1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Cân bằng cảm xúc của trẻ trong mùa dịch: Cần sự đồng hành của cha mẹ

Phạm Công

(Dân trí) - Dịch Covid-19 bùng phát khiến trẻ em phải hạn chế ra ngoài. Tuy nhiên, tình trạng ở nhà quá lâu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, nếp sinh hoạt trước đây của trẻ.

Trẻ thay đổi tính cách

Chị Nguyễn Thị Hà, trú tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) đang có nỗi lo về việc cậu con trai 9 tuổi phải nghỉ hè sớm vì dịch bệnh. Từ ngày được nghỉ học, cậu bé bị nhốt ở nhà cả ngày nên có nhiều thay đổi về tính cách, như: Cáu giận, nhõng nhẽo hoặc quấy phá, thậm chí không nghe lời người lớn.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hà đều làm việc giờ hành chính. Từ khi học sinh được nghỉ học, chị để con ở nhà từ sáng đến chiều tối. Việc gửi con về quê không làm chị không yên tâm vì nơi này có nhiều ao hồ, ông bà đã cao tuổi.

"Thấy tính nết con thay đổi, tôi tham khảo bạn bè thì thấy có nhiều trường hợp con rơi vào tình trạng tương tự. Sau đó tôi đã cố gắng dành nhiều thời gian hơn cho con và thường xuyên rủ con cùng tham gia làm việc nhà".

Cân bằng cảm xúc của trẻ trong mùa dịch: Cần sự đồng hành của cha mẹ - 1

Chị Nguyễn Thị Hà đã cố gắng dành nhiều thời gian hơn để chơi cùng con (Ảnh: NVCC).

Cùng chung cảnh ngộ phải nhốt con ở nhà cả ngày, chị Lê Ngọc Thảo trú tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội), tâm sự: "Hàng ngày, tôi và chồng đi làm. Ở nhà, cháu lớn 10 tuổi trông cháu bé 7 tuổi. Bình thường, 2 cháu rất hiếu động và tò mò. Từ ngày dịch bệnh phải nghỉ học ở nhà, tôi thấy tính cách chúng trầm hẳn".

Để phục vụ công việc học tập của các con, chị Lê Ngọc Thảo sắm cho mỗi đứa một chiếc máy tính bảng. Tuy nhiên, theo chị việc sử dụng thiết bị điện tử sớm khiến trẻ khó tập trung hơn. Ngoài ra, các con của chị Thảo cũng thay đổi cả thói quen ăn uống và ngủ nghỉ.

"Dịch bệnh ảnh hưởng, công việc kinh doanh không được thuận lợi khiến 2 vợ chồng rất mệt mỏi. Về nhà con cái quấy khóc khiến cho gia đình rơi vào tình trạng căng thẳng. Nhiều lúc tôi không kiềm chế được nên la mắng các con, thậm chí để chúng đi ngủ đúng giờ hay dừng việc sử dụng máy tính bảng, tôi còn phải hù dọa" - chị Lê Ngọc Thảo chia sẻ.

Cân bằng cảm xúc của trẻ trong mùa dịch: Cần sự đồng hành của cha mẹ - 2

Chị Lê Ngọc Thảo cùng các con phải gác lại sở thích để ở nhà chống dịch. (Ảnh NVCC).

Đồng hành cùng con trẻ

Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp và nguy hiểm, việc trẻ em (kể cả người lớn) phải hạn chế ra ngoài là biện pháp hiệu quả nhất để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.

Tuy nhiên, tình trạng ở nhà quá lâu cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ em, do sự thay đổi, xáo trộn trong nếp sinh hoạt trước đây của trẻ.

Bà Nguyễn Phương Linh chia sẻ: "Nếu như bình thường, trẻ được đến trường gặp gỡ, vui chơi với bạn bè thì bây giờ trẻ chỉ có thể ở nhà với gia đình. Trẻ em có nhu cầu giải tỏa năng lượng cao nên việc ở trong nhà quá lâu cũng ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ".

Cũng theo bà Nguyễn Phương Linh, trẻ em ở nhà nhiều thường sẽ sử dụng internet. Nếu diễn ra lâu dài, việc này sẽ ảnh hưởng đến cả sức khỏe và tâm lý, suy nghĩ của trẻ. Do dễ tiếp xúc với các nội dung không phù hợp hoặc những rủi ro như: Lừa đảo, quấy rối, xâm hại, bị bắt nạt trên mạng…

Trước thực tế này, cha mẹ, anh chị hay người chăm sóc trẻ sẽ là người có vai trò quan trọng nhất trong việc cân bằng cảm xúc và tâm lý của trẻ.

Cân bằng cảm xúc của trẻ trong mùa dịch: Cần sự đồng hành của cha mẹ - 3

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững. (Ảnh NVCC).

"Việc này, đòi hỏi cha mẹ phải dành nhiều thời gian hơn cho con và đồng hành cùng con trong các hoạt động thường ngày. Gia đình có thể cùng nhau thực hiện một số hoạt động như vẽ tranh, nấu ăn, đọc sách, chơi trò chơi, ca hát... để thêm gắn kết" - bà Nguyễn Phương Linh đề xuất.

Nếu được vận động về thể chất và vui vẻ mỗi ngày với các trải nghiệm cùng bố mẹ, anh chị em sẽ giúp trẻ cân bằng và tránh những cảm xúc tiêu cực.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững, dịch bệnh khiến người lớn và trẻ nhỏ đều bị căng thẳng, nhiều bậc phụ huynh dùng hình thức quát mắng, dọa nạt hay những hình thức trừng phạt tiêu cực khiến trẻ sợ hãi.

Điều này, tuy có tác dụng tạm thời ngay lúc đó nhưng sẽ để lại hậu quả lâu dài như: Tổn thương tâm lý của trẻ, tạo ra tâm lý sợ hãi hoặc bực tức ở trẻ mà không khiến trẻ nhận ra những điều chưa đúng, trẻ có những xu hướng bạo lực khi lớn lên…

"Chúng tôi cho rằng, các gia đình cần chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ, thay vào đó là áp dụng những phương pháp giáo dục tích cực, lắng nghe và trò chuyện với con mỗi ngày" - bà Nguyễn Phương Linh cho biết thêm.