Phải nhận diện được hiền tài, nhân tài thì hãy bàn đến thu hút đãi ngộ

(Dân trí) - Vấn đề thu hút hiền tài phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đang được bàn luận rất sôi nổi trên các phương tiện thông tin đại chúng và xã hội. Tuy nhiên, trước khi nói đến thu hút chúng ta phải làm cho rõ chúng ta cần nhân tài hay hiền tài, họ đang ở đâu, làm thế nào nhận diện được họ, rồi sau đó mới bàn đến vấn đề làm thế nào để thu hút được họ.


Làm thế nào để nhận diện được hiền tài và nhân tài?

Làm thế nào để nhận diện được hiền tài và nhân tài?

Vấn đề thu hút hiền tài phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đang được bàn luận rất sôi nổi trên các phương tiện thông tin đại chúng và xã hội. Tuy nhiên, trước khi nói đến thu hút chúng ta phải làm cho rõ chúng ta cần nhân tài hay hiền tài, họ đang ở đâu, làm thế nào nhận diện được họ, rồi sau đó mới bàn đến vấn đề làm thế nào để thu hút được họ và cuối cùng là làm thể nào để họ có thể công hiến hết mình, thực sự có hiệu quả cho đất nước.

Có thể hiểu nôm na rằng nhân tài là người có hiểu biết rộng, có trí tuệ, kiến thức, kỹ năng… vượt bậc trong lĩnh vực chuyên môn sâu. Còn hiền tài trước hết phải là nhân tài nhưng họ có cái tâm đủ để sống và làm việc vì lợi ích của nhiều người; hết lòng, hết sức phụng sự dân tộc và tổ quốc. Nói thế không phải nhân tài là người không có tâm nhưng cái tâm của họ chưa đủ để họ có thể hy sinh phần lớn lợi ích cá nhân cũng như cuộc sống đầy đủ đang có để cống hiến hết mình cho tổ quốc.

Hơn nữa, con người nếu không có cái tâm, không có khát vọng, không đam mê trong khoa học thì cũng không thể trở thành nhân tài được. Theo cụ Thân Nhân Trung thì: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” nên trong một nước không thể có nhiều hiền tài như nhiều người đang nghĩ và cũng không thể nói là không cần nhân tài.

Hiền tài và nhân tài đang ở đâu?

Hiền tài và nhân tài đang ở đâu? Chúng ta dường như đang định hướng chỉ có các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, chỉ có những người tốt nghiệp thạc sỹ, tiến sỹ ở nước ngoài mới là nhân tài. Điều này đúng một phần nhưng chưa đủ, có không ít nhân tài đang tồn tại ở ngay chính đất nước của chúng ta, họ có thể được đào tạo cả ở trong và ngoài nước. Hai lực lượng này đều mạnh và tồn tại song song nhưng mối liên hệ giữa hai lực lượng này thực sự đang rất mờ nhạt.

Chúng ta đang nhận diện hiền tài và nhân tài như thế nào? Chúng ta đang sử dụng một tiêu chí thực chất theo nguyên lý cào bằng trong đó hiền tài, nhân tài thật và dởm bị trộn lẫn vào nhau không thể nào phân biệt được, đó chính là tiêu chí bằng cấp. Cứ có chức danh giáo sư, phó giáo sư, học vị tiến sỹ là người tài tất. Nhà nước còn đang có chính sách cứ giáo sư, phó giáo sư là bậc lương có thể nhảy đến năm, bảy bậc mà chẳng quan tâm đến thâm niên, cũng chẳng quan tâm đến họ đã và đang làm được gì thực sự có hiệu quả, đánh giá định lượng được phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Làm thế nào để nhận diện được hiền tài và nhân tài? Ai cũng biết, nhiệm vụ của khoa học là khám phá bản chất của thế giới đang tồn tại, còn nhiệm vụ của kỹ thuật là tạo ra một thế giới mà trước đó chưa hề có. Vậy để nhận diện được hiền tài hay nhân tài thì phải đánh giá được mức độ thực hiện nhiệm vụ của khoa học và kỹ thuật của họ.

Nếu làm khoa học thì phải tìm ra được những vấn đề đang tồn tại cản trở sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và chỉ ra giải pháp khắc phục, đồng thời chứng minh được trong thực tiễn là giải pháp có hiệu quả giúp đất nước phát triển thật sự.

Nếu làm kỹ thuật và công nghệ thì phải tạo ra được công nghệ, sản phẩm “made in Vietnam” ít nhất được thị trường trong nước chấp nhận. Nhân tài ở nước ngoài dễ nhận diện hơn thông qua các công bố khoa học quốc tế và kết quả các đề án họ thực hiện cũng như kết quả ứng dụng thực tiễn các nghiên cứu của họ.

Làm thế nào để thu hút được hiền tài, nhân tài?

Khi đã nhận diện được rồi thì làm thế nào để thu hút họ phục vụ, đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Có 3 điều quan trọng phải được giải quyết: (1) lãnh đạo trực tiếp của họ là ai? Có đủ tâm và tầm như họ không? (2) môi trường làm việc của họ có là môi trường cạnh tranh lành mạnh không? (3) cuộc sống vật chất và tinh thần của họ có được đảm bảo đến tối thiểu để toàn tâm, toàn ý phục vụ không?

Vấn đề thứ nhất có thể nói là khó vì phần lớn những nhà lãnh đạo trường đại học, viện nghiên cứu ngày nay chủ yếu những người dĩ hòa vi quí, được lòng, không va chạm nên phiếu cao; vấn đề thứ hai lại càng khó hơn với cơ chế như hiện nay do nguyên lý cào bằng đang thống trị không thể tạo ra được môi trường công bằng. Riêng vấn đề thứ 3 chắc Nhà nước sẽ giải quyết được dễ dàng bởi vì chỉ cần thay cào bằng bằng hiệu quả chúng ta sẽ có thừa tiền để trả lương cho hiền tài, nhân tài như ở các nước tiên tiến.

Điều còn đáng nói hơn ở đây là phải làm sao khai thác có hiệu quả được cả hai lực lượng hiền tài, nhân tài trong và ngoài nước. Muốn thế chúng ta phải có người đứng đầu các ngành, chuyên ngành khoa học và kỹ thuật trong nước. Một lần nữa không phải cứ giáo sư là đầu ngành và chuyên ngành khoa học.

Một chính sách hết sức quan trọng của Nhà nước cần có là cho phép các nhà khoa học tại các trường đại học và viện nghiên cứu có thể tự đứng ra thành lập các nhóm nghiên cứu khoa học và tạo mọi điều kiện để họ có thể phối hợp nghiên cứu khoa học với nước ngoài. Thiếu tiền Nhà nước cho vay.

Sau đó, nhóm nào nghiên cứu thực sự có hiệu quả, đúng là đóng góp được cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước thì mới xem xét và đầu tư. Nếu cứ theo cơ chế như hiện nay, các nhóm nghiên cứu phần lớn chỉ là hữu danh vô thực.

Còn về máy móc, thiết bị những gì chúng ta đang có tuy chưa đồng bộ nhưng cũng chẳng thua kém các nước phát triển là bao nhiêu nên không đáng ngại. Cái gốc cần giải quyết của chúng ta là các nhà gọi là khoa học quá xa rời thực tiễn của sản xuất và phần lớn không có khả năng hội nhập với nền khoa học, kỹ thuật tiên tiến của thế giới.

Chủ trương của Đảng và Nhà nước về thu hút hiền tài, nhân tài cho đất nước là rất đúng đắn và kịp thời. Trước hết, phải có tiêu chí để nhận diện được đúng họ, sau đó thu hút được họ làm việc trong môi trường cạnh tranh lành mạnh và cuối cùng qua thực tiễn nghiên cứu và phát triển công nghệ xây dựng được các đầu ngành, chuyên ngành khoa học thật sự đóng góp được cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập được với quốc tế.

Để làm được những điều này chúng ta phải xóa bỏ được cái ảo đang thịnh hành và vực được cái thật lên ngang tầm thời đại./.

PGS.TS. Phan Quang Thế

Hiệu trưởng trường Đại học KTCN Thái Nguyên