Gia Lai:

"Ốc đảo" Kon Pne đã có trường đạt chuẩn Quốc gia

(Dân trí) - Nằm ở độ cao gần 1500m, ngôi trường PTDT bán trú tiểu học và THCS Kon Pne (Kbang, Gia lai) là ngôi trường xa nhất của tỉnh Gia Lai, được mệnh danh như trường trên “ốc đảo”. Từ một ngôi trường khó khăn nhất tỉnh, chỉ trong 2 năm chuyển sang hình thức dạy bán trú trường PTDT BT tiểu học và THCS Kon Pne đã vươn lên đạt chuẩn Quốc gia với tỉ lệ duy trì sĩ số tới 98%.

“Gieo chữ” trên “ốc đảo”

Nằm cách thị trấn Kbang 85km và cách TP.Pleiku hơn 200km, trường PTDT BT tiểu học và THCS Kon Pne (Kbang) là ngôi trường xa và khó khăn nhất của tỉnh Gia Lai. Để vào được trường, chúng tôi phải mất hơn 3 giờ đồng hồ men theo những con đường đèo có độ cao gần 1700m, rồi xổ dốc xuống những vực thẳm sâu “hun hút”.

Từ xa trông lại, ngôi trường PTDT BT tiểu học và THCS Kon Pne nằm giữa thung lũng, bốn bề là rừng núi. Theo đó, từ năm 2015 trường Kon Pne đã chuyển sang dạy bán trú làm cho giáo dục vùng cao như được “trỗi dậy”.

Bằng nguồn vốn hỗ trợ giáo dục, một ngôi trường mới khang trang đã được xây dựng, các phòng học kiên cố với đầy đủ tiện nghi, nhằm phục vụ tốt nhất cho công tác dạy và học. Không những thế, nhà trường còn huy động sức dân làng và các thầy cô trong trường để đầu tư làm sân đá bóng nhân tạo trị giá 200 triệu để phục vụ sân chơi cho các em.

Những nỗ lực của nhà trường nhằm giúp các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số có tư tưởng “đến trường là một niềm vui”, được học, được ăn ngon, mặc đẹp…Vì vậy mà tình trạng trẻ bỏ học đã không còn.

anh 2

Những vệ sinh cá nhân của các em học luôn được các thầy cô chăm sóc

Trường PTDT BT tiểu học và THCS Kon Pne có 298 học sinh/147 học sinh đang ở bán trú tại trường. Gần như 100% đều là học sinh người là đồng bào dân tộc thiểu số Banar.

Những em học sinh xã Kon Pne sống giữa một thung lũng, bao quanh là núi cao nên các em rất ít cơ hội giao tiếp với cuộc sống bên ngoài. Ở nơi đây các em đã quen cuộc sống tự do nên khi vào môi trường giáo dục rất khó quản lý.

Những gánh nặng lại đè nặng lên đôi vai các thầy cô trường Kon Pne. Tâm sự với chúng tôi, Phạm Văn Hinh (37 tuổi, Hiệu trưởng nhà trường) cho biết: “Cách dạy bán trú này rất tốt cho các em, nhưng đòi hỏi các thầy cô phải thật tâm huyết, chịu khó. Khi các em vào lớp một thì những sinh hoạt cá nhân như: đánh răng, đi vệ sinh và cách ăn uống, ngủ bỏ màn các em hầu như chưa biết. Vào môi trường nội trú các em được các thầy cô tận tình hướng dẫn cho những điều căn bản để vệ sinh cá nhân…

Trong học tập các em hầu như chưa biết nói Tiếng Việt, nên các thầy cô phải ân cân, nhẹ nhàng để tập cho các em nói và học những chữ cái đầu đời. Rút kinh nghiệm từ những ngôi trường bán trú khác, Kon Pne đã dạy theo mô hình giúp các em tự lập. Những em vào lâu thì hướng dẫn các em nhỏ trong sinh hoạt. Tối đến lại cùng giúp nhau học bài…”.


Môi trường bán trú giúp các em tự lập từ nhỏ

Môi trường bán trú giúp các em tự lập từ nhỏ

Bắt đầu từ 5h sáng các em học sinh phải dậy vệ sinh cá nhân. Sau đó, tất cả học sinh cùng giúp nhau quét dọn khuôn viên nhà trường. 5h30 các em tập những thể dục buổi sáng hay các bài khiêu vũ, nhịp điệu…6h các em ăn cơm và thay đồ đến lớp…

Cứ như thế cuộc sống các em học sinh dân tộc thiểu số đã đi vào khuôn khổ…Các tối thứ 2,4,6 các em được vui chơi, xem phim, đọc báo, đọc truyện…Các tối thứ 3,5 các em ở phòng học bài dưới sự hướng dẫn của các giáo viên. Giờ nào việc đó, đã giúp cho các em có tính tự lập, tự giác trong học tập.

Bán trú “cứu cánh” cho giáo dục vùng cao

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Hải (Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Kbang) cho biết, trong những năm qua vấn đề duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao là vấn đề nan giải cho ngành giáo dục. Nhưng từ năm 2015, mô hình trường bán trú được triển khai đã tạo ra sự đột phá, nói đúng hơn là sự “cứu cánh” cho giáo dục vùng cao.

Việc nuôi dạy bán trú giúp các em đồng bào được ăn ở, nuôi dạy tập trung, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các em học sinh. Các trường bán trú trên địa bàn đã không ngừng đổi mới việc dạy và học để khi học sinh đến trường là một ngày vui. Đây chính cũng là cách để giữ các em khỏi tình trạng bỏ học, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao…

Ông Hải cho biết thêm, việc dạy bán trú không chỉ giúp cho các em học sinh biết những thông tin tối thiểu về vệ sinh cá nhân, đi ngủ phải bỏ màn, ăn chín uống sôi. Mà đây còn là lực lượng để khi các em về buôn làng còn nhắc nhỡ bố mẹ, bạn bè về những điều đã học được ở trường, nhằm xây dựng nếp sống văn minh.

dsc_8646

Những thầy cô giáo gieo chữ trên “ốc đảo” Kon Pne

Từ khi thực hiện mô hình trường học bán trú ở các xã miền núi, đã hạn chế được tình trạng học sinh bỏ học. Từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và rút ngắn khoảng cách trình độ dân trí giữa miền núi và đồng bằng. Được biết, mô hình dạy bán trú mỗi học sinh hằng tháng được hỗ trợ hơn 520 nghìn đồng/em và 15kg gạo.

Nhưng trong đó bao nhiều thứ phải chi tiêu, từ việc ăn ở, vệ sinh, y tế, vui chơi, quần áo, sách vở…đều một tay các thầy cô giáo lo hết. Vì vậy mô hình bán trú giúp duy trì sĩ số tốt, nhưng lại đè nặng lên vai các thầy cô giáo các khoản thu chi. Trước mắt, để khắc phục những khó khăn trên thì các trường bán trú như: Kon Pne, Đăk Roong, Lê Văn Tám… đã tăng gia trồng rau, nuôi heo để cải thiện bữa ăn cho các em.

Trao đổi với chúng tôi, Bà Bùi Khoa Nghi-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai cho biết: “Từ lâu vấn đề duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao đang là mối quan tâm của lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh. Bằng nhiều biện pháp chúng tôi đã không ngừng đổi mới cách dạy và học. Khi mô hình các trường PTDT BT ra đời đã cải thiện đáng kể tình trạng trẻ bỏ học và từng bước chất lượng giáo dục được nâng lên.

Đặc biệt, khi các em được giáo dục trong môi trường bán trú cũng tác động một phần đến đời sống sinh hoạt của bà con đồng bào dân tộc thiểu số trong sinh hoạt, vệ sinh…Hiện nay, khó khăn trong môi trường bán trú là việc nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư khu vui chơi cho các em…”.

Phạm Hoàng

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục