“Ông bà làm nông dân, bố mẹ là công nhân, em nên học ngành gì?”
(Dân trí) - “Ông bà em làm nông dân, bố mẹ em làm công nhân, em không có đam mê và định hướng gì cho tương lai, em thi được 24 điểm vậy em nên học và làm ngành nghề gì?”, câu hỏi của một thí sinh được ban tư vấn tuyển sinh tại Ngày hội xét tuyển ĐH-CĐ đánh giá là câu hỏi “hack não” nhưng cũng rất thực tế, thực lòng.
Chọn ngành trước khi chọn trường
TS. Lê Xuân Thành (Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Mỏ - Địa chất) ví câu hỏi này giống như một người rất đẹp trai nhưng không biết con gái mẫu như Ngọc Trinh hay Mai Phương Thúy hay một cô bình dị như Thị Nở chẳng hạn và bây giờ, anh ta yêu cầu cả dòng họ tư vấn cho mình nên lấy vợ thế nào.
“Thực sự ca này vô cùng khó nếu không có đam mê. Thầy chỉ có một câu kết luận: làm gì cũng phải có đam mê, hoài bão, ước mơ thì em mới thành công được. Nếu em có 30 điểm nhưng không có đam mê, hoài bão, ước mơ thì cũng như một anh đẹp trai như siêu mẫu Bình Minh nhưng không biết mình thích "gu" phụ nữ thế nào và lấy vợ ra làm sao”, ông Bình tư vấn.
PGS.TS Trần Văn Tớp (Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội) nhận xét, đây là câu hỏi "hack não". Trả lời băn khoăn của thí sinh, ông Tớp chia sẻ: “Thực ra trong những hoàn cảnh nhất định chúng ta có thể bị mất phương hướng. Tôi cũng xin nói thực, có những em đã đăng ký và trúng tuyển vào ĐH Bách Khoa Hà Nội nhưng sau này mới phát hiện mình không yêu thích. Tôi hay đùa những trường hợp này là "hóa ra mình nhầm giới tính", mình chọn theo phong trào để đến khi vào trường mới ngộ ra, đó không phải ngành mình yêu thích mặc dù mình đủ điểm và thừa sức vào ngành đó”.
PGS.TS Trần Văn Tớp nhấn mạnh, thí sinh cần cân nhắc chọn nghề trước khi chọn trường. “Chúng ta phải xác định trong bối cảnh hiện nay, chúng ta có thể không học đại học, cao đẳng, chúng ta vẫn có thể lập nghiệp nhưng một điều chắc chắn rằng những người có học, có đào tạo thì cơ hội sẽ lớn hơn. Có người bảo Bill Gates và nhiều tỉ phú người Mỹ có học đại học đâu nhưng ta hỏi rằng, có bao nhiêu người không học đại học có thể thành công như Bill Gates, còn những người học đại học có thành công là phần lớn.
Tôi thấy một điểm rất tốt là em thi được 24 điểm, không hiểu lí do gì mà không chọn được một ngành nghề mình yêu thích, không hiểu lí do gì mà mất phương hướng. Chuyện này tôi nghĩ cần tư vấn rất sâu. Thậm chí, nếu ở nước ngoài trong những trường hợp này không xác định được hướng đi bạn trẻ có thể "gap year" - tức là một năm không làm gì để tìm hiểu chính mình. Mặc dù tôi không phải bác sĩ tư vấn hay tâm lý nhưng tôi chắc rằng tôi có thể tư vấn và bạn có thể tìm được một niềm đam mê và hướng đi cho mình”.
Điểm số không phải là tất cả
Tại ngày hội, cũng có không ít trường hợp thí sinh lo lắng vì điểm của bản thân không cao.
"Em muốn học cơ khí thì nên lựa chọn trường nào? Em năm nay thi được 14,3 điểm, với số điểm này thì liệu có chọn được trường nào không?", một thí sinh băn khoăn.
TS. Đồng Văn Ngọc (Hiệu trưởng CĐ Cơ điện Hà Nội) trả lời: "Điểm của em đạt được có thể nói là không cao. Tuy nhiên, trước khi tư vấn thầy muốn nói với em về phương thức đào tạo của các trường cao đẳng. Trường cao đẳng đào tạo thiên về kỹ năng, thường là 70% thực hành và 30% lí thuyết. Lí thuyết hoàn toàn phục vụ cho kỹ năng chứ không đào sâu vào những kiến thức hàn lâm.
Để chọn trường nào, thầy khuyến nghị các em, trước khi muốn chọn trường thì hãy chọn nghề. Chọn nghề trước rồi mới chọn trường. “Muốn chọn được ngành nghề thì phải mô tả năng lực bản thân, biết mình có năng lực và sở trường là gì, thích gì, đam mê gì, thế mạnh - hạn chế của bản thân ở đâu... Ví dụ có những người rất sợ điện thì thầy khuyên không nên học điện”, ông Ngọc nhấn mạnh.
Theo vị hiệu trưởng, thí sinh muốn học ngành cơ khí, ở Hà Nội có một số trường đã được đầu tư bài bản, có trang thiết bị máy móc tiên tiến: CĐ Công nghiệp Hà Nội, CĐ Công nghệ cao Hà Nội, CĐ Cơ điện Hà Nội.
“Riêng trường của thầy các thiết bị được nhập từ Đức về, trang bị công nghệ 4.0 - thế hệ cơ khí mới nhất hiện nay trên thế giới và công nghệ CNC. Trường có chương trình chất lượng cao chuyển giao từ chương trình của Đức là ngành Cắt gọt kim loại, một ngành khác về cơ khí là ngành Hàn công nghệ cao. Chương trình đào tạo đến kỹ năng lập trình cho các robot hàn trong các nhà máy công nghiệp”, ông Ngọc giới thiệu.
Kết lại, đại diện này cho rằng, dù điểm thấp nhưng khi học các trường nghề - do đặc thù phương thức tiếp cận đào tạo kỹ năng và năng lực làm việc nên các thí sinh không lo lực học yếu thì không có sự thành công. Rất nhiều em học lực bình thường nhưng khi đam mê nghề nghiệp và có sự chịu khó thì các em vẫn thành công và làm giàu thành công ngay sau khi tốt nghiệp.
TS. Lê Xuân Thành (Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Mỏ - Địa chất) nhấn mạnh: “Với mức điểm 14,3 tuy không cao nhưng em có thể mạnh dạn nộp hồ sơ cho một số khoa cơ khí trong đó có Đại học Mỏ - Địa chất. Đôi khi điểm thi đầu vào không phản ánh tất cả. Quan trọng hơn cả, sau 4-5 năm nữa em làm được gì cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội”.
Lệ Thu