Nữ sinh duy nhất lớp Cơ điện tử Bách khoa "về đích" ở vị trí thủ khoa

Hồng Minh

(Dân trí) - Là cô gái duy nhất theo học ngành Cơ điện tử K61 của Viện Cơ khí nhưng với điểm tích lũy 3.61/4, Phương Linh tốt nghiệp sớm ngành Cơ điện tử, là thủ khoa đầu ra của Viện Cơ khí, ĐH Bách khoa Hà Nội.

Những thành tích của Phương Linh:

- Giải Nhì học sinh giỏi Toán tỉnh Phú Thọ

- Là bí thư đoàn của lớp Kỹ thuật Cơ điện tử 02 K61

- Ủy viên ban chuyên môn của Hội sinh viên

- Đội phó đội sinh viên tình nguyện Đồng hương Phú Thọ tại Đại học Bách khoa Hà Nội

Trong hình dung của nhiều người, khối ngành Cơ điện tử của ĐH Bách khoa thường vất vả, nặng cả về lý thuyết và thực hành, thường là lợi thế của các nam sinh. 

Nhưng với Phương Linh, những điều đó hoàn toàn không xảy ra vì nữ sinh xinh đẹp năng động này đã vượt qua các đấng mày râu để có được vị trí thủ khoa tốt nghiệp".

Phương Linh cho hay: "Kết quả này với mình khá bất ngờ. Bởi hết năm 4, mình mới được 3.58 điểm tích lũy (CPA) và không chắc có thể lấy bằng xuất sắc. Khi ấy, mình chỉ nghĩ nếu đạt điểm A hết thì vừa đủ. May mắn là mình đã làm được".

Nữ sinh duy nhất lớp Cơ điện tử Bách khoa về đích ở vị trí thủ khoa - 1

Nguyễn Phương Linh tốt nghiệp sớm ngành Cơ điện tử, là thủ khoa đầu ra của Viện Cơ khí, ĐH Bách khoa Hà Nội.

Chia sẻ về lý do lựa chọn theo đuổi ngành Cơ điện tử, nữ sinh Phú Thọ cho biết thời điểm thi đại học, Linh nhận thấy ĐH Bách khoa Hà Nội có nhiều học bổng hỗ trợ sinh viên học giỏi nên quyết định nộp hồ sơ, với mong muốn giảm bớt gánh nặng học phí cho gia đình.

Với tổng 26,7 điểm khối A, Linh trúng tuyển ngành Cơ điện tử của trường và trở thành nữ sinh duy nhất trong một tập thể lớp toàn các bạn nam.

Nữ sinh duy nhất lớp Cơ điện tử Bách khoa về đích ở vị trí thủ khoa - 2

Nữ sinh có điểm tích lũy 3.61/4, cũng như sở hữu khá nhiều thành tích đáng nể trong học tập

"Nói về việc chọn ngành, cũng rất tình cờ. Khi ấy em băn khoăn giữa hai ngành khá hot là Cơ điện tử và Công nghệ thực phẩm. Một ngành toàn các nam sinh và một ngành toàn nữ sinh.

Em đã chọn cả hai nguyện vọng, và Cơ điện tử đặt trước. Và đó là lý do em trở thành sinh viên nữ của Viện Cơ khí. Thôi thì không học ngành mình thích, thì sẽ thích ngành mình học. Và tình yêu bách khoa của mình bắt đầu như thế", Phương Linh cho biết.

Nữ sinh duy nhất lớp Cơ điện tử Bách khoa về đích ở vị trí thủ khoa - 3

Phương Linh là cô gái duy nhất theo học ngành Cơ điện tử K61 của Viện Cơ khí. Tuy vậy, cô chia sẻ mình không cảm thấy bị "đuối" so với các nam sinh trong lớp

"Mình đã nghe những câu quy chụp kiểu "con gái thì làm sao học được Bách Khoa", "học kĩ thuật vất vả lắm, con gái sẽ thất nghiệp"...

Thực ra em cũng không thể phủ nhận phụ nữ có nhiều thiệt thòi hơn nam giới. Về thể lực, áp lực cuộc sống, định kiến xã hội, sau này khi lập gia đình thì càng thiệt thòi hơn, dẫn đến khó khăn trong việc tìm việc làm.

Bởi vậy, em chấp nhận đánh đổi nhiều hơn, chịu khó học chăm hơn, tích lũy thành tựu trong cuộc sống và học tập để bứt phá hơn các bạn nam. Em cũng may mắn tìm được người bạn đồng hành hiểu mình, cùng chia sẻ để cùng phấn đấu đạt được thành công trong công việc", nữ sinh chia sẻ thêm.

Nữ sinh duy nhất lớp Cơ điện tử Bách khoa về đích ở vị trí thủ khoa - 4

Phương Linh là nữ thủ khoa xinh đẹp, năng động và vui tính

Là cô gái hướng ngoại, Linh dành phần lớn thời gian năm nhất để tham gia hoạt động tình nguyện và trải nghiệm đời sinh viên. Cô đi phượt cùng các bạn trong lớp, hiến máu, cổ vũ bóng đá.

Nữ sinh Phú Thọ này vui vẻ kể lại: "Là nữ sinh duy nhất của lớp cũng rất nhiều điều thú vị. Các bạn trong lớp mình rất vui vẻ, hòa đồng, lại còn rất đẹp trai nữa. Có bạn có những nghiên cứu, sáng chế rất hay, có bạn còn có những bài báo được xuất bản trên tạp chí quốc tế,... mình học hỏi được từ các bạn rất nhiều điều bổ ích.

Tuy vậy, điều "khó khăn" duy nhất là mình không thể trốn học, vì sẽ bị thầy cô phát hiện ngay".

Nữ sinh duy nhất lớp Cơ điện tử Bách khoa về đích ở vị trí thủ khoa - 5

Là cô gái hướng ngoại, Linh dành phần lớn thời gian năm nhất để tham gia hoạt động tình nguyện và trải nghiệm.

Linh dành thời gian của những năm 2, 3, 4 để tập trung vào việc học và giành học bổng của trường. Điều khiến Linh hơi tiếc nuối là vừa đi học, vừa làm thêm nên cô không đủ thời gian tham gia sáng chế, nghiên cứu khoa học nhiều trong thời gian học ở trường.

"Khi học Bách khoa, nhiều người đều đánh giá là khó và nặng, nhất là bên cơ khí. Nhưng trong quá trình học, mình không thấy bị đuối so với các bạn nam. Mình thấy những giờ học trên lớp cần tập trung nghe hiểu lý thuyết và áp dụng vào bài tập luôn, ngoài ra có nhiều môn học còn bố trí những giờ thực hành để trực quan hơn.

Chỉ khi học với máy móc thì sức khỏe của mình kém hơn một chút. Học cơ khí phải thực hành, thực tập liên tục nên nhiều lúc chân tay mình lấm lem hoặc bị thương là điều bình thường", Linh kể.

Nữ sinh duy nhất lớp Cơ điện tử Bách khoa về đích ở vị trí thủ khoa - 6

Nữ sinh cũng chia sẻ cô rất vui khi tốt nghiệp sớm, lại ở vị trí thủ khoa. Cô cũng càng hạnh phúc khi hình ảnh của mình được đăng tải trên các phương tiện truyền thông của trường, và được nhiều bạn bè khen ngợi, ngưỡng mộ.

Trước suy nghĩ con gái học tập, làm công việc liên quan đến kỹ thuật thường khô khan, thiếu nữ tính, Linh lắc đầu. "Mọi người thường nghĩ con gái kỹ thuật phải đứng máy, sửa máy thì rất khô khan.

Nhưng thực ra giờ khoa học kỹ thuật tiến bộ, máy móc cũng tự động hóa rồi, làm kỹ thuật cũng chỉ cần ngồi máy tính, theo dõi và vận hành, điều khiển máy. Mình đi làm vẫn mặc váy điệu đà.

Hơn nữa, mình cảm thấy những sinh viên kĩ thuật như mình thường có tư duy rất logic, giúp áp dụng "nảy số" nhanh vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống hơn chứ không chỉ là chuyên môn", Linh cười nói.

Nữ sinh duy nhất lớp Cơ điện tử Bách khoa về đích ở vị trí thủ khoa - 7

Trong tương lai xa hơn, cô dự định học thêm tiếng Hàn, tập luyện yoga và từng bước xây dựng sự nghiệp

Thời gian tới, Linh hy vọng dịch Covid-19 được kiểm soát để cô và bạn bè có lễ tốt nghiệp đáng nhớ bên người thân, gia đình.

Trong tương lai xa hơn, cô dự định học thêm tiếng Hàn, tập luyện yoga để cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi, tận hưởng khoảng thời gian tuổi trẻ, trải nghiệm nhiều điều hơn trong thanh xuân của mình. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm