“Phải thường xuyên thực hiện kiểm toán với chi tiêu trong giáo dục”

(Dân trí) - “Chúng ta có khả năng tăng ngân sách cho giáo dục thì chúng ta cứ tăng, đồng thời chúng ta cũng phải thực hiện thường xuyên việc kiểm toán”, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UB Văn hoá Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh bên lề kì họp Thường vụ Quốc hội.

Theo dự toán phân bổ ngân sách năm 2008, ngành giáo dục có thể chiếm 20% tổng ngân sách Nhà nước. Theo ông, chất lượng giáo dục của ta hiện nay có tương xứng với số tiền Nhà nước đầu tư hay không?

Phân bổ giáo dục 20% là giữ được mức như năm ngoái và cũng thực hiện đúng Nghị quyết của Đảng và Nhà nước là ưu tiên ngân sách cho giáo dục và đào tạo. Đương nhiên, với mức như vậy, mặc dù đã có ưu tiên nhưng vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi ngày một cao của lĩnh vực giáo dục đào tạo, đặc biệt là với mong muốn rất cao về việc cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục kể cả bậc đại học lẫn phổ thông hiện nay.

Ngân sách cho giáo dục có thể chưa đáp ứng được với yêu cầu, nhưng cũng có một vấn đề mà nhiều người đặt ra là lâu nay chi tiêu trong giáo dục chưa được minh bạch hoá?

Để đáp ứng cho yêu cầu của giáo dục đào tạo chúng ta cũng không nên trông chờ vào giải pháp tăng  tỉ trọng ngân sách dành cho giáo dục vì điều này phải nhìn trong một tương quan chung. Nền kinh tế của chúng ta cũng khó có thể đáp ứng hơn được về việc phân chia tỉ lệ nên phải rất chú ý đến những giải pháp làm sao để nâng cao hiệu quả sử dụng. Tôi cũng tán thành việc chúng ta cần phải từng bước minh bạch sử dụng ngân sách và không những chỉ có minh bạch mà phải đánh giá được hiệu quả sử dụng.

Theo ông Quốc hội có nên đề nghị kiểm toán vào cuộc đối với việc chi tiêu trong giáo dục?

Tôi nghĩ việc nâng cao hiệu quả của sử dụng ngân sách không chỉ đối với giáo dục đào tạo mà nó gần như đối với hầu hết các lĩnh vực khác của chúng ta và tôi nghĩ Quốc hội cũng đang có những biện pháp để tạo ra hành lang pháp lí để làm cho việc sử dụng ngân sách ngày một hiệu quả hơn, ngày một minh bạch hơn.

Chúng ta có khả năng tăng ngân sách cho giáo dục thì chúng ta cứ tăng, đồng thời chúng ta cũng phải thực hiện thường xuyên việc kiểm toán. Kiểm toán ở tất cả các mức độ đối với việc sử dụng ngân sách chung cho giáo dục đào tạo và sử dụng ngân sách giáo dục đào tạo trong các hoạt động khác nhau của các cơ sở giáo dục. Vì chúng ta chưa quen nên chúng ta phải làm ráo riết thời gian ban đầu và tôi cũng nghĩ nó sẽ thiết lập được một kỉ cương trong việc sử dụng ngân sách để làm sao không những không sai phạm các qui định về tài chính mà quan trọng là hiệu quả phải thực sự tốt.

Đánh giá của riêng ông về việc quản lí ngân sách giáo dục hiện nay?

Tôi cũng chưa thể có một đánh giá vì mình cũng phải có đủ số liệu của công việc tiến hành khảo sát thì mới có đánh giá trên cơ sở khoa học. Mặc dù tôi rất quan tâm đến ý kiến của dư luận xã hội cho rằng, trong chỗ này chúng ta cần tăng cường hơn nữa việc quản lí, thế nhưng đánh giá cụ thể, mức độ như thế nào, vi phạm như thế nào, hiệu quả đến đâu, mình phải có một cuộc khảo sát đầy đủ và phải do những cơ quan có thẩm quyền, có năng lực, nghiệp vụ để làm việc đó.

Trong việc tăng đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo, ông đã từng đề cập nên xây dựng những trường học phí cao để chất lượng đào tạo tăng. Nhưng có ý kiến cho rằng như vậy sẽ phân hoá giáo dục mà phân hoá giáo dục còn nghiêm trọng hơn phân hoá xã hội. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Tôi cho rằng, tại sao chúng ta lại sợ phân hoá về giáo dục khi mà chúng ta nói đây là phân hoá về chất lượng. Có những người có nhu cầu chất lượng cao hơn, có những người có nhu cầu chất lượng chỉ bình thường và tôi phải nói thật là trong công việc của xã hội có những chỗ cần lực lượng chất lượng lao động cao, có những chỗ không cần chất lượng cao như thế. Bởi vậy, chuyện phân hoá chất lượng là khách quan và cần thiết.

Hơn nữa, khả năng đầu tư của chúng ta có hạn, lực lượng cán bộ của chúng ta về giáo dục có hạn và năng lực cũng có sự phân hoá. Cái đó là thực tế khách quan, mình không thể không chú ý đến. Bởi vậy, một khi chúng ta chưa đủ khả năng cả về đội ngũ, về đầu tư cơ sở vật chất để một lúc tăng lên chất lượng giáo dục đào tạo một cách đại trà thì phải tập trung vào một số điểm đột phá. Điểm đột phá ấy gọi là điểm sáng để chúng ta nâng dần lên, nhưng điều quan trọng nó phù hợp với khả năng đầu tư và cũng là phù hợp với nhu cầu của chúng ta.

Không phải tất cả sản xuất kinh doanh của chúng ta hiện nay đã cần một chất lượng giáo dục như nhau mà chúng ta phải ưu tiên cho những bộ phận, lĩnh vực, khu vực cần chất lượng cao hơn thì sẽ có một chất lượng cao hơn đáp ứng. Chúng ta bỏ một lượng tiền không nhỏ gửi thanh niên đi nước ngoài học tập để có một chất lượng cao mà giá rất cao, có khi gấp trăm lần mà nhà nước phải chấp nhận. Thế thì tại sao ở trong nước chúng ta lại không nghĩ đến những chương trình giáo dục mà giá có thể gấp 10 lần nhau.

Tôi ủng hộ, ngoài những bộ phận đặc biệt xuất sắc, nhà nước nên tập trung cái hỗ trợ của mình vào bộ phận khó khăn nhất là bộ phận cần sự hỗ trợ xã hội còn một bộ phận nhân dân mà người ta không đến nỗi khó khăn người ta hoàn toàn chấp nhận trả học phí cao hơn để nhận chất lượng cao hơn thì ta phải hoan nghênh chứ. Mình không nên dàn đều hỗ trợ nhà nước cho tất cả các tầng lợp nhân dân vì như vậy hỗ trợ của nhà nước sẽ không có hiệu quả và không đúng vào đối tượng cần hỗ trợ.

Xin cảm ơn ông!

Cấn Cường (ghi)