Nữ du học sinh Việt làm phát thanh viên tại Đài KBS

(Dân trí) - Sinh năm 1990, Thanh Nga đang làm thạc sĩ năm cuối và công tác tại KBS - đài phát thanh và truyền hình lớn nhất Hàn Quốc, với vai trò cầu nối giữa kiều bào Việt Nam với quê nhà.

Thông tin cá nhân

Họ và tên: Phạm Thanh Nga

Sinh năm: 1990

- Cựu sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh)

- Hiện là nghiên cứu sinh thạc sĩ năm cuối trường Inha, Hàn Quốc.

Thành tích cá nhân và một số hoạt động nổi bật:

- Học bổng trao đổi sang Đại học ngoại ngữ Busan, Hàn Quốc

- Tốt nghiệp Đại học với điểm trung bình GPA: 4,4/4,5

- Học bổng toàn phần tại trường Inha, Hàn Quốc

- Giải ưu tú cuộc thi Hùng biện tiếng Hàn do Hội người Hàn Quốc yêu Việt Nam Vesamo tổ chức.

- Giải ưu tú cuộc thi Nói tiếng Hàn do trường Đại học Ngoại ngữ Busan tổ chức.

- Dạy tiếng Hàn tình nguyện tại Trung tâm hỗ trợ người nước ngoài thành phố Kimhae.

- Tình nguyện viên tư vấn du học tại Viện Giáo dục Quốc tế Hàn Quốc NIIED.

- Thông dịch cho gameshow “The Amazing Race Việt Nam” tại Hàn Quốc

- Phát thanh viên tại Đài phát thanh và truyền hình quốc gia Hàn Quốc, KBS.


Thanh Nga hiện đang làm thạc sĩ tại Hàn Quốc.

Thanh Nga hiện đang làm thạc sĩ tại Hàn Quốc.

“Hạnh phúc do chính mình nắm bắt”

Khi còn là một sinh viên năm 3 ngành Hàn Quốc học, Thanh Nga chỉ mong tốt nghiệp ra trường, tìm một chỗ làm tốt, lập gia đình, ổn định cuộc sống.

Cuộc đời Nga rẽ một bước ngoặt mới khi cô nghe theo bạn bè thử đăng ký học bổng trao đổi du học Hàn Quốc ở trường Đại học ngoại ngữ Busan và không ngờ lại được thật. Vậy là Nga “khăn gói” sang Hàn Quốc.

Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Busan, vì cảm thấy hứng thú với Hàn Quốc và mong muốn được làm cầu nối văn hóa hai nước Việt – Hàn nên cô gái Việt quyết định chọn ngành Giảng dạy tiếng Hàn dành cho người nước ngoài để học Thạc sĩ và tiếp tục nhận được học bổng toàn phần tại trường Đại học Inha (Incheon, Hàn Quốc).

“Duyên do trời định, phận do người tạo, hạnh phúc là do chính mình nắm bắt”, Nga nói tóm gọn về việc cô đến với Đài Phát thanh và truyền hình quốc gia Hàn Quốc – KBS như vậy.

Một ngày nọ, Nga nhận cuộc điện thoại từ một chị khóa trên hỏi rằng có muốn thử sức làm việc trong đài hay không, có một vị trí còn trống ở chuyên mục “Âm nhạc Hàn Quốc – Giai điệu bạn bè”. Cô thấy thú vị liền gật đầu nộp hồ sơ đăng ký.


Thanh Nga và bạn dẫn tại đài KBS

Thanh Nga và bạn dẫn tại đài KBS

Sau khi qua được vòng hồ sơ, Nga phải thử thách phỏng vấn với Ban tiếng Việt của đài; sau đó, được yêu cầu viết thử kịch bản chương trình để thể hiện năng lực viết và dịch thuật, truyền tải thông tin; sau khi bài viết được đánh giá đạt chuẩn thì qua kiểm tra khả năng thu âm.

“May mắn được chọn nhưng công việc lại đầy áp lực, nhiều người đã phải ra đi. Tôi chọn ở lại, đơn giản vì quyết tâm phải trở thành người “sống sót”.

Và cuối cùng, khi tôi đã tìm được cách để thích ứng, vừa thay đổi mình để phù hợp với công việc, vừa thay đổi công việc theo cách của mình, thì tôi đã hoàn toàn hạnh phúc khi được thực hiện công việc của người phát thanh viên, được kết nối chính mình với hàng nghìn người Việt ở Hàn Quốc nói riêng và trên toàn thế giới nói chung”, Nga nói.

Học tập tác phong “kiểu Hàn”

Cô gái Việt phụ trách sản xuất toàn chuyên mục “Âm nhạc Hàn Quốc – Giai điệu bạn bè”, nghĩa là Nga sẽ phải lên kịch bản hàng tuần, tìm kiếm thông tin bài hát mới, top 10 ca khúc trong tuần, tin tức giải trí, dịch tài liệu và biên tập thành một bài hoàn chỉnh, sau đó sẽ thu âm để phát sóng, sau đó tóm tắt lại nội dung đưa lên mục tin tức của website.

Nga cho biết: “Người Hàn Quốc có tính trật tự và tôn ti kỷ luật rất cao, hơn nữa họ còn cầu toàn trong từng chi tiết. Khó khăn lớn nhất là việc phải đảm bảo nội dung trong thời gian gấp gáp, dịch bài phải có độ chính xác tuyệt đối vì đây là Đài phát thanh và truyền hình quốc gia, mọi thông tin đều phải kiểm soát chặt chẽ. Việc các tòa nhà văn phòng còn sáng đèn đến tận đêm hay nhân viên công sở rời nơi làm việc lúc 11, 12 giờ đêm là chuyện bình thường”.


Sở thích của nữ du học sinh 9X là đọc sách, viết lách, xê dịch.

Sở thích của nữ du học sinh 9X là đọc sách, viết lách, xê dịch.

Mức lương ở đài KBS dựa vào số trang bài viết và thời lượng thu âm, nhìn chung có thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nữ du sinh Việt tại Hàn Quốc. Cô cũng tranh thủ làm thông dịch viên cho nhiều dự án hợp tác giữa hai nước Việt – Hàn.

Công việc tại Đài phát thanh truyền hình lớn nhất Hàn Quốc mang lại cho cô gái Việt nhiều kỹ năng, kinh nghiệm và những niềm vui, vốn quý trong cuộc sống ở xứ người.

Сó một ngày, khi đang thu âm cho chương trình thì bất ngờ gặp sự cố nên chúng tôi phải ở lại đài qua 12 giờ đêm để thu lại, ai cũng trở nên mệt mỏi, gắt gỏng. Tôi đứng đó, bật khóc. Đó là những giọt nước mắt sau những ngày dài trầm cảm bởi chuyện tình cảm đổ vỡ, biến cố trong gia đình, chuyện mở nhà hàng, chuyện công việc áp lực mà tôi đã cố nén lại.

Bất ngờ thay, chị Jiny là cấp trên của tôi đã đến bên cạnh tôi, nói với tôi “Nghe thật buồn cười, nhưng em hãy khóc đi. Chị biết mấy tháng trở lại đây em rất khổ sở. Quá nhiều chuyện buồn xảy đến với em, mà em vẫn luôn vui cười như vậy. Chị có cảm giác em không sống thật với cảm xúc bên trong. Đôi khi nhìn em cười mà chị thấy rất buồn”.

Những tưởng chỉ có công việc là thứ gắn kết giữa tôi và chị - hai con người có rào cản sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa, tuổi tác…, vậy mà lúc đó, tôi như cảm giác được tình thân trong cuộc sống đơn độc nơi xa xứ”.


Với trải nghiệm học tập và làm việc tại Hàn Quốc, Nga hy vọng có thể mở một không gian giao lưu văn hoá Hàn Quốc sau khi về Việt Nam.

Với trải nghiệm học tập và làm việc tại Hàn Quốc, Nga hy vọng có thể mở một không gian giao lưu văn hoá Hàn Quốc sau khi về Việt Nam.

Hiện tại, Thanh Nga vừa làm phát thanh viên tại KBS vừa bận rộn với việc công việc của một nghiên cứu sinh thạc sỹ. Cô dự định sau khi tốt nghiệp sẽ xách ba lô lên đường với chuyến hành trình tìm hiểu về 5 tôn giáo lớn là Ấn Độ giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Do Thái và Hồi giáo ở các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Myanmar, Ý và tòa thánh Vatican, Israel và Trung Đông.

Mơ ước của nữ du học này là có thể mở lớp học tình nguyện dạy tiếng Hàn dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam bởi cô biết, tri thức là sức mạnh, và con đường để mở ra cánh cửa tri thức và văn minh bên ngoài, chính là ngoại ngữ.

Lệ Thu

(Ảnh NVCC)