Nữ kỹ sư trẻ đất Việt “ẵm” 2 bằng sáng chế Mỹ

(Dân trí) - Tốt nghiệp ngành kỹ sư tại Viện Công nghệ Massachusetts danh tiếng thế giới, Cát Thư xuất sắc được nhà trường giữ lại để tiếp tục nghiên cứu về vật lý nguyên tử trong lò thí nghiệm hạt nhân. Ít lâu sau, cô gái Việt vinh dự nhận hai bằng sáng chế Mỹ.

Sáng chế phải gắn với đời sống

Học xong cấp 3 tại trường THPT Chu Văn An - Ninh Thuận, Nguyễn Hữu Cát Thư giành học bổng toàn phần chương trình Tú tài quốc tế (IB) ở trường United World College Costa Rica. Tốt nghiệp IB, cô tiếp tục nhận học bổng toàn phần chuyên ngành Kỹ sư chế tạo của Học viện công nghệ Massachusetts (MIT). Cát Thư vừa được bầu chọn là một trong 30 nhân vật dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nhất Việt Nam theo tạp chí kinh doanh Forbes, với những đóng góp cho ngành khoa học công nghệ.

Niềm đam mê khoa học và thành tích xuất sắc, Thư là một trong 2 sinh viên xuất sắc nhất được giữ lại tham gia điều hành lò nghiên cứu hạt nhân tại MIT - lò hạt nhân lớn thứ hai của Mỹ, sau khi tốt nghiệp MIT.


Nguyễn Hữu Cát Thư - nữ kỹ sư trẻ nắm giữ 2 bằng sáng chế Mỹ.

Nguyễn Hữu Cát Thư - nữ kỹ sư trẻ nắm giữ 2 bằng sáng chế Mỹ.

Trước đây khi còn đi học, Thư đã làm việc part-time một tuần vài tiếng đồng hồ ở đây. Cô gái đam mê năng lượng hạt nhân cho hay, lò hạt nhân ở MIT không sản xuất điện tiêu dùng, nhưng là nơi tập trung rất nhiều nghiên cứu hạt nhân mới trên toàn nước Mỹ.

Những thỏi silicon từ nhiều nơi trên toàn thế giới được gửi đến để phóng xạ và dùng làm vật liệu sản xuất vi điện tử, và những nghiên cứu tại nơi này bao gồm cả nguyên liệu phóng xạ mới, cách thiết kế các nguyên liệu và cấu trúc tản nhiệt, các ứng dụng của phóng xạ vào việc chữa trị ung thư và các bệnh nhiễm xạ…

Thư chọn con đường phát triển công nghệ cho những vùng miền, quốc gia chưa phát triển. Cải tiến máy sấy năng lượng mặt trời ở Ấn Độ, van ngắt nước tự động và ghế ngồi sửa tư thế là 3 sáng chế độc đáo của cô gái 26 tuổi này. Trong đó, phát minh van ngắt nước tự động và ghế ngồi sửa tư thế đã giúp Thư giành 2 bằng sáng chế của nước Mỹ.

Khi còn làm việc trong phòng nghiên cứu của MIT, Cát Thư đã phát triển thành công hệ thống lò sấy sử dụng năng lượng mặt trời cho ngôi làng Avani của Ấn Độ, giúp người dân tận dụng nguồn nhiệt từ mặt trời với giá thành rẻ bằng nửa công nghệ cũ.

Thư cho biết, thử thách về kỹ thuật để tạo ra sản phẩm này không dễ nhưng thử thách lớn hơn đối với cô và mọi người trong những dự án chính là về mặt kinh doanh và người dùng.

“Một sản phẩm ở một ngôi làng nhỏ ở Ấn Độ thì sản phẩm không chỉ cần phải hiệu quả và rẻ, mà còn những vấn đề khác, ví dụ như: nguồn nguyên vật liệu có thể lấy được gần đó hay không? Nếu máy bị hư thì có nguyên vật liệu gần đó để sửa hay không, và những người quanh đó có đủ kỹ năng để sửa hay không?

Trong những ngôi làng nhỏ như thế, cơ sở hạ tầng cho việc vận chuyển từ những địa điểm lớn đến đó rất là giới hạn, nên nếu sáng chế của mình không thể được chế tạo từ vật liệu và con người có sẵn ở đó thì không thể ứng dụng lâu dài được. Đó là chưa nói đến vấn đề về văn hoá - mỗi nơi có một nền văn hoá và phong tục tập quán khác nhau, nếu cách dùng sản phẩm không phù hợp với nền văn hoá thì dù có hiệu quả cũng sẽ có rất ít người dùng”, Thư chia sẻ.

Tốt nghiệp ngành kỹ sư tại Viện Công nghệ Massachusetts danh tiếng thế giới, Cát Thư được nhà trường giữ lại để tiếp tục nghiên cứu.
Tốt nghiệp ngành kỹ sư tại Viện Công nghệ Massachusetts danh tiếng thế giới, Cát Thư được nhà trường giữ lại để tiếp tục nghiên cứu.

Các sản phẩm cho thị trường đã phát triển thì lại đặt ra cho cô các thử thách khác, tập trung hơn về tâm lý và thói quen của người dùng. Nguyên nhân chính mà Cát Thư không tiếp tục  phát triển các sản phẩm van ngắt nước tự động và ghế ngồi sửa tư thế cũng là do ban đầu không tìm hiểu kỹ thị trường của mình, cho dù đã có đầu tư rất nhiều về những yếu tố người dùng khác như trải nghiệm người dùng, khả năng dễ sử dụng... Thư dần nghiệm ra rằng “mọi sáng chế đều phải lấy người dùng làm trọng tâm nếu muốn đưa vào đời sống”.

Nâng cao tư duy công nghệ của người trẻ Việt

Bỏ qua không ít cơ hội ở Mỹ, đầu năm 2014, Thư quyết định quay về Việt Nam với mong muốn tìm cơ hội lập nghiệp và góp sức cho sự phát triển ngành công nghệ nước nhà.

Cô bắt tay thực hiện nhiều dự án sáng tạo ở quê nhà. Hiện, Thư đang là tổng giám đốc một công ty giáo dục nhân sự. Cát Thư mong muốn có thể truyền đạt những kinh nghiệm và kỹ năng của mình cho sinh viên Việt Nam. Nâng cao kỹ năng và tư duy công nghệ cho sinh viên Việt Nam thông qua phương pháp design thinking (tạm dịch: tư duy thiết kế) là dự án mà Nguyễn Hữu Cát Thư đang theo đuổi.

Đặc biệt, Nguyễn Hữu Cát Thư đã liên kết những cựu học sinh của United World Colleges với ý tưởng xây dựng trang tạp chí điện tử Uspire cho học sinh Việt Nam học tại hệ thống trường danh tiếng này với “sứ mệnh" truyền cảm hứng cho các bạn trẻ và khuyến khích sự ham học hỏi về thế giới thông qua những trải nghiệm có thật.


Cát Thư vừa được bầu chọn là một trong 30 nhân vật dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nhất Việt Nam nhờ những đóng góp cho ngành khoa học công nghệ. (ảnh: Forbes)

Cát Thư vừa được bầu chọn là một trong 30 nhân vật dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nhất Việt Nam nhờ những đóng góp cho ngành khoa học công nghệ. (ảnh: Forbes)

Nữ kỹ sư trẻ hiện sống tại TP. Hồ Chí Minh trong khi chồng cô đang ở thành phố Boston, Mỹ. Sau nhiều năm du học trời Tây, Cát Thư chọn những cơ hội và thách thức song hành khi trở về quê hương khởi nghiệp.

“Thuận lợi là kiến thức và kinh nghiệm mà mình đã học được, và khó khăn lớn nhất là về văn hoá. Văn hoá làm việc, văn hoá tiêu dùng, văn hoá giáo dục... ở Việt Nam và Mỹ rất khác nhau, thế nên khi vừa về đến đây thì mình phải tìm hiểu lại những điều này.

Các bạn học sinh đi du học nếu về lập nghiệp ở Việt Nam cũng không nên cho rằng những kinh nghiệm mình quan sát được ở Mỹ đều có thể ứng dụng được ở Việt Nam, mà nên tìm hiểu và kiểm chứng lại. Tốt nhất là nên có người đã học tập và làm viên nhiều năm ở đây hỗ trợ tư vấn cho mình. Nhưng một khi đã vượt qua cái khó khăn đó rồi, thì có rất nhiều thuận lợi từ nền giáo dục và kinh nghiệm của mình học được ở nơi khác và rất nhiều cơ hội trên mảnh đất này”, nữ kỹ sư trẻ khẳng định.

Lệ Thu

(Ảnh: NVCC)