Đắk Lắk:

Nữ giáo viên bị chấm dứt hợp đồng trái pháp luật thắng kiện

Thúy Diễm

(Dân trí) - Một nữ giáo viên tại Đắk Lắk đã khởi kiện về việc bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định pháp luật. UBND huyện và nhà trường bị buộc bồi thường trên 175 triệu đồng cho giáo viên này.

TAND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) vừa tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án "Tranh chấp hợp đồng lao động" giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Bình (33 tuổi, giáo viên trường THCS Ea Kly), bị đơn là trường THCS Ea Kly và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là UBND huyện Krông Pắk.

Nữ giáo viên bị chấm dứt hợp đồng trái pháp luật thắng kiện - 1

Nữ giáo viên khởi kiện vì bị chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định pháp luật (Ảnh minh họa).

Theo nội dung vụ án, vào tháng 6/2012, bà Nguyễn Thị Bình được UBND huyện Krông Pắk ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) trong chỉ tiêu biên chế theo quyết định và nhận công tác tại trường THCS Ea Kly (có ký hợp đồng với nhà trường). Lương xếp vào bậc 1/10, hệ số 2,10.

Từ 7/2012 - 5/2017 các chế độ lương bà Bình vẫn được nhận đầy đủ, kể cả những tháng nghỉ hè và quá trình công tác luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tuy nhiên, vào tháng 6/2017, ông Nguyễn Trung Hiếu - Hiệu trưởng trường THCS Ea Kly (mới chuyển đến công tác) đưa ra lý do ngân sách không đủ cấp phát lương của giáo viên hợp đồng nên cắt lương hè của giáo viên (GV) hợp đồng và chỉ trả 45.000 đồng/tiết (tương đương 1,8 triệu đồng/tháng) nếu không đồng ý nhà trường sẽ không bố trí giảng dạy.

Trước việc mức lương bình quân mỗi tháng khoảng 4,2 triệu đồng/tháng nên bà Bình không đồng tình với cách chi trả lương này. Vì vậy, bà Bình đã phải thôi dạy từ tháng 10/2017 đến nay mà không được nhận lương.

Do đó, bà Bình cũng đã làm đơn kiến nghị đề nghị UBND huyện giải quyết nhưng chưa thấu đáo nên bà đã làm đơn khởi kiện ra tòa án về việc nhà trường đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật với mình.

Hội đồng xét xử TAND huyện Krông Pắk nhận định, đối với HĐLĐ của bà Bình thì UBND huyện là đơn vị tuyển dụng lao động. Qua đó, xác định HĐLĐ giữa bà Bình và trường THCS Ea Kly là hợp đồng xác định không thời hạn. Các bên ký kết và thỏa thuận với nhau là tự nguyện, và không tranh chấp về nội dung hợp đồng. Do đó, HĐLĐ trên là chứng cứ không cần chứng minh và có hiệu lực pháp luật làm phát sinh quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên.

Hội đồng xét xử xét thấy, từ tháng 10/2018 đến ngày xét xử, trường THCS Ea Kly đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật với bà Bình nên trường không đóng bảo hiểm là trái với quy định của Luật lao động. Đồng thời, nhận thấy HĐLĐ ký kết với giáo viên là hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế chờ xét tuyển, nếu trúng tuyển thì tuyển dụng, nếu không trúng tuyển mới chấm dứt hợp đồng. Việc trường THCS Ea Kly đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với bà Bình là trái pháp luật.

Trên cơ sở đó, TAND huyện Krông Pắk chấp nhận một phần đơn khởi kiện của bà Bình, qua đó yêu cầu trường THCS Ea Kly và UBND huyện Krông Pắk có trách nhiệm liên đới bồi thường cho giáo viên này hơn 175 triệu đồng; đóng bảo hiểm cho bà Bình 3 năm (từ tháng 11/2018 đến 11/2021).

Bên cạnh đó, TAND huyện không chấp nhận một phần khởi kiện về việc trường THCS Ea Kly phải nhận bà Bình trở lại làm việc, chi trả tiền chế độ thai sản và nuôi con nhỏ trên 92 triệu đồng.

Được biết, vào ngày 20/12 tới đây, TAND huyện Krông Pắk cũng đưa ra xét xử vụ án "Tranh chấp hợp đồng lao động" giữa nguyên đơn là 5 giáo viên trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Krông Pắk). Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ việc là UBND huyện Krông Pắk.

Như Dân trí đã có loạt tin, bài phản ánh về việc hai đời Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk ồ ạt ký tuyển GV dẫn đến tình trạng dôi dư trầm trọng trên 500 GV. Sau đó, chỉ có 28 người được tuyển dụng, số còn lại trên 500 người đã bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm