Nuôi dưỡng EQ
Một đứa trẻ trưởng thành không thể chỉ tăng chiều cao, cân nặng, mà còn phải được phát triển về mặt cảm xúc. Thế nhưng, nhiều phụ huynh lại ít quan tâm hoặc không biết cách nuôi dưỡng cảm xúc của con.
Đứng ngoài thế giới của con
"Tôi thật sự rất buồn khi nhận ra mình đang đứng ngoài thế giới của con. Chẳng hiểu con đang vui hay buồn, chẳng biết nó đi đâu, làm gì. Hỏi đến thì nó cáu bẳn, khó chịu... Bữa cơm ăn cùng con cũng hiếm, bởi nó thích ăn với... tivi hơn với cha mẹ”. Chị Nguyễn Thị Thanh, nhân viên thư viện, thường tâm sự như thế với bạn bè.
"Thầy cô đều bảo cháu tôi thông minh, nhưng nó lại là đứa cá biệt, trong lớp chả ai chơi với nó. Nó hay gây gổ với các bạn, không kiềm chế được những khi giận dữ, cãi lộn với bạn, hỗn láo với cô giáo...". Đó là nỗi lo của bà Lê Thúy Liên (P.25, Q.Bình Thạnh, TPHCM), về đứa cháu ngoại mới lên 10 tuổi. Bà cho biết ba mẹ nó ly hôn khi nó lên hai, mẹ nó buồn nên giao du với rất nhiều bạn bè, ở nhà cũng ôm riết cái máy tính nhiều hơn ôm con.
Một đứa trẻ ba tháng tuổi, thức dậy lúc nửa đêm và khóc ré lên. Người mẹ bế con, cho bú, hát ru, âu yếm trò chuyện với con. Đứa bé nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Tình huống tương tự nhưng bà mẹ đang khó ngủ vì bực bội sau khi cãi nhau với chồng thường sẽ nạt con phải im ngay. Trong khi cho con bú, bà mẹ nhớ lại cuộc tranh luận, càng bực tức hơn. Đứa bé cảm nhận được sự căng thẳng, nó co người lại, không bú nữa. Bà mẹ khó chịu "không bú thì thôi" và đặt nó trở lại nôi, mặc nó tiếp tục khóc.
Các nhà tâm lý - giáo dục trẻ chọn hai hình ảnh này là điển hình cho những thái độ làm nảy sinh ở trẻ tình cảm dành cho bản thân và cho người thân. Đứa trẻ thứ nhất hiểu được nó có thể cậy trông ở người khác, người khác hiểu và đáp ứng nhu cầu của nó. Nó cũng đáp trả lại như thế. Còn đứa trẻ thứ hai, phát hiện ra dù có người cạnh bên nhưng không phải là chỗ dựa cho nó.
Ngôi trường đầu tiên
Trẻ con rút ra những bài học quyết định đến cả đời mình chính từ những tình huống trong gia đình. Trong "ngôi trường" đầu tiên này, chúng nhận được sự giáo dục xúc cảm, là nền tảng để tạo ra quan điểm về bản thân, học được cách đoán xem người khác sẽ phản ứng như thế nào với cảm xúc của mình, đồng thời học được cách phản ứng hợp lý.
Sự giáo dục này được thực hiện qua cách đối xử của bố mẹ đối với con cái: khắc nghiệt hay thông cảm, dửng dưng hay yêu thương... Bên cạnh đó, chúng còn thu lượm nhiều bài học từ cách bố mẹ thể hiện tình cảm với nhau. Từ lúc còn nằm nôi, chúng đã là những học trò cực kỳ nhạy bén và chịu khó học tập.
Nhà nghiên cứu nhi khoa người Pháp Berry Brazelton, đã quan sát thái độ của những đứa trẻ một tuổi đối với cuộc đời, bằng cách đưa cho chúng hai hình khối và yêu cầu chúng ghép lại.
Có những đứa trẻ vứt đi, ông nhặt lên đưa lại cho chúng, chúng sẽ ghép lại một cách rất vui vẻ. Đó là những đứa trẻ thường được bố mẹ tán thưởng, khuyến khích và kiên nhẫn. Chúng sẵn sàng vượt qua khó khăn. Trái lại, những đứa trẻ sinh ra trong không khí gia đình căng thẳng, hờ hững, sẽ từ chối yêu cầu ghép hình khối, vì chúng cảm nhận thất bại đang chờ chúng, hoặc nếu như chúng có làm được thì cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Hiện tượng bố mẹ "điếc" trước xúc cảm của con cái, được biểu hiện qua các hình thức: "hoàn toàn không để ý đến những nét vui buồn, thất vọng... trên gương mặt của con, mặc đứa trẻ tự xoay xở với trò chơi quá khó. Biết đứa con "khốn khổ" thế nào nhưng họ không hướng dẫn cho con. Tỏ ra không tôn trọng những gì đứa trẻ cảm nhận. Bố mẹ phê phán nghiêm khắc sai lầm của con, không cho phép trẻ biểu lộ sự giận dữ, khó chịu".
Dấu hiệu của một ông bố, bà mẹ biết cách, làm điểm tựa cho con là được con cái luôn yêu thương và muốn tiếp xúc. Từ đó, con cái họ sẽ dễ làm chủ xúc cảm, tự trấn tĩnh khi gặp chuyện ngoài ý muốn và ít bực mình. Về mặt sinh học, chúng có tỷ lệ hormone của stress và chỉ số rối nhiễu xúc cảm thấp, hứa hẹn sức khỏe tốt. Về mặt xã hội, chúng được bạn bè, thầy cô yêu quý bởi cách ứng xử thông minh, tình cảm.
Có cùng chỉ số IQ, song những đứa trẻ được bố mẹ quan tâm và nuôi dưỡng tốt về mặt cảm xúc luôn thành công hơn về mặt thiết lập các quan hệ xã hội, một trong những yếu tố rất quan trọng, để đạt đến trải nghiệm hạnh phúc.
Theo Hạnh Nhơn
Phụ Nữ