Nữ sinh lớp 7 gây xúc động với bức thư gửi mẹ ở thế giới bên kia

(Dân trí) - “Ở nơi đó mẹ của con sẽ không ướt, không lạnh. Mẹ đã hóa thành trời xanh mây trắng... Mẹ có nghe con nói không? Mẹ ơi con nhớ mẹ?”.

Đó là những dòng tâm sự mộc mạc của nữ sinh mồ côi viết trong bức thư gửi mẹ đã lấy đi không ít nước mắt của người đọc. Bức thư đẫm nước mắt được Ngô Kiều Anh - học sinh lớp 7A Trường THCS Diễn Kỷ (huyện Diễn Châu, Nghệ An) viết gửi người mẹ yêu dấu đã không may qua đời vì căn bệnh thế kỷ.

Vừa qua Trường THCS Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu phối hợp với qũy "Vì em nỗ lực" tổ chức cuộc thi “Thư gửi mẹ”. Chỉ trong một thời gian ngắn, ban tổ chức đã nhận được rất nhiều bức thư của các bạn học sinh gửi về với những dòng tâm sự, tình cảm chân thành gửi người mẹ yêu dấu của mình.


Ngô Kiều Anh nữ sinh đã xuất sắc giành giải nhất trong cuộc thi với bức thư xúc động gửi cho người mẹ đã qua đời.

Ngô Kiều Anh nữ sinh đã xuất sắc giành giải nhất trong cuộc thi với bức thư xúc động gửi cho người mẹ đã qua đời.

Trong số đó có bức thư của nữ sinh mồ côi Ngô Kiều Anh đã gây xúc động mạnh đến ban tổ chức và xuất sắc giành giải Nhất của cuộc thi. Ngay sau khi được chia sẻ trên các trang mạng xã hội nhiều người đã bày tỏ sự xúc động khi đọc những dòng tâm sự mộc mạc của nữ sinh lớp 7 gửi người mẹ đã qua đời vì căn bệnh ung thư.

Sinh ra vốn không được may mắn như các bạn cùng trang lứa, lúc em còn đỏ hỏn thì không may người cha đã qua đời. Cũng không lâu sau đó, người mẹ của em cũng bỏ Kiều Anh để về thế giới bên kia.

Ở vùng quê nghèo nơi những định kiến về căn bệnh thế kỷ còn rất nặng nề, Kiều Anh phải sống trong sự xa lánh của mọi người. Nhưng vượt qua tất cả, cô bé mồ côi như một hạt mầm mạnh mẽ vươn lên trong bão tố cuộc đời. Kiều Anh trở thành một học sinh gương mẫu, với năng lực của mình em được chọn vào đội tuyển của trường để dự kỳ thi học sinh giỏi huyện.


Trong bức thư có đoạn Kiều Anh kể với mẹ những khó khăn mà mình phải chịu vì những định kiến của xã hội vì căn bệnh thế kỷ, đó không còn là những dòng tâm sự bình thường của một đứa trẻ gửi mẹ mà còn là dành cho toàn xã hội này.

Trong bức thư có đoạn Kiều Anh kể với mẹ những khó khăn mà mình phải chịu vì những định kiến của xã hội vì căn bệnh thế kỷ, đó không còn là những dòng tâm sự bình thường của một đứa trẻ gửi mẹ mà còn là dành cho toàn xã hội này.

Dù mẹ đã đi xa rất lâu nhưng với Kiều Anh mẹ vẫn luôn ở cạnh em trong từng bữa cơm, từng giấc ngủ và trên mọi nẻo đường... Đặc biệt, bức thư được Kiều Anh viết tự đáy lòng gửi mẹ trong ngày 8/3, nhắc đến kỷ niệm của hai mẹ con, về bữa ăn mà mẹ nấu cho em, những hương vị ấy có lẽ là món ăn ngon nhất trong cuộc đời của mình nên Kiều Anh nhớ rất rõ.

Dù mẹ đã đi xa nhưng trong Ngày Quốc tế Phụ nữ, em vẫn mua hoa, chuẩn bị quà tặng mẹ như bao người bạn cùng trang lứa khác. Nhưng không như các bạn lúc tặng hoa cho mẹ được mẹ ôm vào lòng, được mẹ tặng lại cho cái thơm, cảm giác ấm áp ấy em sẽ không bao giờ được hưởng nữa nhưng em biết ở một nơi xa lắm, mẹ vẫn đang dõi theo và nhìn thấy em...

Kiều Anh (áo đỏ) cùng các bạn học sinh khác đã xuất sắc giành giải cao trong cuộc thi.
Kiều Anh (áo đỏ) cùng các bạn học sinh khác đã xuất sắc giành giải cao trong cuộc thi.

Rồi quãng thời gian đứa trẻ thơ phải sống trong cái ác cảm của người đời về căn bệnh thế kỷ khi người mẹ không may qua đời cũng được Kiều Anh nhắc lại. Trong bức thư, Kiều Anh đã kể với mẹ mình với những từ ngữ thấm đẫm nước mắt và đã lấy lòng người đọc một cách diệu kỳ. Nó không còn là một bức thư gửi mẹ đơn thuần, mà nó như một lời nhắc nhở đến toàn xã hội.

Và Kiều Anh khoe với mẹ thành tích học tập của mình. Em xếp thứ 2 trong một lớp chọn, được đi thi học sinh giỏi huyện môn Văn. Và em hỏi mẹ: ở nơi xa đó mẹ có biết không, mẹ có vui không? Em đã làm tất cả để mẹ được yên lòng, được tự hào về em. Qua bức thư, mọi người có thể cảm nhận được nghị lực phi thường của một đứa trẻ thơ, nó đã phải làm những gì khi bão tố cuộc đời đổ dồn tất cả những đau thương mất mát lên số phận của nó.

Nhưng khi đêm xuống, lúc mưa buồn đứa trẻ thơ ấy lại nhớ mẹ đến da diết. Nó thèm khát cái cảm giác được bên mẹ. Thèm khát cái hơi ấm khi được vùi đầu vào lòng mẹ. Được ăn món mẹ nấu.

Chúng tôi xin trích nguyên văn bức thư gửi mẹ của Ngô Kiều Anh đến độc giả.

Ngô Kiều Anh - Lớp 7A

Diễn Kỷ, ngày 08 tháng 03 năm 2016

Mẹ yêu quý!

Vậy là sắp đến ngày mồng 8 tháng 3 rồi. Bạn bè con ở lớp ai cũng dự định sẽ mua hoa để tặng mẹ vào ngày đó. Các bạn còn nói cho nhau nghe về cách tạo bất ngờ cho mẹ mình vào hôm ấy nữa. Xem ra ai cũng rất hồi hộp và háo hức mẹ ạ. Con cũng định sẽ mua hoa tặng mẹ nên cũng không kém phần hồi hộp. Chắc chắn khi các bạn mang hoa về tặng mẹ sẽ được mẹ đáp lại bằng những cái ôm thật ấm áp. Còn con, con sẽ tặng mẹ ở một nơi khác - nơi thật xa - nơi mà có lẽ mẹ nhìn thấy con nhưng con lại chẳng thấy mẹ ở đâu cả.

Và món quà con nhận lại không phải là cái ôm của mẹ mà là chính sự nhẹ nhõm trong lòng con khi con được tặng hoa cho mẹ. Tuy được vơi đi phần nào nỗi buồn nhưng lòng con vẫn thấy trống trải. Không hiểu sao hôm nay con lại nhớ mẹ nhiều đến thế!

Con thèm khát một vòng tay âu yếm, thèm khát một lời động viên an ủi và hơi ấm của tình mẫu tử. Có lẽ là do không khí rạo rực của ngày 8-3 sắp đến mẹ nhỉ? Vì vậy con viết những dòng tâm sự này để gửi mẹ. Dẫu biết rằng bức thư không có địa chỉ đến nhưng con vẫn tin sợi dây của tình mẫu tử sẽ nối kết những tâm sự của con đến bên mẹ.

Mẹ ơi! Mẹ có còn nhớ ngày 8 tháng 3 của mười năm trước không? Hồi ấy sao mà vui quá! Khi ấy con còn nhỏ nên mẹ đã làm một bữa ăn thật ngon để dành tặng con và cũng là để tự tặng mẹ. Hai mẹ con mình cùng hát, cùng vỗ tay, lời bài hát “Mồng 8 tháng 3” cứ ngân nga mãi trong lòng con, có lẽ đến suốt đời. Mọi thứ đều diễn ra tốt đẹp nhưng con đâu ngờ rằng đó là năm đầu tiên và cũng là năm cuối cùng con được đón ngày mồng 8 tháng 3 cùng mẹ, khi mà con gần 4 tuổi thì mẹ đã bỏ con mà đi, đi thật xa.

Với con, mất mẹ là nỗi đau lớn nhất, là sự mất mát không gì có thể bù đắp được vì trước đó không lâu con đã mất đi người cha yêu dấu do căn bệnh thế kỷ. Khi ấy con đã rất đau nhưng vì có mẹ kề bên an ủi nên con cũng bớt đau đi phần nào. Thế mà giờ đây con lại mất luôn cả mẹ.

Thay vì được an ủi, sẻ chia con chỉ còn lẻ loi một mình. Nỗi đau lại nhân lên gấp bội lần. Con đã khóc, khóc rất nhiều. Con không thể níu giọt nước mắt lại cũng như không thể kéo mẹ về bên con. Lúc ấy con không dám tin vào sự thật nữa.

Không thể tin lúc ấy mẹ lại nằm trên giường bệnh và chỉ nói với con: “Sau này khi mẹ không còn ở bên con nữa thì con hãy vẫn cứ yên tâm, cố gắng học thật tốt, nhớ giữ gìn sức khỏe và phải thật chăm ngoan để không phụ lòng mẹ nghe con”. Thật sự lúc ấy con chỉ biết gật đầu và khóc nức nở. Thế rồi mẹ xa con, xa con mãi mãi. Tất cả chìm trong biển nước mắt.

Mẹ có biết không. Sau khi mẹ mất con đã rất đau khổ, con cảm thấy bơ vơ, hụt hẫng vì không có bàn tay chăm sóc, yêu thương của mẹ nữa. Con chỉ biết dựa vào bà nội hơn 80 tuổi như chiếc lá vàng trên cây. Con cứ tưởng tượng đến một ngày nào đó bà cũng sẽ bỏ con mà đi thì cuộc sống của con sẽ ra sao đây?

Nghĩ đến mà con hoảng hốt. Con thực sự rất buồn. Đáng buồn hơn là bạn bè, người thân, và một số phụ huynh tìm cách để xa lánh con, không cho con họ chơi với con nữa vì sợ mắc phải căn bệnh quái ác kia. Lúc ấy con không hiểu được đó là căn bệnh gì và nguy hiểm như thế nào? Con chỉ biết rằng họ rất coi thường, sợ hãi và xa lánh con.

Thật mãi lâu sau nhờ sự can thiệp của nhà trường, sự động viên quan tâm của thầy cô giáo và một số bạn trong lớp con mới bình tâm trở lại với cuộc sống, con mới có cơ hội hòa nhập hơn với mọi người. Con đã cố nén nỗi đau để tiếp tục sống, để làm mẹ vui lòng nơi chín suối.

Khoảng thời gian đầu con cứ cố gắng rồi lại thất bại, lại khóc. Cứ mỗi lần thấy bạn được mẹ mình âu yếm thì con lại chạnh lòng nghĩ đến mẹ. Nghĩ đến ngày xưa con cũng đã từng được mẹ vỗ về, yêu thương như thế. Những lúc như thế nước mắt con lại tuôn rơi âm thầm, lặng lẽ.

Con sợ nhất là những đêm mưa, không hiểu sao mưa đêm làm con buồn đến thế! Con sợ mẹ ướt, con sợ mẹ lạnh, con sợ bao nhiêu điều mà không dám nói ra. Con tâm sự với cô giáo dạy Văn, và cô ân cần nói với con: “Mẹ của con không ướt, không lạnh, mẹ của con đã hóa thành trời xanh, thành mây trắng”. Và con tin. Mẹ sẽ không lạnh khi mưa xuống, phải không mẹ!

Thời gian trôi đi, nỗi đau cũng vơi dần. Con cũng tập làm quen với thực tại. Ban đầu con cũng rất nhút nhát nhưng giờ con đã mạnh mẽ rồi mẹ ạ. Con không còn yếu đuối, nhút nhát, mặc cảm như trước kia nữa. Cuộc sống đã rèn luyện con phải biết cố gắng, biết tự tin, biết suy nghĩ và mạnh mẽ lên.

Mẹ à! Con giờ đây đã học lớp 7 rồi đấy. Con đang được sống trong tình yêu thương của mọi người. Bạn bè, thầy cô ai cũng rất yêu mến con. Mẹ ở nơi xa mẹ có nhìn thấy con không? Có thấy con đang học rất giỏi không?

Học kỳ I vừa rồi con đã được xếp thứ hai của một lớp chọn đấy nhé. Sắp tới con còn tham gia kỳ thi học sinh giỏi Văn nữa. Mẹ có vui không hả mẹ? Con đã làm theo lời mẹ dặn trước lúc lâm chung rồi đấy. Con còn có ước mơ sau này sẽ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cứu người nữa.

Con mong sẽ không ai bị bệnh, không ai mất mẹ để bao trẻ em khác sẽ không phải chịu nhiều khổ đau như con. Con xin hứa với mẹ sẽ cố gắng học tập thật tốt để mẹ vui lòng và cũng là để thực hiện ước mơ của mình.

Mẹ ơi. Mẹ có nghe con nói không? Ở dưới suối vàng mẹ hãy yên lòng và luôn phù hộ cho con nhé! Con luôn nghĩ và tin rằng mẹ đang dõi theo từng bước đi của con. Con sẽ cố gắng từng ngày để sống và vươn lên bằng chính sức lực của mình và để trở thành con người có ích.

Con yêu của mẹ.

Nguyễn Duy (ghi)