Phải đưa chiến tranh biên giới vào sách giáo khoa
Theo PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, việc đưa cuộc chiến tranh biên giới 1979 vào sách lịch sử và giáo khoa phải được coi là hành động làm rõ sự thật lịch sử.
Thiếu tướng, PGS-TS Nguyễn Xuân Thành (ảnh) - Học viện Quốc phòng là một trong những người tham gia cuộc chiến tranh biên giới vào giai đoạn cuối cùng, năm 1986. Trong ngày 17-2, những kỷ niệm đau thương của cuộc chiến vẫn như nung nấu ông trong từng câu nói, nét mặt.
Thiếu tướng Thành nói: “Do nhiều nguyên nhân nên cả Việt Nam và Trung Quốc đều muốn bình thường hóa quan hệ, gỡ bỏ những căng thẳng giữa hai nước. Trong khi Việt Nam kiềm chế không đưa những sự kiện chiến tranh biên giới 1979 vào sách lịch sử, giáo khoa, phim ảnh, báo chí, tuyên truyền… thì Trung Quốc vẫn đơn phương thực hiện tuyên truyền, xuyên tạc sự thật về bản chất cuộc chiến tranh này khi coi đó là cuộc chiến chính nghĩa, là phản kích tự vệ của Trung Quốc. Đó là điều không thể chấp nhận được”.
. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải đưa cuộc chiến tranh biên giới 1979 với Trung Quốc vào sách giáo khoa. Ông nhận định thế nào?
+ Tôi ủng hộ điều đó. Bởi lịch sử là sự thật những gì đã diễn ra. Chúng ta không thể cắt xén, bịa đặt, cũng không thể tô hồng hoặc bôi đen lịch sử. Việc đưa cuộc chiến tranh biên giới 1979 với Trung Quốc vào sách lịch sử và giáo khoa phải được coi là hành động làm rõ sự thật lịch sử, nói rõ với nhân dân và các thế hệ sau sự thật về bản chất của cuộc chiến tranh này. Trung Quốc vẫn tuyên truyền rầm rộ về cuộc chiến này.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng mục đích của việc đưa cuộc chiến tranh biên giới 1979 vào sách lịch sử và giáo khoa chỉ nhằm mục đích là làm rõ sự thật cho nhân dân ta, nhân dân Trung Quốc, nhân dân thế giới và các thế hệ sau hiểu rõ sự thật chứ không nhằm kích động hận thù, gây hấn giữa hai nước. Mỗi bên cần rút ra các bài học kinh nghiệm xương máu để tránh những nguy cơ xung đột về sau.
. Đà Nẵng có sách giáo khoa lịch sử, trong đó có phần lịch sử địa phương, trong đó nói rất rõ về Hoàng Sa, Trường Sa. Ông có nghĩ cách làm này có thể áp dụng với khu vực biên giới hay không?
+ Tôi hoàn toàn đồng ý. Tuy nhiên, cần phải có một hội đồng khoa học thẩm định để sách lịch sử và giáo khoa được chính xác. Hiện nay, những số liệu thống kê về cuộc chiến tranh biên giới 1979 được công bố, nhất là những số liệu thống kê về thương vong của hai bên còn chênh lệch nhau giữa Trung Quốc, Việt Nam và cả số liệu của phương Tây. Sách lịch sử và giáo khoa đòi hỏi phải viết đúng sự thật, không thể bịa đặt.
. Nhưng nếu Trung Quốc cứ tiếp tục xuyên tạc, chúng ta phải làm gì? Hoặc nếu Trung Quốc thôi không xuyên tạc, có phải chúng ta sẽ dừng lại không?
+ Trung Quốc xuyên tạc bản chất cuộc chiến tranh năm 1979 thì chúng ta phải phản bác lại để nhân dân hai nước cũng như thế giới và các thế hệ sau nhận thức được đúng sự thật. Tức là cần phải có sự đáp trả chính thức tương xứng về mặt ngoại giao.
. Xin cám ơn ông.
GS Nguyễn Minh Thuyết: Cần phải sòng phẳng với lịch sử
Chiến tranh biên giới 1979 với Trung Quốc là một cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc oanh liệt. Cũng như mọi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc khác, cuộc kháng chiến này cần phải được đưa vào sách giáo khoa, trước hết là sách giáo khoa môn lịch sử, bởi đây là một phần của lịch sử, có tác dụng giáo dục cho thanh thiếu niên lòng yêu nước, tinh thần cảnh giác trong việc bảo vệ Tổ quốc.
Giáo trình “Đại cương lịch sử Việt Nam” dành cho bậc đại học đã có phần viết về cuộc chiến tranh biên giới này rồi. Nhưng sách giáo khoa phổ thông thì chưa có.
Đưa nội dung này vào sách giáo khoa không phải để khắc sâu hận thù hay kích động tâm lý bài Trung. Sách giáo khoa không chỉ viết về cuộc chiến tranh biên giới 1979 mà còn phải viết về những trận chiến tại Hoàng Sa, Trường Sa. Cần phải sòng phẳng với lịch sử. Chúng ta lên án những kẻ gây ra chiến tranh và những hành vi tàn bạo, đê hèn trong chiến tranh biên giới và các cuộc chiến ở Hoàng Sa, Trường Sa… nhưng chúng ta không chống nhân dân Trung Quốc.
Ngoài sách giáo khoa môn lịch sử, theo tôi, cũng nên đưa vào sách giáo khoa ngữ văn những bài thơ hay như Gặp lại các em của Nguyễn Đình Chiến, Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến,…
_________________________________
Những chế độ, chính sách cho những người đã hy sinh, tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc vẫn được đảm bảo đầy đủ. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng đây mới chỉ là về phương diện vật chất. Còn về phương diện tinh thần, tôi nghĩ cần phải có sự tôn vinh xứng đáng, công khai và minh bạch hơn. Đó là yêu cầu chính đáng của nhân dân." - PGS-TS Nguyễn Xuân Thành
Theo Chân Luận
Pháp luật TPHCM