Ở nhà, con tôi "dán mắt" vào tivi, điện thoại 12 tiếng mỗi ngày
(Dân trí) - Trường học đóng cửa, ở nhà nghỉ dịch, hai bé con chị Thùy Vân lấy điện thoại làm bạn. Mỗi ngày các cháu "dính" với điện thoại, tivi từ sáng đến đêm, ít nhất 12 tiếng.
Trẻ ôm máy từ sáng đến đêm
Hơn hai tháng nay, bắt đầu ngày mới, chị Nguyễn Thùy Vân, ở Bình Thạnh, TPHCM lại uể oải nhìn cảnh hai con, một 8 tuổi, một vừa lên 5 ngồi ở ghế, nếu không dán mắt vào tivi thì đang chụm đầu vào điện thoại.
Từ đầu tháng 7, chồng chị ở tại công ty theo quy định "3 tại chỗ", chỉ mình chị xoay xở với hai con thì thời gian sử dụng thiết bị công nghệ của hai con càng tăng lên.
Chị vẫn làm việc tại nhà, chạy deadline, họp hành, báo cáo... Dứt được việc công ty, người mẹ lại loay hoay bếp núc, nhà cửa hết cả ngày.
Hoạt động trong ngày của hai cháu giờ đây là hết xem tivi, đổi qua máy tính, tráo sang điện thoại. Những lúc rời máy móc, các cháu hết ngồi lại nằm, ngáp ngắn ngáp dài, than chán. Cháu lớn lâu lâu đọc sách nhưng lật vài trang lại buông, đòi mẹ đọc cùng.
Thêm sinh hoạt đảo lộn, các cháu không ngủ trưa, thức khuya... nên càng nhiều thời gian rỗng. "Các cháu ôm máy từ sáng đến đêm, một ngày xem tivi, điện thoại không dưới 12 tiếng. Tôi lo lắng nhưng cũng không khắc phục được", chị Vân mệt mỏi
Lo lắng không kém, chị Phan Thúy Ngọc, ở TP Thủ Đức, TPHCM bày tỏ, cái được đối với con mình sau đợt dịch... là nghiện tivi, điện thoại.
Hàng ngày chị đi làm ở công sở, con ở trường, về nhà có giúp việc nấu ăn, dọn dẹp. Giờ đây, tất cả mọi hoạt động diễn ra trong bối cảnh chật hẹp ở nhà, mình chị ôm tuốt mọi việc.
Chồng chị cả ngày ôm máy tính làm việc. Chị cũng không thể không làm việc, lại quay cuồng với chuyện ăn uống, dọn dẹp cho gia đình 4 người. Khi ngơi tay thì đã mệt, chỉ muốn nghỉ ngơi nên đành kệ con cho tivi, điện thoại .
Cứ động đến vấn đề của con là vợ chồng chị cãi nhau. Căng thẳng, bức xúc, lo lắng chị lại quay sang la, thậm chí đánh con vì: "Suốt ngày điện thoại!" nhưng rồi lại không thể không đưa điện thoại cho con. Nếu không các con vật vờ, khó chịu, gắt gỏng... vì ở nhà không biết làm gì .
Người mẹ không dấu được vẻ bất lực: "Lý thuyết không để con dùng điện thoại, hoặc dùng có kiểm soát, nói thì dễ nhưng thực tế khó vô cùng, nhất là khi con ở nhà ngày 24/24 tiếng thế này".
Bố mẹ đuối sức
Dịch bệnh Covid-19, nhất là đợt bùng phát thứ 4 lần này đảo lộn tất cả những hoạt động cơ bản nhất như việc làm, học hành, giải trí... của mọi đối tượng.
"Hai con tôi không thể rời điện thoại. Cháu nhỏ bố mẹ còn kiểm soát được, dọa nạt được, còn cháu lớn học lớp 8, cháu đóng cửa trong phòng với máy tính, điện thoại cả ngày", anh Nguyễn Quang Trung, ở Tân Bình chia sẻ trong một tọa đàm trực tuyến về tác động của mạng xã hội với trẻ.
Học sinh TPHCM nghỉ học ở nhà tránh dịch từ ngày 10/5, đến nay đã gần 3 tháng. Nếu trong nhà thiếu các hoạt động, tương tác, chia sẻ thì phương tiện của trẻ từ học hành đến giải trí, kết nối chính là các thiết bị công nghệ.
Ở nhà thực hiện giãn cách, gác mọi sóng gió bên ngoài, nhiều gia đình đang phải đối mặt với khủng hoảng bên trong. Chăm sóc con cái ngày dịch là bài toán mọi ông bố bà mẹ đang phải đối mặt.
Đã có nhiều dự đoán tình trạng trẻ nghiện thiết bị công nghệ vì ảnh hưởng của dịch bệnh khi các em thiếu hoạt động, dành nhiều thời gian cho các thiệt bị số. Nhưng có lẽ không cần chờ đến những con số, nghiên cứu, chính bố mẹ đang cảm nhận điều đó rõ nhất. Hình ảnh tại nhiều gia đình lúc này là mỗi người một... chiếc điện thoại .
Khó khăn với bố mẹ lúc này là chính họ cũng đang rơi vào trạng thái lo lắng , áp lực về nhiều vấn đề từ cuộc sống, dịch bệnh. Họ lại thiếu sự hỗ trợ bên ngoài trong việc chăm sóc trẻ và chính mình như nhà trường, giáo viên, các cơ sở tâm lý...
Nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương nhấn mạnh, nuôi dạy một đứa trẻ cần 3 yếu tố: Kiến thức, thời gian và tiền bạc. Vòng quay cơm áo gạo tiền với nhiều gia đình quá nặng, nhiều phụ huynh thiếu thời gian cho mình, cho con .
Nếu giải quyết được hai vấn đề này, không thiếu tiền, không thiếu thời gian thì không ít người lại thiếu kiến thức hoặc không có sự háo hức trong việc nuôi dạy con.
Một chuyên gia tâm lý tại TPHCM cho hay, việc nhiều bố mẹ "thả" con cho điện thoại, Ipad một cách dễ dãi diễn ra từ lâu, đó là cách nhanh gọn nhất với nhiều người để giải quyết mọi vấn đề của con. Lúc dịch bệnh thêm nhiều yếu tố tác động khiến thực trạng "bỏ mặc" này trở nên nặng nề hơn.
Theo ông, bình thường nhiều phụ huynh đã mất năng lực, nếu không muốn nói là rất lười tương tác cùng con, bỏ quên vai trò giáo dục của bố mẹ. Họ ỉ vào, thậm chí là giao phó cho giáo viên, ông bà, giúp việc, các lớp học thêm, các khóa học kỹ năng... Lúc này, những hỗ trợ đó bị đứt gãy, cộng thêm những áp lực từ dịch bệnh, không ít người càng dễ buông con cho thiết bị công nghệ .