PGS.TS người Việt tại Úc: "Bạn trẻ học vì mình hay cho cha mẹ vui lòng?"

Hoài Nam

(Dân trí) - Trong khi nhiều bạn trẻ gặp xung đột "học vì bố mẹ vui lòng" thì PGS.TS Ngô Viết Liêm, ĐH New South Wales, Úc cho rằng, sự ràng buộc "học vì bố mẹ" cũng là một khởi đầu cho những hành trình tiếp theo.

PGS.TS. Ngô Viết Liêm, làm việc tại Đại Học New South Wales, Úc, Tổng Biên tập Tạp chí Australasian Marketing Journal (AMJ) có nhiều chia sẻ trải nghiệm với các bạn trẻ trong chương trình trực tuyến "Dấu ấn đàn chim Việt" do trường ĐH Kinh tế TPHCM tổ chức.

Chủ đề được đặt ra, làm sao để các bạn trẻ  tìm ra con đường phù hợp, phát triển tối đa tiềm năng bản thân, tìm sự tự do đúng hướng.

Nhiệt tâm - Trọn vẹn - Thấy ra

Từng là sinh viên, giảng viên trường  ĐH Bách khoa TPHCM và có gần 20 năm có những trải nghiệm du học, làm việc tại Úc, hành hình khám phá tri thức của PGS.TS Ngô Viết Liêm có 3 nguyên lý: Nhiệt tâm - Trọn vẹn - Thấy ra. 

PGS.TS người Việt tại Úc: Bạn trẻ học vì mình hay cho cha mẹ vui lòng? - 1

PGS.TS. Ngô Viết Liêm trao đổi trong một lần về nước 

3 nguyên lý này là những phẩm chất có sẵn trong mỗi người. "Nhiệt tâm" là năng lượng và sự hứng thú trong học tập, công việc để mỗi người khắc phục và vượt qua thử thách, để từ đó tiếp tục tái tạo ra năng lượng mới.

"Trọn vẹn" là tập trung và biết rõ việc mình đang làm để có thể phát huy được sự sáng tạo. Với công việc của ông, việc sáng tạo để tạo ra cái mới và truyền tải tri thức mới đến với sinh viên là điều rất quan trọng 

"Thấy ra" là học ra những bài học của chính bản thân gồm: Tự học là chính; mở rộng giới hạn bản thân; phục vụ để hoàn thiện. 

Ràng buộc là chất liệu của những bài học 

Trước một thực tế nhiều người trẻ cảm thấy không hứng thú ngay khi bắt đầu hành trình học tập, công việc, PGS.TS. Ngô Viết Liêm điều quan trọng đầu tiên là chúng ta cần sớm "Thấy ra" để điều chỉnh thái độ của mình cho phù hợp.  

Khi các bạn thấy mình không hứng thú với công việc, đừng đặt quá nhiều mục tiêu hay kỳ vọng sẽ kéo theo tâm lý không hứng thú sẽ càng khuếch đại thêm. 

Tiếp đó, dành sự "trọn vẹn" để tập trung hoàn toàn vào việc mình đang làm. Khi hoàn thành công việc, năng lượng tích cực sẽ được tái tạo để chúng ta có thể vượt qua cảm giác không hứng thú với công việc.

Trước băn khoăn của rất nhiều bạn trẻ về việc đi du học, lựa chọn nghề nghiệp chỉ vì "cho cha mẹ vui lòng" hay các quyết định nhất thiết phải xuất phát từ bản thân, PGS.TS. Ngô Viết Liêm nhấn mạnh, khi chưa lên đỉnh núi, rất khó thấy bức tranh toàn cảnh, chúng ta nên đi theo dấu chân thành công của những người đi trước.

Khi còn trẻ, một quyết định sẽ ràng buộc rất nhiều thứ, nhiều điều kiện. Chúng ta khó tránh được việc, phải học những môn mình không thích, làm những điều chúng ta không muốn, hay theo những mong muốn xuất phát từ cha mẹ. 

Nếu ban đầu chưa tự xác định được hướng đi, chưa có chính kiến đối với các vấn đề lớn, theo ông, có thể theo định hướng của cha mẹ, xem đó là điểm khởi đầu. 

"Một trong những cách vượt qua sự không hứng thú là làm vui lòng và mang lại lợi ích cho người khác. Làm người khác vui, mình sẽ thấy vui là tố chất trong mỗi con người. Bản thân tôi cũng là một người luôn muốn làm ba mẹ vui lòng", ông nói. 

PGS.TS người Việt tại Úc: Bạn trẻ học vì mình hay cho cha mẹ vui lòng? - 2

PGS.TS. Ngô Viết Liêm

Từ khởi điểm đó, trên hành trình của mình mỗi người sẽ có nhiều câu hỏi, tự đi tìm câu trả lời. Khi có những trải nghiệm, chúng ta sẽ thấy nguyên lý "Thấy ra". 

"Thấy ra" ở đây là một lúc nào đó, bạn sẽ thấy việc trao đổi với bố mẹ không khó như mình nghĩ. Thuyết phục bố mẹ ủng hộ đi theo con đường của mình sẽ giúp bản thân trưởng thành, tự tin hơn rất nhiều.

PGS.TS. Ngô Viết Liêm luôn nhớ đến câu nói của một người thầy: "Tự do là ung dung trong ràng buộc". Chúng ta khó tránh khỏi những ràng buộc trong cuộc sống và công việc. Ràng buộc là chất liệu để chúng ta thấy ra bài học để từ đó thay đổi nhận thức và hành vi.

Cho nên thái độ của chúng ta đối với ràng buộc sẽ quyết định độ tự do của chúng ta. Tự do đúng hướng là có lợi cho mình và có lợi cho người.  

Ra đi để trở về

"Tự học là chính. Và mình là người thầy của chính mình" là điều PGS.TS. Ngô Viết Liêm nhắc mình mọi lúc mọi nơi.

Ngay từ lúc đi học và cho đến bây giờ, ông biến tất cả mọi nơi xung quanh thành giảng đường, từ xe bus, train hay bất kỳ nơi nào có thể. Từ sự hứng thú, nhiệt tâm với việc học, giúp ông "mở rộng giới hạn bản thân"

Và một điều ông luôn tự nhắc mình, phục vụ là để hoàn thiện bản thân. "Ra đi là trở về", dù ở Úc nhưng ông luôn hướng về Việt Nam. Ông luôn sẵn sàng hỗ trợ nghiên cứu sinh, giảng viên trẻ tại Việt Nam cũng như tham gia giảng dạy về phương pháp nghiên cứu, hội thảo quốc tế. 

Với những đóng góp của mình, năm 2018, PGS.TS. Ngô Viết Liêm là người Việt Nam đầu tiên được trao bằng Tiến sĩ danh dự của Trường ĐH Kinh tế TPHCM.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm