Nước mắt phụ huynh cầu xin cô cho con mình ở lại trường

(Dân trí) - Khi cô giáo nổi giận, tuyên bố từ chối nhận con học tại trường để phụ huynh tìm nơi khác tốt hơn cho đứa trẻ thì người mẹ mới bật khóc nức nở cầu xin cô cho cháu ở lại trường... để khỏi ai biết là con mình tự kỷ.

Cô Nguyễn Dung, quản lý một trường mầm non ở TPHCM kể, mấy năm trước trường học nơi cô công tác có nhận một trẻ tự kỷ.

Lúc nhập học, khi trường khảo sát các sở thích, năng khiếu, nhất là bệnh lý riêng để trường tiện theo dõi, có phương pháp phù hợp thì bé không có gì đặc biệt. Chỉ có lời gửi gắm của mẹ bé là nhờ giáo viên đứng lớp để ý cháu hơn chút vì “cháu hơi hiếu động". 

Nước mắt phụ huynh cầu xin cô cho con mình ở lại trường - 1

Trẻ tự kỷ tại Trường giáo dục đặc biệt Khai Trí, TPHCM vui chơi, sinh hoạt tại trường.

Tiếp đó là những ngày cháu la hét, đánh đấm, cào cấu mà giáo viên đứng lớp bất lực. Mỗi lần như vậy, cô Dung phải vào lớp ôm thặt chặt bé, chịu những cú đấm, cào, cắn, cho đến lúc bé bình tĩnh lại.

Lúc đó, cô cũng chỉ làm theo bản năng của một người mẹ nếu không cháu bé có thể tự đập đầu vào tường, làm mình bị đau. Để rồi sau đó, cô trở về nhà toàn thân đau nhức, bầm dập vì bị bé cắn, cào cấu... 

Nhưng điều cô vô cùng bất ngờ là khi trao đổi với phụ huynh về vấn đề của cháu bé, họ không nhận mà thậm chí lúc đầu còn buông lời xúc phạm giáo viên dám nói con họ như thế. 

Cô Dung nổi giận thật sự, cô tuyên bố từ chối nhận cháu bé học tại trường để phụ huynh tìm cho con một trung tâm có phương pháp giáo dục đặc biệt hợp và tốt hơn cho con. 

Đến lúc này, người mẹ bật khóc nức nở, cầu xin cô cho con ở lại trường, đóng bao nhiêu tiền cũng được. Họ muốn con ở lại đây vì họ thấy con mình có chiều hướng tích cực và hơn hết, lý do quan trọng nhất, người mẹ nói rằng chuyển sang các trung tâm, họ lo sợ họ hàng, bạn bè sẽ biết... con mình tự kỷ. 

Cô Dung đau nhói. Không còn là cái đau đớn bầm dập ngoài da khi chịu trận những cú đấm, cào, cắn đến bật máu của bé mà là nghe nhoi nhói tận trong tim.

"Có thể tôi và nhiều người may mắn khi sinh ra những đứa con khoẻ mạnh nên không thể thông cảm được với nỗi vất vả của những gia đình không may. Nhưng tôi không thể tìm ra câu trả lời, tại sao họ cố giấu khi biết rõ ràng điều đó làm triệu chứng của các bé nặng thêm?" - cô đau đáu với nỗi đau nhiều đứa trẻ tự kỷ không được thừa nhận từ trong gia đình. 

Đây không còn là câu chuyện hiếm có, cá biệt về thân phận học trò tự kỷ ở nhiều trường học. Phụ huynh không chấp nhận hoặc vì có người không tìm được trường phù hợp nên làm mọi cách "đẩy" con đến mô hình giáo dục thông thường. Giáo viên ở các trường thông thường họ cũng không có kiến thức, chuyên môn để giao tiếp, giáo dục trẻ đặc biệt, do vậy có thể làm cho tình trạng của trẻ nặng hơn.

Trường hợp cô giáo phải "treo" trẻ đặc biệt tại Trường mầm non B Trực Đại (huyện Trực Ninh, Nam Định) mới đây là một nỗi đau và cũng là một bài học. 

Nước mắt phụ huynh cầu xin cô cho con mình ở lại trường - 2

Phụ huynh tại TPHCM trong một chuyên đề trao đổi về trẻ tự kỷ 

Ông Lê Tấn Đạt, đồng sáng lập của Tổ chức The Big Friends, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ người tự kỷ ở Việt Nam chia sẻ chính chúng ta chưa có nhận thức đúng về trẻ tự kỷ. Nhiều người "chụp mũ" lên đầu phụ huynh con bị tự kỷ là do bố mẹ thế này thế nọ, do xem tivi nhiều, không có thời gian cho con... Trước hết chính phụ huynh cần giải tỏa suy nghĩ này, không tìm kiếm những lý do để đổ tội cho mình. 

Có người mẹ khi con bị tự kỷ, đã ngồi lục lọi ghi lại mình đã ăn gì, nói gì, làm gì trong thời gian mang thai. Chính chị tin rằng mình đã làm một cái gì đó và người nhà cũng cho là... như vậy. Cả gia đình cũng làm mọi cách để đưa cháu vào học tại một trường thường vì không chấp nhận... cho con mình vào trường chuyên biệt cho trẻ tự kỷ.

Ông Đạt cũng cho rằng, phụ huynh có con tự kỷ đang mong chờ quá nhiều vào các chuyên gia, bác sĩ, vào một trường học nào đó mà quên mất rằng, người đồng hành quan trọng nhất của con chính là bố mẹ. Hơn bất kỳ ai, bố mẹ cần chuẩn bị tinh thần đi đường dài cùng con trước hết bằng sự chấp nhận con. 

Tại TPHCM từng có nhiều hội thảo với câu hỏi "Trường học nào cho trẻ tự kỷ?" nhưng không tìm được câu trả lời. Số trẻ tự kỷ được phát hiện ngày càng tăng, số trường chuyên biệt chăm sóc trẻ tự kỷ không đủ. Phụ huynh vô cùng nan giải đi tìm trường cho con, có khi biết không tốt nhưng vẫn phải "nhắm mắt" cho con vào trường thường. Hoặc có người không thừa nhận con là trẻ tự kỷ nên "ép" con vào học trường thường. 

Đến nay, ở Việt Nam, tự kỷ vẫn chưa có trong Luật Người khuyết tật, các em vẫn đứng ngoài mọi chính sách dành cho trẻ em và người khuyết tật. 

Và càng đau đớn hơn gấp nhiều lần khi có những đứa trẻ bơ vơ, không được chấp nhận ngay trong gia đình mình, bởi những người sinh ra mình... 

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm