Nữ thủ khoa dân tộc Nùng làm bài văn 11 trang giấy
(Dân trí) - Biết tin mình là thủ khoa khối C của Đắk Lắk với 29,5 điểm, Phượng vừa hạnh phúc với mong ước được vào đại học nhưng cũng là nỗi lo khi gia cảnh em khó khăn, bố mắc bạo bệnh.
Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, em Phạm Thị Phượng (cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Tất Thành, huyện M'Đrắk, Đắk Lắk) trở thành thủ khoa khối C của tỉnh Đắk Lắk với 29,5 điểm (văn 9,5; lịch sử: 10; địa lý: 10 điểm).
Phượng cho biết, khi xem điểm thi, em rất bất ngờ, phải dò đi dò lại nhiều lần mới tin đó là sự thật. Đối với môn sử và địa thi xong em đã đối chiếu đáp án trước đó và biết điểm. Riêng môn văn, dù làm dài 11 trang giấy nhưng em vẫn hồi hộp chờ điểm.
"Em thích đọc nhiều tài liệu, thích phân tích để làm rõ vấn đề trong các môn học. Văn học là môn em yêu thích. Đây là môn học thiên về cảm xúc nên trước khi bước vào bất cứ đợt thi nào, em đều đọc một đoạn văn tâm đắc để khơi được cảm hứng, giúp mạch văn trôi chảy hơn khi làm bài", Phương khiêm tốn nói.
Phượng kể, em sinh ra lớn lên trong gia đình bố mẹ đều là nông dân, kinh tế khó khăn nên bản thân luôn quyết tâm trong việc học. Gia đình em ở xã Krông Á, huyện M'Đrắk, cách trường khoảng 15km, do đó, em đã phải thuê trọ ở gần trường để tiện việc học.
Biết kết quả thi THPT, ngoài niềm vui khi những nỗ lực của bản thân được đền đáp xứng đáng nhưng trong lòng cô gái 18 tuổi ngổn ngang nhiều suy nghĩ về tương lai.
Phượng đã đăng ký nguyện vọng vào khoa Sư phạm ngữ văn, Trường Đại học Tây Nguyên để viết tiếp ước mơ trở thành cô giáo dạy văn nhưng em rất lo lắng, sợ việc học làm gánh nặng cho bố mẹ.
"Bố em mắc bệnh về tim mạch, không thể làm việc nặng, chi phí thuốc men tốn kém. Em cũng suy nghĩ nhiều giữa quyết định học tiếp hay xin đi làm để giúp đỡ gia đình.
Em đang cố thuyết phục bố mẹ để em được đến trường và em sẽ đi làm thêm để trang trải, nếu phải dừng việc học em sẽ rất buồn, tiếc nuối", Phượng chia sẻ.
Khi chúng tôi ngỏ ý xem những hình ảnh kỷ yếu cùng các bạn năm cuối cấp, Phượng bẽn lẽn nói: "Do gia đình khó khăn nên em không đăng ký chụp ảnh kỷ yếu lớp 12".
Cô Trần Thị Oanh, giáo viên chủ nhiệm cấp 3 của Phượng cho biết, em Phạm Thị Phượng có hoàn cảnh gia đình khá khó khăn nhưng em nỗ lực rất nhiều trong học tập, cả 3 năm THPT em đều đạt học sinh giỏi.
Cũng theo cô Oanh, em Phượng là người dân tộc Nùng nên hàng tháng được nhà nước hỗ trợ một phần chi phí để lo tiền ăn ở và học tập nhưng em vẫn vừa học, vừa đi làm thêm ở quán cà phê để có thêm thu nhập.
Biết em khó khăn, cô giáo chủ nhiệm và các bạn đã thuyết phục em chụp cùng lớp, không tốn chi phí nhưng nữ sinh vẫn một mực từ chối.
Vừa qua, biết điểm thi của Phượng, cô giáo chủ nhiệm đã có buổi gặp gỡ, chia sẻ và động viên em tiếp tục con đường học tập.
"Nhà trường sẽ đồng hành cùng em, bởi em là một học sinh rất có năng lực. Em Phượng cũng cần cố gắng học tập ở chặng đường phía trước để có tương lai tốt đẹp", cô giáo Oanh tâm sự.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, TS Nguyễn Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên cho biết, em Phạm Thị Phượng đăng ký nhập học ngành sư phạm của trường không phải đóng học phí và mỗi tháng sẽ được hỗ trợ 3,6 triệu đồng/tháng cho đến khi tốt nghiệp. Ban giám hiệu trường cùng các đoàn thể sinh viên sẽ quan tâm, hỗ trợ em.