1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Nữ sinh từng “nghiện” smartphone chinh phục 13 học bổng đại học Mỹ

(Dân trí) - Hạnh thừa nhận mình đã từng là một “con nghiện” smartphone chính hiệu và lãng phí không ít thời gian cho thú vui này. “Cai” điện thoại thành công, cô cũng vừa xuất sắc giành 13 suất học bổng tại 13 trường ĐH của Mỹ.

Mấy ngày gần đây, liên tiếp tin vui đến với Phan Thị Hạnh (SN 2000, quê Cương Gián, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, cựu học sinh Trường THPT chuyên Đại học Vinh, Nghệ An).

Em nhận được 13 thông báo về việc cấp học bổng du học tại 13 trường đại học Hoa Kỳ, trong đó có những học bổng lên tới gần 1 tỷ đồng/năm.

Phan Thị Hạnh vừa giành 13 học bổng du học tại các trường ĐH Hoa Kỳ
Phan Thị Hạnh vừa giành 13 học bổng du học tại các trường ĐH Hoa Kỳ

Chia sẻ về kinh nghiệm “săn” học bổng du học Mỹ, Hạnh cho biết ngoài việc có một thành tích học tập tốt, khả năng tiếng Anh và hoạt động ngoại khóa ấn tượng, em làm quen với các bài thi chuẩn hóa, tìm hiểu trường qua website, viết luận nộp hồ sơ và… chờ kết quả.

“Nhận thông báo cấp học bổng từ các trường đại học Mỹ, đặc biệt là Depauw University – ngôi trường mà em mơ ước, nói thật là lúc đó em hạnh phúc không nói nên lời”, nữ sinh này vẫn đang lâng lâng hạnh phúc.

Với 13 thông báo cấp học bổng từ các trường ĐH ở Mỹ, Hạnh quyết định chọn Depauw University với mức học bổng 36.000 USD/năm dù rằng đây không phải là mức học bổng lớn nhất mà Hạnh nhận được. Tính ra, mức học bổng của nữ sinh này trong 4 năm học tương đương 3,3 tỷ đồng.

“Sau khi cân nhắc, em quyết định theo học ngành Computer Science tại Depauw University bởi đây là ngôi trường phù hợp nhất với con đường, định hướng mà em mong muốn trong tương lai.

Học bổng này tương đương 80% học phí nên phần còn lại em sẽ phải chi trả. Em dự định sang đó sẽ tìm việc làm thêm để có thể trang trải một phần chi phí sinh hoạt ngoài phần hỗ trợ của gia đình”, Hạnh chia sẻ.

Phan Thị Hạnh (bên phải) thú nhận từng nghiện Smartphone và phải tự cai để giảm phụ thuộc vào nó
Phan Thị Hạnh (bên phải) thú nhận từng nghiện Smartphone và phải "tự cai" để giảm phụ thuộc vào nó

Theo học ngành khoa học máy tính là ước mơ từ nhỏ của Hạnh. Trước ý kiến cho rằng đặc thù ngành học này “kén” phụ nữ, Hạnh mỉm cười: “Em nghĩ việc gì nam giới làm được thì phụ nữ cũng có thể làm được, thậm chí có thể làm tốt hơn nếu có đủ đam mê và quyết tâm”.

Ít ai biết rằng, Hạnh đã từng là một con nghiện smartphone chính hiệu. Có những lúc, phần lớn thời gian của Hạnh là dán mắt vào điện thoại dù rằng có những thông tin tiếp nhận qua điện thoại không cần thiết, thậm chí là vô bổ. Không chỉ có Hạnh mà nữ sinh này nhận thấy tình trạng “nghiện” smartphone khá phổ biến ở giới trẻ.

Bài luận về sự ảnh hưởng của smartphone đối với giới trẻ được thể hiện bằng vốn tiếng Anh tốt cũng chính là điểm nhấn trong hồ sơ xin học bổng của nữ sinh này.

“Em nhìn nhận từ chính bản thân cũng như những người xung quanh và chia sẻ kinh nghiệm “cai” smartphone của bản thân mình trong bài luận. Em tự cất máy vô tủ, giới hạn một ngày chỉ cầm máy 1 tiếng. Lúc đầu cũng khá khó chịu, cảm giác như thiếu thiếu cái gì đó.

Ngoài việc tự giới hạn bản thân mình tiếp xúc với smartphone, em cũng dành nhiều thời gian để trò chuyện, giao lưu với các bạn. Nếu như trước đây, đi cà phê hay đi chơi, mỗi người chăm chăm vào điện thoại của mình thì mọi người đã dành nhiều thời gian để giao tiếp trực tiếp và tham gia các hoạt động khác”, Hạnh nói.

Nhiều người nghĩ ngành khoa học máy tính kén phụ nữ nhưng theo Hạnh, khi có đủ đam mê và quyết tâm, phụ nữ có thể làm tốt công việc này
Nhiều người nghĩ ngành khoa học máy tính "kén" phụ nữ nhưng theo Hạnh, khi có đủ đam mê và quyết tâm, phụ nữ có thể làm tốt công việc này

Theo học ngành khoa học máy tính, Hạnh ấp ủ kế hoạch cho ra đời một công nghệ mới mà ở đó, người dùng smartphone sử dụng ít hơn nhưng hiệu quả tốt hơn.

“Nó sẽ giúp người dùng giới hạn thời gian sử dụng, từ đó giảm phụ thuộc vào smartphone. Với “bộ lọc” này, người dùng sẽ loại bỏ được những thông tin vô bổ, tiếp cận được nhiều thông tin bổ ích hơn.

Hiện ý tưởng này đang được sử dụng với quy mô cá nhân và vài người thân thiết thôi chứ chưa cụ thể thành một phần mềm hay trí tuệ nhân tạo nào. Hi vọng ý tưởng có thể hiện thực hóa và hoàn thiện trong quá trình em theo học tại Depauw University”, Hạnh hào hứng chia sẻ về kế hoạch của mình.

Bên cạnh học thêm ngôn ngữ lập trình, Hạnh đang tích cực tìm hiểu về văn hóa, lối sống của người dân bản địa để tránh tình trạng “sốc” khi ở môi trường mới. C

ô gái có kinh nghiệm trọ học xa nhà nhiều năm, cũng như quen với cuộc sống tự lập từ nhỏ và sự tin tưởng, ủng hộ và hỗ trợ của bố mẹ, gia đình tự tin sẽ hòa nhập tốt ở môi trường mới – nơi em có thể thực hiện ước mơ của mình.

Hoàng Lam

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục