Nữ sinh lớp 10 trường top bị mẹ "cấm" dùng điện thoại gây tranh cãi

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Tâm sự của nữ sinh lớp 10 khiến mạng xã hội tranh cãi về việc nhu cầu dùng điện thoại thông minh ở tuổi 15, 16 có chính đáng hay không.

Đỗ trường "top" vẫn không có quà

Mới đây, trên một diễn đàn phụ huynh, một tài khoản ẩn danh đăng tải bài viết tâm sự nỗi ấm ức, tủi thân vì đã bước sang 16 tuổi vẫn không được mẹ cho dùng điện thoại thông minh.

Tài khoản này chia sẻ về nhiều tình huống bất tiện, khó khăn trong học tập khi không có điện thoại thông minh. Một trong số đó là việc nữ sinh bị lỡ các thông tin quan trọng, đột xuất từ thầy cô trên các nhóm chat zalo. 

Khi đỗ nguyện vọng 1 vào lớp 10 trường "top", nữ sinh đã xin mẹ đổi điện thoại mới thay thế cho chiếc điện thoại chỉ có chức năng nghe gọi hiện tại. Tuy nhiên, mẹ em đã từ chối. 

Điều này khiến em tủi thân. Dù rất nỗ lực và đạt thành tích cao trong học tập, em vẫn không nhận được phần thưởng nào từ bố mẹ.

"Khi làm thủ tục nhập học lớp 10, em càng thấy lạc lõng, tự ti vì tất cả các bạn đều có điện thoại thông minh, trừ em ra", nữ sinh viết. 

Nữ sinh lớp 10 trường top bị mẹ cấm dùng điện thoại gây tranh cãi - 1

Thí sinh thi lớp 10 tại Hà Nội năm 2024 (Ảnh: Thành Đông).

Trong phần bình luận, phần đa ý kiến không ủng hộ sự khắt khe của mẹ nữ sinh, song cho rằng người mẹ có lý do chính đáng, có thể thông cảm được.

Chị Nguyễn Khánh Chi (42 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Con tôi dùng điện thoại thông minh từ lớp 6. Nhưng nếu được lựa chọn lại, tôi sẽ không cho con dùng sớm như vậy. 

Từ khi có điện thoại, con dành rất nhiều thời gian giải trí với điện thoại, lười vận động, đi du lịch, đi chơi cũng chỉ mải mê xem điện thoại. 

Mặc dù con học tập vẫn tốt, nhưng tôi nhận thấy việc có điện thoại khiến con kết nối với không gian mạng nhiều hơn không gian thực.

Do đó, tôi rất thông cảm và hiểu vì sao người mẹ trong câu chuyện trên kiên quyết không cho con dùng điện thoại thông minh dù con đã vào lớp 10.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, việc cấm cản con khiến con tự ti, xấu hổ với bạn bè còn hại hơn cả việc để con dùng điện thoại."

Chị Mai Hoàng Anh (37 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) lại có góc nhìn khác.

"Nếu con tôi cũng ngoan và hiểu chuyện như nữ sinh này, tôi cũng sẽ tìm cách trì hoãn, kéo dài thời gian để con không dùng điện thoại thông minh.

Điện thoại rất dễ gây nghiện. Ai cũng hiểu điều đó. Bất đắc dĩ không thể ngăn cản con dùng thì mới cho con dùng. 

Việc không có điện thoại thông minh không ảnh hưởng gì tới học tập. Phần lớn các con ở thành phố đều được trang bị máy tính để học, làm dự án, làm bài tập nhóm, tham gia nhóm zalo, facebook, nhận tin nhắn từ thầy cô…

Có thêm chiếc điện thoại thông minh là thừa", chị Hoàng Anh nói.

Nhu cầu sử dụng thiết bị công nghệ điện tử là chính đáng 

Trao đổi với phóng viên Dân trí về tình huống được chia sẻ ẩn danh trên mạng xã hội, chuyên gia tham vấn tâm lý Trần Thị Huyền Trang cho rằng đây là trường hợp không hiếm gặp. Nhiều phụ huynh vẫn đang cố gắng ngăn cản con dùng điện thoại thông minh ở lứa tuổi học sinh phổ thông.

Nữ sinh lớp 10 trường top bị mẹ cấm dùng điện thoại gây tranh cãi - 2

Chuyên gia cho rằng dùng điện thoại thông minh và các thiết bị công nghệ điện tử khác là nhu cầu chính đáng và cần được tôn trọng của học sinh (Ảnh: Hải Long).

"Tuy nhiên, phụ huynh cần hiểu rằng điện thoại thông minh đang trở nên thiết yếu trong thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin.

Và có lẽ phụ huynh cũng cần cân nhắc, rằng nhu cầu tiếp xúc với công nghệ và sử dụng các thiết bị điện tử như máy tính, máy tính bảng, máy đọc sách, điện thoại thông minh của con trẻ là nhu cầu chính đáng và cần được tôn trọng", bà Trang nói.

Theo bà Trang, không có quy định cụ thể về việc tuổi nào thì được dùng điện thoại thông minh. Mỗi gia đình có một quan điểm khác nhau và đặt ra các giới hạn khác nhau. 

Nhiều nghiên cứu cho thấy học sinh từ 14 tuổi trở lên phù hợp để dùng thiết bị này. Song bà Trang cho rằng, độ tuổi của một đứa trẻ không quan trọng bằng trách nhiệm hay mức độ trưởng thành của chúng.  

"Cha mẹ có nhiều lo ngại khi con tiếp xúc với điện thoại thông minh, phổ biến nhất là lo ngại về an toàn trên không gian mạng và thời gian sử dụng quá dài, dẫn đến "nghiện". 

Về lo ngại an toàn, internet hay bất cứ đâu đều tiềm ẩn hiểm nguy rình rập.

Nếu cha mẹ dùng thiết bị thông minh như một "vú em" của con, phó mặc cho con khám phá thế giới rộng lớn của internet mà không có hướng dẫn, "tập huấn" hoặc đặt ranh giới, khác nào chúng ta tự giao trứng cho ác? 

Trẻ em, đặc biệt trẻ dưới 13 tuổi cần được hướng dẫn về những điều được - không được làm trên không gian mạng. 

Cha mẹ cũng có thể khóa một số tính năng, hoặc cài đặt kiểm soát truy cập phù hợp, cũng như trao đổi với trẻ về thời lượng phù hợp dùng để giải trí, học tập hay tìm hiểu thông tin.

Về thời gian sử dụng, e ngại việc con mình lạm dụng, thậm chí nghiện game, nghiện mạng xã hội, nghiện điện thoại thông minh là nỗi lo thường trực của phụ huynh thời nay. 

Có một "bí mật" trong việc "nghiện" hành vi này, đó là "cơn nghiện" là chỉ báo cho sự thiếu hụt, không được thỏa mãn về mặt tâm lý. Càng cảm thấy thiếu, người ta càng dễ có xu hướng nghiện hành vi nào đó như một cách "bù đắp". 

Có thể là thiếu mối quan hệ ấm áp, nâng đỡ, thiếu sự tôn trọng, thiếu thời gian chất lượng, thiếu sự quan tâm từ gia đình, thiếu giao tiếp thân mật, thiếu hành vi lành mạnh, thiếu sự công nhận, ghi nhận, thiếu niềm tin tích cực vào hình ảnh bản thân…", bà Trang phân tích.

Chuyên gia tham vấn tâm lý cũng chỉ ra sai lầm phổ biến và khó thay đổi của phụ huynh khi thường xuyên phàn nàn và tìm cách kiểm soát việc sử dụng thiết bị thông minh của con nhưng chính bản thân lại mất kiểm soát với chiếc điện thoại.

"Nếu chúng ta ăn cơm cùng gia đình, dạy con học, nói chuyện với con, đi chơi cùng con mà vẫn kè kè điện thoại, làm sao để chúng bị thuyết phục rằng điện thoại là không quá cần thiết?", bà Trang đặt câu hỏi.

Bà Trang khẳng định, tác hại của việc sử dụng thiết bị điện tử thiếu kiểm soát là có thật. Khả năng tập trung, sự hứng thú của trẻ với việc học có thể bị suy giảm. Nguy cơ rút lui trong tương tác xã hội, giao tiếp mặt đối mặt và hoạt động hội nhóm khi lạm dụng thiết bị điện tử có thể xảy ra.

Song, thay vì cấm đoán cực đoan, cha mẹ nên hài hòa giữa nhu cầu sử dụng điện thoại với tăng cường giao tiếp vật lý với con cái thông qua các hoạt động chung của gia đình, đồng thời tích cực mở rộng các hoạt động thay thế bổ ích như chơi thể thao, nhạc cụ, đọc sách…

"Khi trẻ nhận "đủ" từ thế giới thực, trẻ sẽ bớt đi nhu cầu ở thế giới ảo và thiết bị điện tử không còn là nguy cơ với trẻ", bà Trang nhận định.