Phải giỏi "cầm kì thi họa” nếu muốn vào trường top đầu của Mỹ?

(Dân trí) - Nhiều học sinh đỗ các trường Ivy League thường biết giỏi thể thao, có tài năng lãnh đạo, đạt giải khoa học … Phải chăng tài năng về “cầm kì thi họa” là công thức giúp ứng viên được trường top đầu của Mỹ chú ý?

Không để tài năng “ngủ yên”

Hiện nay, Việt Nam có lượng du học sinh tại Mỹ khá lớn (hơn 20.000 du học sinh tất cả các bậc học) nhưng một năm, cả nước chỉ có khoảng 10-20 em đỗ vào nhóm 8 trường Ivy League cho bậc học Cử nhân.

Số lượng học sinh Việt trên toàn hệ thống trường học của Mỹ tăng với cấp độ 2 chữ số một năm trong vòng 10 năm trở lại đây và Việt Nam hiện đứng thứ 6 trong số các nước gửi nhiều du học sinh nhất tới Mỹ. Tuy nhiên, số học viên Việt Nam có cơ hội đặt chân đến các trường ĐH Ivy League và top 10 của Mỹ vẫn còn rất khiêm tốn.

“Các trường Ivy Leaguage và top 15 nước Mỹ tìm kiếm điều gì ở học sinh?” là băn khoăn lớn của nhiều phụ huynh, học sinh tại Ngày hội du học Mỹ được tổ chức mới đây ở Hà Nội.


Thầy Colm (người Mỹ, tốt nghiệp ĐH Harvard) khuyên phụ huynh Việt không “cố đấm ăn xôi” ép con tham gia hoạt động không yêu thích.

Thầy Colm (người Mỹ, tốt nghiệp ĐH Harvard) khuyên phụ huynh Việt không “cố đấm ăn xôi” ép con tham gia hoạt động không yêu thích.

Thầy Colm (người Mỹ, tốt nghiệp ĐH Harvard) – diễn giả chương trình nhận định, điểm chung của những học sinh đỗ nhóm trường Ivy League nói riêng và trường top 15 Mỹ là rất tài năng và thường khá toàn diện

Không chỉ học giỏi, phần lớn các sinh viên này còn có thiên hướng phát triển toàn diện cả về các môn năng khiếu, nghệ thuật, thể thao, kỹ năng lãnh đạo. Do đó, việc việc phụ huynh Việt muốn cho con học “cầm kỳ thi họa” để chuẩn bị cho việc du học Mỹ cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, thầy giáo người Mỹ lưu ý, điểm mấu chốt không chỉ dừng lại ở tài năng. “Các trường Ivy League rất quan tâm việc bạn sử dụng tài năng thế nào để đóng góp cho cộng đồng xung quanh bạn và thế giới”, diễn giả này nhấn mạnh.

Hội đồng tuyển sinh không chỉ nhìn vào thành tích, giải thưởng mà còn muốn thấy học sinh sử dụng chúng vì cộng đồng, thay vì chỉ học với mục đích đạt điểm cao, đi thi thố thể hiện bản thân.

Bởi lẽ, họ muốn chắc chắn phần nào rằng sau khi tốt nghiệp bạn vẫn là người có khả năng thành đạt trong lĩnh vực đã lựa chọn và có ảnh hưởng tích cực với cộng đồng xung quanh mình và thế giới.

Học ở ĐH Harvard, thầy Colm gặp những người bạn rất đặc biệt, có thể đó là những bạn đã từng sống trong trại tị nạn, mất hết người thân trong chiến tranh, những người vô gia cư nhưng biết vượt qua khó khăn để trưởng thành, phát triển.

Đặc biệt, khi có cơ hội, họ sử dụng tài năng về âm nhạc, toán học, hội họa... để mở các lớp học miễn phí nhằm nâng cao hiểu biết của toàn bộ cộng đồng hay thành lập các dự án phi lợi nhuận giúp đỡ các đối tượng khó khăn. Họ không chỉ là người “phi thường”, đặc biệt tài năng mà còn sẵn sàng đóng góp cho cộng đồng.

“Không để tài năng của mình ngủ yên”, thầy Colm tiết lộ, đó là cách giúp bộ hồ sơ của học sinh trở nên thuyết phục.


Đông đảo phụ huynh băn khoăn về cách thức các trường top Mỹ lựa chọn ứng viên.

Đông đảo phụ huynh băn khoăn về cách thức các trường top Mỹ lựa chọn ứng viên.

Trải nghiệm vượt khuôn khổ truyền thống

Lời khuyên của diễn giả người Mỹ đối với học sinh là hãy tham gia hoạt động ngoại khóa sớm, trải nghiệm điều mới vì đó là cơ hội tuyệt vời giúp bạn trẻ khám phá mặt nào đó rất thú vị của bản thân.

Thầy Colm đồng thời khuyên các vị phụ huynh không “cố đấm ăn xôi” ép con tham gia các hoạt động chúng không thực sự yêu thích. Có sự yêu thích các em mới tham gia say mê và tận tâm.

Đồng tình với thầy Colm, cô Phương Hoa (tốt nghiệp loại ưu ĐH Middlebury – top 4 ĐH khai phóng Mỹ) và có 10 năm kinh nghiệm tư vấn du học Mỹ chia sẻ: “Khi nói đến cách vào trường top, mọi người hay nghĩ là anh kia chơi piano, chị kia giỏi violon, cờ tướng, bơi lội, điểm số chuẩn hóa cao… thế nào thì mình cũng nên đi theo con đường như vậy.

Thậm chí có phụ huynh cho con đi học đàn bầu, đàn tranh với hi vọng thể hiện năng lực nghệ thuật và “tình yêu” với văn hóa dân tộc, dù con không hề đam mê.

Bắt chước và tin vào một “công thức” nào đó thường sẽ khó đem lại hiệu quả vì ngoài những tiêu chí chung, hội đồng tuyển sinh cũng luôn mong muốn tìm kiếm sự khác biệt, đa dạng và đề cao tính chân thực của hồ sơ.mỗi người là một cá thể riêng biệt”.

Do đó, trong khi học tập và lấy cảm hứng từ các lứa học sinh thành công đi trước, các bạn không nên bắt chước mà cố gắng vượt ra khỏi khuôn khổ truyền thống, thể hiện tư duy độc lập, quan điểm mới mẻ qua các trải nghiệm và quan sát thực tế của bản thân

Nữ diễn giả 8X Việt lấy thêm ví dụ về việc nhiều học sinh giành nhiều năm trời đóng góp cho các dự án cộng đồng, đặc biệt cho các đối tượng thiểu số, vùng sâu vùng xa và đã đỗ trường Ivy League.

Dĩ nhiên, không phải cứ đi làm tình nguyện, đi dạy học, bạn mới vào được trường top nhưng những nỗ lực bền bỉ vì cộng đồng ít nhiềuchứng minh cho các trường là ứng viên đó có thể sẵn sàng hi sinh cho một điều gì đó lớn hơn lợi ích chỉ của bản thân mình. Sẽ tuyệt vời hơn nếu đam mê đó họ nguyện theo đuổi lâu dài, không vì mục đích vào đại học mà cho cả cuộc đời họ.


Cô Phương Hoa (tốt nghiệp ĐH Middlebury) lưu ý học sinh nên tham gia hoạt động ngoại khóa vượt khuôn mẫu thông thường.

Cô Phương Hoa (tốt nghiệp ĐH Middlebury) lưu ý học sinh nên tham gia hoạt động ngoại khóa vượt khuôn mẫu thông thường.

Không lệch quá về một yếu tố nào

Nói về quan điểm lựa chọn/ phương thức đánh giá học sinh của nhóm trường Ivy và top 15 ĐH Mỹ, cô Phương Hoa lưu ý thêm, ngoài yếu tố cá tính khác biệt, khả năng cống hiến cho cộng đồng thì bạn cũng vẫn phải thể hiện mình là một học sinh xuất sắc ở quốc gia của bạn.

Nếu chỉ tiêu của trường top chỉ cho phép chọn khoảng 10% học sinh quốc tế thì khá dễ hiểu, họ cũng muốn bạn là học sinh nhóm xuất sắc ở Việt Nam, hay top 10 trường trung học bạn theo học.

Để chứng minh mình là một học sinh xuất sắc của quốc gia, ứng viên có nhiều cách thể hiện: điểm trung bình môn cao (thường trên 9 phẩy), trường có cạnh tranh không (trường chuyên thường lợi thế hơn), các giải học sinh giỏi thành phố/ quốc gia/quốc tế...

Cũng có trường hợp đậu trường top 10 Mỹ mà không có giải nhưng đó rất hiếm. Điểm số ở trường thì thầy cô có người cho dễ, cho khó; do vậy giải thưởng ở tầm thành phố/ quốc gia, điểm chuẩn hóa cao sẽ khiến hội đồng tuyển sinh yên tâm hơn về năng lực của ứng viên.

Thêm nữa, vì bộ hồ sơ của Mỹ có tính toàn diện cao nên các bạn không chỉ chăm chăm làm một thứ. Mùa hè trước khi nộp hồ sơ mới đi làm hoạt động thì hội đồng tuyển sinh sẽ nhìn thấy bạn đang “đối phó”, không yêu thích thực sự và không có đóng góp mang tính quá trình.

Chuẩn bị sớm (lí tưởng nhất là chuẩn bị từ năm lớp 9), chọn trường khôn ngoan, có nhiều phương án phòng bị, chuẩn bị các thành phần khác nhau của bộ hồ sơ, không lệch quá về yếu tố nào là những lời khuyên quan trọng của các diễn giả trong ngày hội tới đông đảo bạn trẻ ấp ủ ước mơ du học bậc Đại học tại xứ sở cờ hoa.

Lệ Thu