDĐH. Khái niệm giáo dục đại học phân tầng trên thực tế chỉ gắn với một nền giáo dục đại học đại chúng (mass higher education ) - một trong những đòi hỏi để bảo đảm cho một quốc gia bước qua giai đoạn hiện đại hóa.

Ở Việt Nam, vấn đề phân tầng giáo dục đại học tuy được nhắc đến nhiều nhưng dường như chỉ dừng lại ở sự “ ban phát danh hiệu“ của Nhà nước. Không ít trường đại học tuy được xếp vào loại “trọng điểm”, “định hướng nghiên cứu”, “đào tạo nhân lực chất lượng cao”, “xuất sắc” … nhưng lại có chi phí đơn vị rất thấp, quy mô sinh viên quá lớn và bỏ qua nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Trong khi đó một số trường lẽ ra thuộc tầng dưới lại đuổi theo mục tiêu nghiên cứu khoa học, đào tạo tiến sỹ.

Có quan niệm đơn giản cho rằng chỉ cần giảm quy mô đào tạo là có thể nâng cao được chất lượng giáo dục đại học, bắt nguồn từ cách nhìn kiểu “học giả” của giáo dục đại học tinh hoa để xem xét vấn đề chất lượng giáo dục đại học ở thời kỳ CNH, HĐH. Theo những học giả này thì chất lượng phải là cái tuyệt hảo và do vậy nó chỉ có được ở số ít, không thể có ở số đông.

Tuy nhiên, dưới cách hiểu của các nhà quản lý, không thể định ra một chuẩn mực chất lượng duy nhất cho tất cả các cơ sở đại học và cao đẳng. Trong quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng đến năm 2010 của Việt nam có các loại hình trường khác nhau như đại học quốc gia, đại học khu vực, trường đại học trọng điểm, học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường đại học mở và trường cao đẳng cộng đồng.

Mỗi loại trường có một sứ mệnh khác nhau và do đó, có những chuẩn mực chất lượng khác nhau nên không thể lấy cái nhìn kiểu “học giả” để áp đặt các chuẩn mực chất lượng của các đại học quốc gia hay của các trường đại học trọng điểm cho các trường đại học địa phương, trường đại học mở, trường cao đẳng và cao đẳng cộng đồng để rồi cho rằng đó là những loại trường kém chất lượng, không “xứng đáng” được đứng trong hàng ngũ đại học.

Đây là quan điểm chính thống của tất cả các nước trong việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học của mình.

Cấp bách cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân

Để cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân cho đồng bộ với thực trạng phát triển của chính mình và phù hợp với xu hướng quốc tế, Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam cho rằng, trước hết phải triển khai một loạt các giải pháp cấp bách như: nhà nước chỉ đạo tập trung ở tầm vĩ mô, kết hợp với phân cấp hợp lý cho các địa phương, Bộ, Ngành;

Trả trình độ cao đẳng về cho giáo dục đại học; tổ chức xây dựng hệ thống trường trung học nghề bảo đảm học sinh tốt nghiệp vừa có trình độ học vấn vừa có nghề thành thạo (thông qua các giải pháp: đổi tên và chức năng trường trung cấp nghề thành trường trung học nghề, chuyển đổi các trường trung cấp chuyên nghiệp thành trường cao đẳng thực hành hoặc trường trung học nghề, hợp nhất một bộ phận trường THPT với các trung tâm dạy nghề địa phương thành trường trung học nghề...)

Quy hoạch lại các trường đại học theo hai hướng: hướng nghiên cứu và hướng ứng dụng-thực hành; ban hành các chuẩn quốc gia về giáo dục (trong đó có khung trình độ quốc gia); xây dựng mạng lưới các trung tâm kiểm định độc lập chất lượng giáo dục; ...

Về lâu dài, phải từng bước sáp nhập một số viện nghiên cứu khoa học vào các trường đại học trọng điểm để hình thành các đại học nghiên cứu.

Từng bước xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, tập trung chức năng quản trị cho hội đồng trường, trao quyền tự chủ thực sự cho cơ sở giáo dục ĐH; chuyển một bộ phận cơ sở GDĐH công lập qua cơ chế tự chủ, tự hạch toán tài chính.

Xây dựng một số học viện công nghệ dựa trên việc hợp nhất và tổ chức lại các cơ sở giáo dục và các viện nghiên cứu chuyên ngành theo hướng công nghệ mũi nhọn trực thuộc trung ương.

Tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại từng địa phương để hình thành các cao đẳng/đại học cộng đồng; củng cố và nâng cao năng lực cho hai trường đại học mở,chủ yếu triển khai phương thức đào tạo từ xa. Ngoài ra, rất cần thường xuyên điều chỉnh cơ cấu phân luồng người học dựa theo dịch chuyển cơ cấu kinh tế cả ở tầm quốc gia lẫn tầm địa phương.

Hồng Hạnh (ghi)