Ông tiến sĩ bỏ xe hơi, nhà lầu vì rau quả Việt
Dù rất thành công tại Australia, nhà khoa học Việt kiều Nguyễn Quốc Vọng vẫn quay về Việt Nam, chấp nhận đi xe máy, hít khí bụi để giúp nông dân nước nhà trồng rau, nuôi lợn sạch. Sau nhiều lần tìm kiếm cơ hội về nước làm việc, giờ đây TS. Vọng đã toại nguyện.
Vật chất không phải tất cả
TS.Vọng trở về Việt Nam từ năm 2007 theo lời mời của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam với mục đích xây dựng và thành lập Trung tâm xuất sắc về rau hoa quả. Đến năm 2008, TS.Vọng tham gia giảng dạy Chương trình tiên tiến lớp Trồng trọt, và sau đó là chương trình tiên tiến lớp Quản trị kinh doanh của ĐH Nông nghiệp Hà Nội. Mỗi năm TS.Vọng dành khoảng 9-10 tháng làm việc và giảng dạy ở Việt Nam, thời gian còn lại, ông làm việc tại ĐH RMIT Australia.
Ngày ngày TS. Vọng vẫn chạy xe máy vượt quãng đường dài mù mịt bụi và khói xe đến nơi làm việc, chấp nhận mức lương chỉ đủ trả tiền thuê nhà, tiền điện nước để cùng các đồng nghiệp trong nước cải tổ ngành rau hoa quả Việt Nam.
Lý giải chuyện tha thiết về Việt Nam làm việc trong khi cuộc sống và công việc tại Australia tốt hơn nhiều lần, TS. Vọng cho biết: “Đúng là cuộc sống của bản thân và gia đình tôi ở Australia tốt hơn nhiều so với Việt nam. Nhưng vật chất chưa phải là tất cả. Chúng ta ai cũng có quê hương. Ai cũng có người thân thương. “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời” nên chúng tôi thấy yên vui khi được trở về Việt Nam.
VietGAP cho rau quả tươi là quy trình VietGAP đầu tiên được Bộ NN&PTNT ban hành và áp dụng từ đầu năm 2008. Từ đó đến nay việc ứng dụng VietGAP cho sản xuất nông nghiệp đã đạt được một số thành quả nhất định, tuy số lượng không nhiều, nhưng khái niệm về bảo vệ tính an toàn trong sản xuất nông nghiệp của VietGAP thì hầu như giới tiêu thụ Việt Nam ai cũng biết đến. Hiện đã có nhiều dự án của FAO, Australia, Canada, Mỹ, Nhật, FAO… tài trợ để triển khai việc áp dụng VietGAP. Bộ NN&PTNT cũng có nhiều dự án có vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB) hoặc Ngân hàng phát triển Á châu (ADB) về an toàn thực phẩm trong đó có việc áp dụng VietGAP.
“Những dự án này sẽ thay đổi tận gốc rễ lề lối sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, không những đảm bảo tính an toàn vệ sinh của các mặt hàng nông sản, mà còn bảo vệ sức khỏe của nông dân, và môi trường của nông thôn”, TS. Vọng nói.
Người Việt dễ làm mất thị trường
Trong thời gian làm việc tại Bộ Nông nghiệp New South Wales, TS Vọng nhận ra rằng Australia xuất khẩu rất nhiều lúa mỳ, thịt bò và lông cừu, nhưng xuất khẩu rau quả sang Nhật rất ít, trong khi mỗi năm đất nước mặt trời mọc dành 5 tỷ USD để nhập khẩu rau quả. Vì vậy, ông đề nghị với Chính phủ Úc cho nghiên cứu sản xuất rau quả châu Á cho thị trường Australi và xuất khẩu, đặc biệt là phát huy lợi thế của hoa quả trái mùa (khi ở Australia là mùa hè thì Nhật Bản là mùa đông).
Năm 1986, Chính phủ Australia cho phép TS. Vọng nghiên cứu dự án đó. Chưa đầy 10 năm sau, rau quả châu Á đã xuất hiện trên thị trường Australia. Kim ngạch xuất khẩu rau quả châu Á của Australia năm 1995 là 55 triệu đô la Australia, năm 2003 lên tới hơn 135 triệu đô la Australia.
Trong phiên họp năm 1996, ông Bộ trưởng Nông nghiệp New South Wales đã phát biểu tại nghị viện rằng, nhờ có TS Vọng, người chủ trì đề án nghiên cứu rau quả châu Á mà Australia đã đạt được con số xuất khẩu rau quả hết sức ấn tượng.
Với mong muốn giúp nông dân Việt Nam làm lợi nhiều hơn từ xuất khẩu nông sản sang nước ngoài, TS. Vọng và các đồng nghiệp từng có vài dự án giúp nông dân Việt Nam sản xuất một số mặt hàng nông sản, như hạt giống rau để xuất khẩu sang Nhật và Australia nhưng không thành. Ông cho biết lý do là nông dân Việt Nam không tuân thủ quy trình sản xuất mà phía đối tác đề nghị, dẫn đến kết quả mặt hàng của ta không đạt chất lượng cả về mẫu mã lẫn an toàn vệ sinh. Bên cạnh đó, người Việt Nam thường chỉ thích làm từng vụ việc, không quan tâm đến hợp tác lâu dài, dẫn đến việc dễ tổn thương uy tín, mất thương hiệu, và do đó mất luôn thị trường.
Theo TS.Vọng, nông nghiệp Việt Nam vẫn triển vọng nếu chúng ta biết bước qua những khó khăn nói trên.
TS. Nguyễn Quốc Vọng, sinh năm 1946, là con trai nhà thơ Nguyễn Đình Thư. Năm 1969, chàng trai gốc Huế đi du học Nhật Bản với hy vọng sẽ học hỏi được nhiều điều hay về giúp ích cho đất nước.
Năm 1977, khi bảo vệ thành công luận án tiến sỹ ngành nông nghiệp, Quốc Vọng ở lại Nhật Bản và xin vào làm việc cho Công ty hạt giống Takii. Vì muốn nghiên cứu sâu hơn về nông nghiệp, ông chuyển sang làm tập sự tại Nông trường nghiên cứu Tanashi thuộc đại học Tokyo, Nhật Bản. Ông được nhận làm trợ lý cho GS.Murata Yoshio, Giáo sư đại học Tokyo kiêm Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu trồng trọt Nhật Bản, người nổi tiếng về nghiên cứu giống lúa. Vì Nhật không cho phép người nước ngoài làm việc trong cơ quan nhà nước, nên dù ông có cống hiến đến đâu cũng chỉ được làm trợ lý. Năm 1980, ông sang Australia và có cơ hội được tuyển vào Bộ Nông nghiệp New South Wales. Từ đó, ông có nhiều đóng góp cho nền nông nghiệp Australia trước khi cùng vợ là bà Nguyễn Thanh Tuyền về Việt Nam làm việc |
Theo Trúc Quỳnh
Khampha.vn