Nút thắt cản trở đổi mới giáo dục đại học được tháo gỡ như thế nào trong 2018?
(Dân trí) - Luật giáo dục đại học (GDĐH) ban hành năm 2012 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập và đã trở thành những điểm nghẽn, nút thắt cản trở đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đại học. Vậy, những nút thắt này được các nhà soạn thảo luật tiếp thu, chỉnh sửa như thế nào?
Thời gian qua, việc khẩn trương tháo gỡ những nút thắt này đã được các chuyên gia góp ý sâu sắc và được các nhà soạn thảo tiếp thu tích cực tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho quản lý GD ĐH.
Những điểm nghẽn, nút thắt cản trở đổi mới căn bản toàn diện GDĐH trên thực tiễn, đó là: Về tự chủ đại học và quản trị đại học. Cụ thể: Cơ sở GDĐH vẫn còn bị quản lý khá chặt chẽ của cơ quản chủ quản, cơ quản quản lý ngành, địa phương và cơ quan quản lý nhà nước về GDĐT; Luật chưa phân định rõ được chức năng quản trị và chức năng quản lý giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng trong mỗi cơ sở GDĐH; Mức học phí chưa chưa được tính theo cơ chế định giá dịch vụ phù hợp với chi phí đào tạo thực tế của các nhóm ngành, các loại hình đào tạo và bậc đào tạo...
Về Quản lý đào tạo, bộc lộ hạn chế là khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam mới được ban hành, do vướng Luật nên một số điều không thể triển khai thực hiện, không phát huy đươc tác dụng thực tế.
Trong Quản lý nhà nước, về cơ cấu tổ chức, mô hình của các trường đại học quy định tại Luật GDĐH còn chưa thật phù hợp với thông lệ quốc tế; Quy định về phân tầng, xếp hạng chưa phù hợp với các thông lệ chung trên thế giới và điều kiện của Việt Nam, chưa rõ về vai trò của các chủ thể tham gia nên chưa thể triển khai thực hiện..
Hiệu trưởng “là người đại diện theo pháp luật”
Sau các hội nghị góp ý về Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã tiếp thu chỉnh sửa đưa ra Dự thảo lần 3 trình Chính phủ.
Theo tờ trình, Tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự được sửa đổi theo hướng Hội đồng trường là đại diện cho chủ sở hữu và cho các bên có liên quan. Bổ sung cơ cấu có doanh nghiệp trong cơ cấu tổ chức của trường đại học, học viện và cơ sở GDĐH có từ 51% vốn của nhà đầu tư nước ngoài trở lên được tự quyết định cơ cấu tổ chức.
Hiệu trưởng “là người đại diện theo pháp luật” của cơ sở GDĐH cho phù hợp với Bộ luật dân sự. Hiệu trưởng trường đại học công lập do cơ quan quản lý trực tiếp công nhận trên cơ sở kết quả tổ chức bầu hoặc thi tuyển hiệu trưởng của Hội đồng trường. Hiệu trưởng trường đại học tư thục do hội đồng quản trị bổ nhiệm.
Giảng viên đã được công nhận đạt chuẩn chức danh thì được Hiệu trưởng bổ nhiệm chức danh giảng viên theo quy định của pháp luật.
Cơ sở giáo dục được tự quyết mức giá dịch vụ đào tạo
Về tự chủ tài chính, tài sản, Dự thảo lần 3 đã sửa đổi bổ sung, cơ sở GDĐH được quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của Chính phủ về giá dịch vụ đào tạo, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo.
Giá dịch vụ đào tạo phải được công bố công khai cho từng năm học, khoá học cùng với thông báo tuyển sinh.
Đối với tự chủ trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu, dự thảo nêu các cơ sở GDĐH được mở ngành khi đáp ứng điều kiện đảm bảo chất lượng như được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở GDĐH, có nghị quyết thông qua chủ trương mở ngành của hội đồng trường, hội đồng quản trị và đáp ứng các điều kiện mở ngành theo quy định được tự chủ mở ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ; trừ nhóm ngành sức khoẻ, an ninh quốc phòng.
Về chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh sửa đổi, bổ sung theo hướng chỉ tiêu tuyển sinh được xác định theo ngành, nhóm ngành đào tạo trên cơ sở nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, phù hợp với các điều kiện về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác;
Đặc biệt, về trách nhiệm giải trình, được sửa đổi, bổ sung theo hướng quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH phải gắn liền với trách nhiệm giải trình trong các hoạt động về tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế phù hợp với năng lực tự chủ, bảo đảm chất lượng GDĐH.
Hội đồng trường: Tối thiểu 30% thành viên là nhà khoa học, doanh nhân...
Đối với Quản trị đại học, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định rõ cơ chế quản trị trong trường đại học công lập tự chủ, trường đại học tư thục và trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
Các trường đại học công lập tự chủ, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới quản trị đại học với Hội đồng trường là hội đồng quyền lực, đại diện cho các bên có lợi ích liên quan của nhà trường; thực hiện chức năng quản trị trong trường đại học tự chủ.
Hội đồng trường có tối thiểu 30% thành viên là các nhà khoa học, quản lý, doanh nhân, nhà hoạt động xã hội… ở ngoài trường; có tối thiểu 25% là các GS, PGS, nhà giáo tiêu biểu ở các khoa, bộ môn; có quyền quyết định định hướng phát triển, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, tổ chức bầu hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng. Ban giám hiệu thực hiện chức năng quản lý, điều hành các hoạt động của nhà trường.
Đối với các trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, quy định cơ chế quản trị gần giống trường công lập tự chủ, phân biệt rõ với cơ chế quản trị của trường đại học tư thục khác.
Trong đổi mới quản lý đào tạo, dự thảo quy định cụ thể thẩm quyền của Bộ GDĐT và cơ sở GDĐH trong việc quy định thời gian đào tạo phù hợp với từng trình độ, hình thức, phương thức đào tạo và người học.
Dự thảo cũng cho phép Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định thời gian đào tạo được kéo dài hoặc rút ngắn phù hợp với các trình độ, hình thức, phương thức đào tạo đáp ứng nhu cầu người học.
Kiểm định chất lượng phải là tổ chức độc lập
Về đổi mới quản lý nhà nước, các quy định được sửa đổi, bổ sung tập trung vào phân tầng, xếp hạng, quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH, các tiêu chuẩn về đào tạo và cấp văn bằng, kiểm định chất lượng,… và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với GDĐH.
Theo đó, dự thảo bổ sung, tổ chức kiểm định chất lượng phải là tổ chức độc lập; tiêu chuẩn và quy trình đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nhằm đảm bảo tính thống nhất, xác định rõ về năng lực để đảm bảo đồng đều về kết quả đánh giá, kiểm định giữa các trung tâm kiểm định chất lượng.
Đây cũng là kênh thông tin để phục vụ công tác quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước và còn là thực hiện trách nhiệm giải trình với xã hội năng lực cũng như kết quả đánh giá của trung tâm.
Theo đó, nội dung sửa đổi, bổ sung đã dự thảo theo hướng Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, cho phép hoạt động, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; quy định điều kiện và thủ tục để tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được công nhận hoạt động ở Việt Nam.
Bộ GDĐT quy định nguyên tắc hoạt động, cơ cấu tổ chức, trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục...
Một chuẩn đầu ra với hệ tập trung và không tập trung
Về hình thức đào tạo, có nhiều quan điểm tranh luận về vấn đề này. Cụ thể:
Quan điểm 1, hình thức đào tạo trong GDĐH cần quy định theo thông lệ quốc tế là đào tạo tập trung (full time) và đào tạo không tập trung (part time hoặc distance learning) theo thông lệ quốc tế.
Luật Giáo dục cũng quy định “Hệ thống giáo dục quốc dân gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên”, nghĩa là giáo dục chính quy, giáo dục thường xuyên là hai trụ cột của hệ thống giáo dục quốc dân (đã được thể hiện trong khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân); không phải là hình thức đào tạo.
GDĐH để cấp văn bằng phải được thực hiện dưới hai hình thức là tập trung và không tập trung.
Trong đó, hình thức tổ chức đào tạo tập trung (toàn thời gian) hàm nghĩa người học phải dành toàn bộ thời gian vào việc học để hoàn thành 01 khóa học (theo thông lệ nhiều nước trên thế giới, người học phải học tối thiểu từ 9 đến 12 tín chỉ cho mỗi học kỳ tại cơ sở đào tạo hoặc nơi thực hành, thực tập);
Hình thức tổ chức đào tạo không tập trung hàm nghĩa người học chỉ dành một phần nhất định thời gian của họ tập trung cho việc học tập để hoàn thành 01 khóa học (theo thông lệ nhiều nước trên thế giới là người học chỉ cần học dưới 9 tín chỉ cho mỗi học kỳ tại cơ sở đào tạo hoặc nơi thực hành, thực tập).
Thực hiện quan điểm này, hình thức đào tạo tập trung và hình thức đào tạo không tập trung sẽ phải thực hiện cùng chương trình, cùng các tiêu chuẩn chất lượng, chuẩn đầu ra… và thực hiện theo cùng một quy chế tổ chức đào tạo theo tín chỉ.
Nếu người học đủ điều kiện về thời gian thì sẽ đăng ký học tập trung, người học không đủ điều kiện về thời gian thì sẽ đăng ký hình thức đào tạo không tập trung.
Các cơ sở GDĐH đảm bảo điều kiện theo quy định đối với mỗi hình thức thì được tổ chức đào tạo theo hình thức đó. Việc quy định các hình thức tổ chức đào tạo theo thông lệ quốc tế như vậy cũng giúp cho các cơ sở GDĐH thích ứng với sự thay đổi của công nghệ khi áp dụng công nghệ trong tổ chức đào tạo. Cả cơ sở đào tạo và người học đều có thể kết hợp các hình thức tổ chức đào tạo khác nhau phục vụ nhu cầu học tập đa dạng, suốt đời của mọi người học.
Quan điểm 2: Nên giữ hai hình thức giáo dục chính quy, giáo dục thường xuyên để ổn định theo Luật hiện hành.
Tuy nhiên, để quyết chọn quan điểm nào thì Bộ GD&ĐT xin ý kiến Chính phủ. Theo quan điểm của Ban soạn thảo, Bộ GD&ĐT thì Quan điểm 1 là phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng hiện nay.
Nhật Hồng