PGS.TS Lê Khắc Cường: Đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội, tạo bản sắc riêng của HIU
(Dân trí) - Một trong những mục tiêu trọng điểm với cương vị Tân Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU), PGS.TS Lê Khắc Cường xem đây là công việc quan trọng khẳng định vị thế của HIU trên bản đồ giáo dục Việt Nam.
PGS.TS Lê Khắc Cường tin rằng ai có ước mơ, người đó nắm trong tay ít nhất 80% cơ hội để biến ước mơ thành hiện thực. Mong muốn của ông khi được bổ nhiệm Tân Phó Hiệu trưởng Đại học Quốc tế Hồng Bàng là biến nơi đây thành một môi trường sư phạm quốc tế, không chỉ thu hút sinh viên trong nước mà còn sinh viên các nước đến học tập!
Lý do nào ông chọn Đại học Quốc tế Hồng Bàng là mái nhà thứ hai của mình sau khi rời Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn TPHCM?
PGS.TS. Lê Khắc Cường: Sau gần công tác 30 năm ở ĐH KHXH&NV, tôi định nghỉ để làm một việc gì đó… Trong một lần được mời đến tham quan tòa nhà Ship of Knowledge của Đại học Quốc Tế Hồng Bàng, tôi đã thích mê cơ sở vật chất ở đây ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Nhất là, thư viện tuy không lớn nhưng đẹp và rất dễ thương, có phòng học nhóm cho sinh viên, trong đó có mấy cái gối để sinh viên tựa đầu khi mệt, sinh viên vào ra thư viện thoải mái, chẳng ai kiểm tra túi xách, miễn là không gây tiếng động. Tôi đi thang máy, các em sinh viên cúi đầu chào dù tôi không phải là giảng viên của trường.
Thế là khi Thầy Hiệu trưởng ngỏ lời, tôi gật đầu ngay. Vậy đó, mới đây mà đã 2 năm rưỡi rồi. Hầu như ngày nào tôi cũng đến trường nhưng đến tận bây giờ vẫn chưa hết ấn tượng về cơ sở vật chất tiện nghi và các em sinh viên thân thiện của Đại học Quốc tế Hồng Bàng.
Trong bài phát biểu nhận quyết định bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng, ông đã chia sẻ rằng đây vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm. Vậy cụ thể những trách nhiệm ấy là gì?
PGS.TS. Lê Khắc Cường: Đại học Quốc tế Hồng Bàng hiện không còn vô danh. Nhiều ngành học của chúng ta vẫn đang là ngành thu hút giới trẻ.
Được phân công phụ trách mảng đào tạo, tôi sẽ cùng các đơn vị trong trường cải tiến chương trình đào tạo cho phù hợp với xã hội hiện đại, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; tăng cường năng lực ngoại ngữ và công nghệ thông tin cho sinh viên, học viên. Các chiến lược đào tạo nhằm củng cố, phát triển các ngành đã có thương hiệu, có điều kiện phát triển để tạo nên bản sắc của HIU và triển khai tuyển sinh thành công các ngành mới xây dựng, có nhu cầu xã hội và khả năng tuyển sinh tốt.
Sinh viên sẽ có các học kỳ tại doanh nghiệp trong nước và nước ngoài thay vì chỉ bó hẹp việc học trên giảng đường; tin học hóa hoạt động quản lý để đỡ tốn nhân lực, vật lực, thời gian của mọi người; quốc tế hóa môi trường giáo dục tại HIU để có thể đón tiếp nhiều hơn sinh viên, học viên của các nước đến đây học tập, nghiên cứu.
Ngoài ra, một trong trọng điểm tăng cường chất lượng đào tạo là chúng tôi sẽ rà soát, bổ sung giảng viên, ưu tiên giảng viên trẻ, có bằng cấp cao, giỏi chuyên môn, ngoại ngữ và có tâm huyết… Những kiến thức nào mang tính toàn cầu, chúng tôi sẽ hướng tới sử dụng giáo trình của nước ngoài. Đồng thời, đối với các môn mang tính dân tộc, đặc thù của Việt Nam, chúng tôi khuyến khích giảng viên biên soạn giáo trình giảng dạy.
Những giáo trình biên soạn ấy sẽ được giám định hết sức chặt chẽ với một Hội đồng là các chuyên gia đầu ngành nhằm đảm bảo chất lượng khoa học. Các giáo trình biên soạn ấy là uy tín của Thầy Cô, đồng thời cũng là uy tín, bản sắc riêng của HIU.
Như ông đã chia sẻ về HIU, một môi trường sư phạm quốc tế, điều đó sẽ được thực hiện như thế nào?
HIU sẽ đẩy mạnh các chương trình đào tạo/liên kết đào tạo quốc tế; quốc tế hóa môi trường giáo dục tại HIU, thể hiện rõ vị thế là một đại học quốc tế. Muốn đạt được mục đích, trong thời gian tới chúng ta phải hoàn thiện cơ cấu tổ chức của Viện Đào tạo Quốc tế.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ kiểm tra các chương trình đào tạo quốc tế/liên kết quốc tế/full English đang thực hiện để nâng cao chất lượng; quảng bá, thu hút học sinh; tiếp tục xây dựng các chương trình chất lượng cao và hướng tới giảng dạy 100% bằng tiếng Anh. Điều đó sẽ góp phần thu hút sinh viên quốc tế về HIU (Hàn, Thái, Singapore, Pháp, Đài Loan…) thông qua các mối quan hệ với các đối tác.
Điều cần làm trong tương lai gần, từ Học kỳ I, năm học 2021-2022, ít nhất 10% các môn chuyên ngành (năm III, IV) của tất cả các ngành (trừ khối ngoại ngữ) sẽ được giảng dạy bằng tiếng Anh. Tỷ lệ này sẽ tăng dần theo từng năm, hướng đến mục tiêu 100% khối kiến thức chuyên ngành sẽ dạy bằng tiếng Anh.
Tôi không nghĩ là một cá nhân có thể xây dựng chiến lược cho cả một trường. Chiến lược phải là sản phẩm của cả tập thể sư phạm. Chiến lược được điều chỉnh theo từng giai đoạn phát triển cho phù hợp. Một điều quan trọng nữa là chiến lược phải bám sát triết lý giáo dục 5H gồm Heart (Tâm), Head (Trí), Health (Thể), Hand (Kỹ), Human (Nhân) mà Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng đang theo đuổi.
Xin cảm ơn Thầy!
PGS.TS Lê Khắc Cường là chuyên gia ngôn ngữ học, có gần 35 năm công tác trong lĩnh vực giáo dục. Trong 33 năm ở trường hết 17 năm, ông làm công tác quản lý, là người "bị" điều động đi nhiều nơi nhất, cả thảy 3 Khoa/Bộ môn và 4 Phòng, chưa kể hai trung tâm và Phòng thực nghiệm Ngữ âm học. Ông còn là một nhà báo.
Ông được bạn bè và đồng nghiệp đặt cho nickname "Cường Stiêng" vì ông là người đầu tiên làm luận án tiến sĩ ngôn ngữ học về tiếng Stiêng - "Cơ cấu ngữ âm tiếng Stiêng (so sánh với các ngôn ngữ Nam Bahnar)".
Hầu hết những công trình của PGS.TS. Lê Khắc Cường là về ngôn ngữ các tộc người thiểu số và từ điển. Ngoài khoảng 40 bài báo khoa học, ông còn làm chủ nhiệm/tham gia một số công trình sau:
1. Biên soạn Từ điển báo chí Anh - Việt (2006)
2. Xây dựng hệ thống chữ viết cho tiếng Stiêng và biên soạn Từ điển đối chiếu Việt - Stiêng, Từ điển đối chiếu Stiêng - Việt (2007);
3. Hoàn thiện hệ thống chữ viết cho tiếng M'nông và biên soạn từ điển Việt - M'nông, M'nông - Việt (2008)
4. Hoạt động tự học của sinh viên Trường ĐHKHXH&NV trong đào tạo theo học chế tín chỉ: Hiện trạng và giải pháp (2011)
5. Xây dựng Từ điển thuật ngữ Ngôn ngữ học đối chiếu và giải thích Anh - Việt (2013)
6. Nghiên cứu tiếng Tà Mun trong mối quan hệ cội nguồn với các ngôn ngữ Nam Bahnar (2018)