Ông trưởng thôn mở thư viện tại nhà

(Dân trí) - Chỉ mới 2 năm bắt đầu đi vào hoạt động nhưng một thư viện nhỏ ở thôn Hà Lạc, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế đã thu hút không biết bao nhiêu độc giả, từ những em học sinh tiểu học đến các bác nông dân trong thôn.

Trống trường vừa báo hiệu giờ giải lao thì các em học sinh tại trường tiểu học số 1 Quảng Lợi đã ồ ạt qua nhà ông Hồ Văn Dũng, trưởng thôn Hà Lạc, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế mượn sách ngồi chăm chú đọc. Nhìn vẻ hồn nhiên của mấy em, ông Dũng, đồng thời là phó chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Lợi, tâm sự: “Các truyện tranh, sách đọc thêm đối với các em học sinh ở làng rất quý, với thư viện nhỏ này có thể đem lại chút ham muốn đọc sách của mấy em”. 

Ông trưởng thôn mở thư viện tại nhà - 1
Ông Hồ Văn Dũng bên tủ sách nhỏ trong thư viện đặt tại nhà mình.

Thư viện đặt tại nhà ông Dũng có đến hơn 60 đầu sách phổ thông gồm các sách cơ bản và nâng cao từ lớp 10 đến lớp 12 và gần 500 đầu sách đầy đủ các chủng loại: sách khoa học kỹ thuật về trồng trọt, sách kể chuyện, y học đến cả tiểu thuyết…

Được biết, thư viện nhỏ ở làng này ra đời nhờ vào tình yêu quê hương của ông Lê Hữu Thận, hiện sinh sống tại TPHCM.

Ông Dũng cho biết: Ông Thận là Giáo sư Hoá học đã về hưu, quê ở huyện Quảng Điền, làm phó ban của nhóm Thiện nguyện Trường Quốc Học Huế tại TPHCM. Trong lần về thăm quê nhà, ông Thận thấy dân quê còn nghèo nàn, thiếu thốn đủ bề đặc biệt là sách vở. Do vậy, khi vào TPHCM, ông Thận vận động nhóm Thiện nguyện của mình cung cấp sách. Khi tập hợp được nhiều sách, ông đem ra ủng hộ cho làng của mình.

Nói về thư viện đặt tại nhà ông Dũng, em Nguyễn Thị Kim Anh, học sinh lớp 4 Trường tiểu học số 1 Quảng Lợi cho biết: “Em và các bạn thường qua nhà bác Dũng mượn truyện tranh về đọc lắm, mỗi lần đi cả nhóm 4 - 5 người nên vui lắm”.

Không chỉ những em nhỏ mà ngày cả các chú, các bác nông dân cũng đến thư viện nhỏ này tìm những cuốn sách về trồng trọt, chăn nuôi. Ông Dũng tâm sự: “Bà con nông dân ở đây thường mượn sách về trồng lúa, kỹ thuật nuôi cá… Trong tủ sách nhỏ này, bất cứ chủng loại sách gì cũng có giá trị đối với người dân nơi vùng quê này”.

Được biết, ông Dũng còn sắp xếp một bộ bàn để cho các em có thể ngồi đọc tại chỗ. Ông Dũng cũng thường xuyên nhờ bạn bè ở xa quyên góp để làm phong phú thêm tủ sách của mình. Điều mà ông thấy vui nhất chính là ý thức tự giác của các em học sinh nơi đây.

“Các em tự lấy sách, mượn về nhà nhưng khi đến trả không hề thiếu cuốn nào” - ông Dũng cho biết thêm. 

Gia đình ông Dũng không khá giả lắm. Thư viện được ông bố trí trong một căn phòng nhỏ phía sau quán nước giải khác của gia đình. “Hiện ở đây chỉ có một bộ bàn chừng 10 người ngồi đọc, nếu có điều kiện tôi sẽ thêm bàn cho các độc giả trong làng” - ông Dũng tâm sự.

Không chỉ dừng lại ở việc mở thư viện phục vụ bà con, ông Dũng thường xuyên viết thư nhờ bạn bè các tỉnh xa giúp đỡ người dân bị chất độc da cam, người già sống neo đơn tại quê nhà.

“Mỗi con người đều có ước muốn riêng của mình, với tôi được đóng góp chút công sức cho làng xã là tôi thấy vui rồi” - ông Dũng mỉm cười cho hay.

Bài và ảnh: Linh Phương