Ôn thi vào lớp 10 ở Hà Nội: “Chạy đua” học thêm môn ngoại ngữ

Năm nay, thi vào lớp 10 ở Hà Nội sẽ có 4 môn thay vì chỉ 2 môn Văn và Toán khiến không ít phụ huynh và học sinh cảm thấy căng thẳng. Hiện tại nhiều học sinh phải “căng mình” ôn thêm ngoại ngữ.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, điểm xét tuyển là tổng của điểm thi môn Toán và điểm thi môn Ngữ Văn (đã tính hệ số 2) cộng với điểm môn thi ngoại ngữ, điểm thi môn thứ 4 và điểm cộng thêm.

Như vậy, ngoài học 3 môn thi đã biết, các thí sinh còn phải học đều các môn còn lại trong nhóm môn được quy định sẽ chọn 1 môn làm môn thi.

Đối với môn Ngoại ngữ, do năm nay Sở GD&ĐT đưa vào làm môn thi chính thức, nên với nhiều học sinh trước đây chỉ chú trọng Toán và Ngữ văn, nay phải tăng cường học Tiếng Anh chuẩn bị cho kỳ thi vào 10 sắp tới.

Chị Thu Hương (Thành Công, Hà Nội) chia sẻ, do có sự chủ quan nên con chị không để ý học kiến thức môn Tiếng Anh trong thời gian qua vì quá tập trung cho hai môn Toán, Ngữ Văn. Vì thế, ngay từ lúc Sở GD&ĐT Hà Nội “chốt” phương án thi, chị đã rục rịch tìm giáo viên và tăng cường phụ đạo học ôn ở nhà và tham gia các lớp học thêm.

Một giáo viên Tiếng Anh một trường THCS ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, tuyển sinh lớp 10 thi môn Ngoại ngữ sẽ giúp học sinh tích cực học tập thay vì chỉ chú trọng đến hai môn như trước.

Tuy nhiên, vì môn Anh lại thi trắc nghiệm kết hợp tự luận nên khiến nhiều học sinh khá lo lắng: “ Giờ học sinh đã gồng mình để ôn luyện cũng như đi học thêm để chắc chắn có một suất vào lớp 10 trong năm sau”- vị giáo viên này chia sẻ.

Nhiều học sinh phải “căng mình” ôn thêm ngoại ngữ. (Ảnh mang tính minh họa)
Nhiều học sinh phải “căng mình” ôn thêm ngoại ngữ. (Ảnh mang tính minh họa)

Học sinh quay cuồng “tăng ca”

Em Thanh T.- học sinh lớp 9 của trường THCS Nguyễn Trường Tộ cho biết, mới vào năm học được hai tháng nhưng lịch học thêm đã dày đặc. Có những ngày học ở trường rồi học thêm đến 9-10h mới “bò” về đến nhà.

“Như mọi năm chỉ thi hai môn đã áp lực. Năm nay, lại gấp đôi lên nhất là môn ngoại ngữ nên em cũng như các bạn phải căng mình ôn luyện. Vì không có điểm cộng học bạ hay điểm nghề như mọi năm nên rất sợ sơ sẩy, sai một li trong bài thì đi một dặm luôn”- Thanh T. lo lắng cho biết.

Cũng chính Thanh T. cho biết, vì giờ ngoài học 2 môn Toán và Văn, môn cần tăng cường nhất là môn ngoại ngữ vì em còn sẽ thi vào các trường chuyên. Vì thế, ngoài học thêm ở nhà của cô giáo dạy trên lớp, bố mẹ Thanh T. đang tính thuê gia sư về nhà dạy tăng cường cho em.

“Phải còn cả 7 tháng nữa mới thi nhưng giờ lịch em đã kín mít, chỉ được nghỉ hai buổi là sáng thứ 7 và sáng chủ nhật mà thôi”- Thanh T. cho hay.

Còn Trang Anh, một học sinh ở trường TC (Quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, vì năm nay trường tổ chức thêm môn ngoại ngữ nên hiện tại em được bố mẹ thuê hẳn một bác dạy tại nhà một kèm một.

“Trước đây, em còn có thời gian học ở trung tâm tiếng Anh về giao tiếp, nay thì học để thi lấy điểm cao sẽ khác. Với ba môn học đều đi học thêm thì hầu như kín hết cả tuần rồi”- Trang Anh cho hay.

Không tạo áp lực cho học sinh

Mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra hướng dẫn về tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá trong năm học 2018-2019 đối với cấp THCS. Trong đó, đáng chú ý là yêu cầu về việc phục vụ cho việc đổi mới phương thức tuyển sinh lớp 10 THPT từ năm 2019.

Đặc biệt, riêng với việc khảo sát chất lượng học sinh lớp 9 với các môn Văn, Toán, tiếng Anh, Sở GD&ĐT ủy quyền cho lãnh đạo các phòng GD&ĐT căn cứ vào điều kiện thực tiễn của đơn vị mình và quyết định triển khai.

Một chuyên gia giáo dục cho rằng, Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội từ lâu đè nặng lên học sinh, phụ huynh. Vì thế, không nhất thiết phải gây thêm áp lực cho học sinh nữa. Việc học lệch, học tủ các trường THCS phải có giải pháp bằng các bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ.

Theo kế hoạch tuyển sinh năm nay, số lượng học sinh tuyển vào lớp 10 THPT và giáo dục thường xuyên năm 2018-2019, tuyển vào trường THPT: khoảng 81.200 đến 83.200 học sinh (giảm từ 3.000-4.000 học sinh so với năm ngoái).

Trong đó các trường công lập tuyển từ 60.900 đến 62/900 học sinh (giảm khoảng 3.000 học sinh so với năm học 2018-2019), các trường ngoài công lập tuyển 20.300 học sinh (tương đương năm học 2018-2019).

Tuyển vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên là 10.100 học sinh. Số còn lại vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Theo Đỗ Hợp

Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm