PGS. TS Lê Hữu Lập: Điều quan trọng nhất trong tuyển sinh là sự công bằng!

(Dân trí) - “Trong tuyển sinh chỉ cần hơn nhau 0,5 điểm là quyết định việc đỗ hay trượt. Vì thế, khi có sự thay đổi trong cách tính toán điểm xét tuyển thì vẫn phải giữ nguyên tắc đảm bảo công bằng giữa các thí sinh, không thể vì lý do nào đó mà thay đổi nguyên tắc này”.

Đó là quan điểm của PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông chia sẻ với Dân trí chiều ngày 16/8.

LTS: Liên quan đến những điểm chưa rõ về các công thức mà Bộ GD-ĐT đưa ra để tính điểm xét tuyển của thí sinh có liên quan đến việc nhân hệ số môn chính và cộng điểm ưu tiên, PGS.TS Lê Hữu Lập nhấn mạnh: “Những công thức tính toán đó có đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh lâu nay hay không? Nếu công thức đó không đảm bảo được yêu cầu này thì có nghĩa là nên điều chỉnh lại cho đúng”. Chúng tôi xin gửi tới độc giả ý kiến chia sẻ của PGS. TS Lê Hữu Lập để cùng tham khảo.

PGS.TS Lê Hữu Lập

PGS.TS Lê Hữu Lập.

Theo PGS.TS Lê Hữu Lập: Nếu điểm môn thi chính của thí sinh bằng nhau và tổng điểm xét tuyển bằng nhau (trước khi áp công thức nhân hệ số) thì dùng công thức nào đi nữa cũng phải cho ra kết quả cuối cùng phải bằng nhau. Nói nôm na các thí sinh này phải cùng đỗ hoặc cùng trượt chứ không có chuyện người đỗ, người trượt. Nếu có sự sai lệch thì đồng nghĩa đã mất đi sự công bằng của thí sinh vốn có lâu nay.

Hiện tại Bộ GD-ĐT đưa ra hai công thức tính điểm xét tuyển đối với trường có môn thi chính:

Công thức 1 là:(dm1 + dm2 + dm3*2) + điểm ưu tiên*4/3 - Theo tinh thần thông báo 639

Công thức 2 là:(dm1 + dm2+dm3*2)*3/4 + điểm ưu tiên - Theo tinh thần quyết định 2961

Công thức xác định lâu nay của các trường đối với các ngành có môn thi nhân hệ số là: [ dm1 + dm2 + dm3*2] + điểm ưu tiên. Chúng ta gọi là công thức 3.

Để xem công thức nào đúng tôi xin đưa ra các ví dụ cụ thể. Chúng ta cùng xét tổng điểm của hai thí sinh ở mức điểm xét tuyển cơ bản 13,0. Muốn bao quát hết tất cả trường hợp chúng ta xét điểm môn thi chính lớn hơn và thấp hơn mức điểm trung bình xét tuyển cơ bản là 13/3= 4,33.

Xét 2 thí sinh dự thi khối A với dm1 là môn Hóa, dm2 là môn Lý và dm3 là môn Toán. Môn chính là dm3 và hai thí sinh này đều có điểm môn chính bằng nhau

Ví dụ 1 - Điểm môn thi chính thấp hơn điểm trung bình xét tuyển cơ bản.

Giả sử thí sinh X có điểm thi dm3 = 4, dm2 = 5, dm1= 4 và không có điểm ưu tiên. Thí sinh Y Có điểm thi dm3 = 4, dm2 = 3.5, dm1 = 4 và có điểm ưu tiên là 1,5. Tổng điểm của thí sinh X = 4 + 5 + 4= 13 và thí sinh Y = 4 +3.5 + 4 + 1,5 = 13. Như vậy, tổng điểm của thí sinh X và thí sinh Y bằng nhau, đồng nghĩa là cùng trúng tuyển hoặc cùng trượt. Nếu đưa vào công thức mới điều này vẫn đảm bảo thì công thức đó sẽ đúng.

Bây giờ chúng ta áp dụng 3 công thức trên và nó được thể hiện ở bảng dưới đây:

Công thức tính

Thí sinh X

(không có điểm ưu tiên)

Thí sinh Y

(có điểm ưu tiên)

Công thức 1

X= (4*2 + 5 +4) +0 =17

Y = (4*2 +3,5 +4) +1,5*4/3 = 17,5

Công thức 2

X= (4*2 +5 +4)*3/4 +0 = 12,75

Y = (4*2 + 3,5 +4)*3/4 + 1,5 =13,13

Công thức 3

X = (4*2 + 5 +4) +0 =17

Y = (4*2 + 3.5 +4) +1,5 =17

 Như vậy, thí sinh X có mức điểm thấp hơn mức xét tuyển trung bình cơ bản và sẽ rớt, còn thí sinh Y theo cách tính ở công thức 1 và 2 đều trên mức xét tuyển trung bình cơ bản, và có cơ hội trúng tuyển.

Ví dụ 2 - Điểm môn thi chính cao hơn điểm trung bình xét tuyển cơ bản

Giả sử thí sinh X có điểm thi dm3 = 5, dm2 = 4, dm1= 4 và không có điểm ưu tiên. Thí sinh Y có điểm thi dm 3 = 5, dm2 = 2.5, dm1 = 4 và có điểm ưu tiên là 1,5. Tổng điểm của thí sinh X = 5 + 4 + 4= 13 và thí sinh Y = 5 +2,5 + 4 + 1,5 = 13. Như vậy tổng điểm của thí sinh X và thí sinh Y bằng nhau, đồng nghĩa là cùng trúng tuyển hoặc cùng trượt. Nếu đưa vào công thức mới điều này vẫn đảm bảo thì công thức đó sẽ đúng.

Bây giờ chúng ta áp dụng 3 công thức trên và nó được thể hiện ở bảng dưới đây:

Công thức tính

Thí sinh X

(không có điểm ưu tiên)

Thí sinh Y

(có điểm ưu tiên)

Công thức 1

X= (5*2 + 4 +4) +0 =18

Y = (5*2 +2,5 +4) +1,5*4/3 = 18,5

Công thức 2

X= (5*2 +4 +4)*3/4 = 13,5

Y = (5*2 + 2,5 +4)*3/4 + 1,5 =13,88

Công thức 3

X = (5*2 + 4 +4) +0 =18

Y = (5*2 + 2.5 +4) +1,5 =18

Như vậy, với việc áp dụng công thức 1 và 2 thì thí sinh X luôn có điểm thấp hơn thí sinh Y, do đó cơ hội trúng tuyển rõ ràng thấp hơn.

Qua hai ví dụ trên cho thấy, công thức 3 vẫn đảm bảo sự công bằng vốn có của nó cho thí sinh. Còn công thức 1 và công thức 2 thì sự công bằng của thí sinh đã bị phá vỡ. Đồng nghĩa với việc thí sinh có điểm ưu tiên sẽ có lợi hơn sau khi áp dụng các công thức của Bộ GD-ĐT đưa ra. Nói cách khác là thí sinh Y được hai lần ưu tiên.

“Tôi hi vọng sẽ có cách nào đó điều chỉnh lại việc tính toán để đưa đến sự đảm bảo công bằng cho các em và giữ đúng được quy chế tuyển sinh đã được ban hành” - PGS. TS Lê Hữu Lập kết luận.

Nguyễn Hùng(ghi)
 
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm