Nữ sinh có nên học ngành kỹ thuật?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Các nghề kỹ thuật được xem là lĩnh vực của nam giới vì nhiều kỹ năng cần sức khỏe tốt. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của máy móc, bạn nữ đã có thể theo đuổi nhiều nghề trong nhóm ngành này.

Quan niệm lỗi thời

Qua nhiều năm làm công tác hướng nghiệp, thạc sĩ Võ Công Trí, Giám đốc Truyền thông trường Việt Khoa, nhận thấy có rất nhiều phụ huynh và học sinh hiểu nhầm là con gái không nên học các ngành kỹ thuật, nhóm nghề này chỉ dành cho nam giới bởi công việc nặng nhọc, cần phải có sức khỏe…

Theo ông Trí, trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay thì quan niệm ấy đã lỗi thời vì có rất nhiều ngành kỹ thuật phù hợp với nữ giới như điện, điện tử, tự động hóa… Thậm chí, nhiều ngành ngày xưa cần kỹ thuật viên có sức khỏe thì nay cũng đã có máy móc hỗ trợ để phụ nữ cũng có thể làm.

Hiện nay, tại các xưởng sản xuất ô tô, xưởng sản xuất linh kiện điện tử có rất nhiều nhân viên, tổ trưởng sản xuất, hoặc trưởng chuyền là nữ.

Nữ sinh có nên học ngành kỹ thuật? - 1

Nữ sinh xuất hiện ngày càng nhiều ở các khoa kỹ thuật trường nghề.

Thầy Tôn Ngọc Triều, Trưởng khoa Điện - Điện tử trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức (TDC), nhận định: "Các công việc lao động kỹ thuật hiện nay đều có sự hỗ trợ của các thiết bị máy móc. Do đó, nữ lao động kỹ thuật hiện nay làm tốt như nam, thậm chí tiếp cận công việc còn nhanh hơn nam".

Tại trường TDC, tỷ lệ sinh viên nữ ở khoa Điện - Điện tử là 5%, ở khoa Công nghệ tự động là 2%. Trường Việt Khoa có hơn 45% sinh viên là nữ, trải đều các ngành, kể cả nhóm ngành kỹ thuật.

Dù tỷ lệ nữ trong các ngành kỹ thuật còn ít nhưng điều này cho thấy quan niệm nữ giới không học ngành kỹ thuật đang dần thay đổi, nữ sinh đang bắt đầu theo học các nghề này.

Nữ sinh có nên học ngành kỹ thuật? - 2

Nữ sinh viên khoa Điện - Điện tử trường TDC.

Theo ông Võ Công Trí, trong giai đoạn chọn ngành chọn nghề, điều quan trọng nhất là sở thích cá nhân và năng lực bản thân. Nếu mình yêu thích công việc đó và phù hợp với bản thân thì mạnh dạn lựa chọn.

Ông cho rằng: "Tại sao nhiều bạn nữ lại chọn nhóm ngành kỹ thuật được cho là có ưu thế với nam? Bởi các bạn ý thức được điểm mạnh của mình ở đâu, sở trường của bản thân phù hợp với nghề nào... Bất kể ngành nào, nếu như chúng ta đi với "chúng" bằng đam mê và cố gắng thì chắc chắn đích đến sẽ luôn ở phía trước".

Nữ học kỹ thuật đôi khi là lợi thế

Thầy Nguyễn Minh Chương, Trưởng khoa Công nghệ tự động trường TDC, chia sẻ: "Hiện nay, đối với khối ngành kỹ thuật thì lợi thế giữa nam và nữ không chênh nhau nhiều, thậm chí nữ còn có lợi thế hơn. Bản thân tôi từng đứng lớp dạy nhiều sinh viên nữ, các em học còn giỏi hơn các sinh viên nam".

Theo ông Nguyễn Minh Chương, hiện cơ hội tìm việc làm của các em sinh nữ rất tốt, không có sự phân biệt nam nữ. Thậm chí, các nhà máy sản xuất như Intel, Nidec… ưu tiên tuyển nữ vào các vị trí như quản lý công nhân lắp đặt, kiểm tra chất lượng sản phẩm, nghiên cứu phát triển sản phẩm. Nguyên nhân là vì nữ kỹ thuật viên tỉ mỉ, cẩn thận nên phù hợp với các công việc này.

Ông dẫn chứng một sinh viên khóa 2017 của khoa là em Bùi Thị Huỳnh Trân. Sau khi kết thúc kỳ thực tập, Trân được nhận vào làm việc tại Công ty Cổ Phần Hạo Phương (công ty phân phối các sản phẩm điện, nhà tích hợp hệ thống tự động hóa tại Bình Dương). Sau gần 2 năm làm việc, Trân hiện đang là trưởng nhóm dự án của công ty.

Nữ sinh có nên học ngành kỹ thuật? - 3

Bùi Thị Huỳnh Trân, cựu sinh viên Khoa Công nghệ tự động trường TDC khóa 2017.

Thầy Tôn Ngọc Triều nêu ý kiến: "Nữ sinh học kỹ thuật đang có ưu thế lớn là doanh nghiệp cần cân bằng cơ cấu lao động, ưu tiên tuyển nữ vì tỷ lệ nữ ngành kỹ thuật quá ít. Nữ lao động kỹ thuật có tay nghề cao hiện nay rất "có giá", nhất là trong lĩnh vực Điện - Điện tử - Điện lạnh".

Thầy Nguyễn Minh Chương cũng lưu ý là nữ sinh theo học một số nghề thuộc nhóm ngành này có thể vất vả, hoặc không làm được một số công việc cần khuân vác nặng, leo cao để lắp đặt thiết bị… Đó là hạn chế mà các bạn nữ cần cân nhắc khi chọn nhóm ngành kỹ thuật.

Tuy nhiên, theo Trưởng khoa Công nghệ tự động trường TDC thì ngành nào cũng có khó khăn, thử thách riêng mà người lao động phải đối mặt.

Ông nói: "Không có con đường nào là trải đầy hoa hồng. Nhưng nếu có đam mê, theo nghề vì yêu thích thì không có gì là khó, ngược lại sẽ giúp các bạn giỏi hơn".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm