Phải tự cứu mình

Theo ông Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, các trung tâm dạy nghề nên chủ động tái cơ cấu, nâng cao chất lượng giảng dạy để thu hút học viên. Bộ LĐ-TB-XH cũng ráo riết chuẩn bị thiết lập mạng lưới giáo dục nghề nghiệp để quản lý, hỗ trợ trường nghề

Người dân học nghề tại Trung tâm Dạy nghề huyện Bình Chánh, TP HCM Ảnh: HỒNG NHUNG

Người dân học nghề tại Trung tâm Dạy nghề huyện Bình Chánh, TP HCM Ảnh: HỒNG NHUNG

Phóng viên: Thưa ông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) có hướng hỗ trợ như thế nào trước tình trạng hoạt động cầm chừng của các trung tâm dạy nghề (TTDN) nói riêng và không ít cơ sở đào tạo nghề nói chung?

- Ông Dương Đức Lân: Bộ LĐ-TB-XH đang hướng dẫn, đôn đốc các địa phương rà soát số lượng các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, TTDN và trung tâm giáo dục thường xuyên nhằm tổng hợp, thiết lập mạng lưới giáo dục nghề nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý để trình Thủ tướng phê duyệt.

Luật Giáo dục nghề nghiệp ra đời tạo ra những chuyển biến tích cực, bố cục rõ nét hơn hệ thống giáo dục nghề. Khi luật này có hiệu lực thi hành, chúng tôi kỳ vọng công tác tuyển sinh vào giáo dục nghề nghiệp sẽ thuận lợi hơn.

Nhiều cơ sở đào tạo nghề ngắn hạn than phiền do thiếu kinh phí, chưa được đầu tư trang thiết bị và nhân lực giảng dạy nên không thu hút được học viên (HV) dẫn đến hoạt động trì trệ. Ông nhận định như thế nào về ý kiến này?

- Hiện Bộ LĐ-TB-XH quản lý 171 trường cao đẳng nghề, 301 trường trung cấp nghề và 991 TTDN trên cả nước. Nguyên nhân trường nghề vắng HV cần xét trên nhiều khía cạnh. Trước đây, nhiều ngành nghề rất thu hút HV nhưng hiện không còn “hot”, số HV theo học giảm mạnh do thị trường lao động không cần nhiều nhân lực trong lĩnh vực đó.
Ông Dương Đức Lân
Ông Dương Đức Lân

TTDN cũng như các trường nghề có phát triển hay không còn phụ thuộc nhiều vào chất lượng giảng dạy. Nếu thị trường lao động và khoa học công nghệ thay đổi mà giáo viên không cập nhật, thích nghi thì không thể nào đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. HV cũng vì thế mà bỏ đi.

Ông đánh giá thế nào về năng lực của đội ngũ giáo viên giảng dạy ở các TTDN?

- Nguồn giáo viên nghề hiện nay chủ yếu đến từ 35 cơ sở đào tạo giáo viên dạy nghề trên cả nước, trong đó có 5 trường đại học chủ chốt. Ngoài ra, có những khoa sư phạm nghề ở các trường khác hoặc kỹ sư, nghệ nhân trong thực tiễn và cả giáo viên từ nguồn đào tạo nước ngoài.

Tôi nhận thấy cơ bản giáo viên dạy nghề hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, công nghệ mới đang thay đổi, giáo viên cũng cần thay đổi cho phù hợp, như vậy mới đào tạo được HV có chất lượng thực sự, phù hợp với hoàn cảnh của thị trường lao động.

Theo ông, các TTDN cần thay đổi như thế nào để tự cứu mình?

- Việc tái cơ cấu hệ thống các trường nghề là hết sức cần thiết. Những cơ sở hoạt động yếu kém, không chiêu sinh được thì nên nghĩ đến chuyện sáp nhập thành một để có đủ nhân lực và kinh phí hoạt động, thu HV về một mối. Bên cạnh đó, các cơ sở cần nỗ lực nâng cao chất lượng giảng dạy để tạo dựng và duy trì uy tín với HV.

Không ít doanh nghiệp căn cứ vào nơi đào tạo để tuyển dụng lao động. Nếu người học không thấy được tương lai, cơ hội tìm kiếm việc làm khi học nghề thì tất nhiên, họ sẽ né tránh trường nghề, đặc biệt là các TTDN.

Thay đổi nhận thức về học nghề. Ông Dương Đức Lân nhấn mạnh ở nước ta, người lao động vẫn còn mang nặng tâm lý “sính” bằng cấp. Trong khi đó, các nước phát triển luôn đào tạo nhân lực gắn với nhu cầu thực tế. Để bắt kịp tốc độ phát triển kinh tế, nhận thức của người dân cần phải thay đổi. Nếu không có điều kiện và năng lực học đại học, người lao động nên chọn học nghề để tiết kiệm thời gian, tiền bạc, có cơ hội tìm kiếm việc làm với thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp nên đẩy mạnh các hoạt động tuyên dương thợ giỏi, nâng cao tay nghề cho người lao động để cổ vũ người dân học nghề.



Theo Báo Người lao động