Nữ bí thư đoàn 9X viết chữ đẹp của đồng bào Chứt
(Dân trí) - “Một trong những điều em mong muốn là vận động các bạn trẻ thay đổi về tập quán hôn nhân cận huyết”, đó là tâm nguyện của nữ bí thư 9x Hồ Thị Duyên - Bí thư chi đoàn, Chi hội trưởng Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) bản Rào Tre.
Sinh ra trong một gia đình người dân tộc Chứt tại bản Rào Tre, đông con, hoàn cảnh khó khăn, ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Từ nhỏ, Hồ Thị Duyên (Sn 1995) đã chăm chỉ học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, tích cực tham gia phong trào đoàn, đội trong nhà trường và thôn, xã, lại chịu khó làm lụng việc nhà đỡ đần gia đình.
Là một trong số ít thanh niên tại bản Rào Tre có ý thức học tập từ nhỏ, nhiều năm học ở trường Dân tộc nội trú, Duyên liên tục đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Nhiều bạn trong lớp còn trầm trồ bởi Duyên viết chữ rất đẹp.
Do hoàn cảnh gia đình, học hết lớp 9, Duyên phải nghỉ học, ở nhà làm lụng đỡ đần gia đình.
Tuy vậy em vẫn tích cực tham gia phong trào đoàn thanh niên. Năm 2011, Duyên được tín nhiệm bầu làm bí thư Đoàn, Chi hội trưởng Hội LHTN bản Rào Tre. Với cương vị đầy tự hào song cũng nhiều khó khăn, thử thách, đòi hỏi tinh thần, trách nhiệm, quyết tâm cao, trình độ, năng lực để “chèo lái” đưa chi đoàn tại bản có nhiều khởi sắc.
Để tạo niềm tin với tuổi trẻ trong bản, bản thân Duyên và gia đình luôn gương mẫu đi đầu thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy ước, hương ước thôn bản nơi cư trú, hàng năm, gia đình đạt văn hoá.
Mẹ Duyên là bà Hồ Thị Nam, là một trong những Đảng viên hiếm hoi của đồng bào dân tộc Chứt. Được sự tín nhiệm của bà con, của bộ đội Biên phòng, mẹ Duyên vừa được bầu làm trưởng bản.
Bản Rào Tre là vùng đồng bào dân tộc Chứt, đại bộ phận đồng bào và tầng lớp thanh niên làm nghề nông, đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Với đặc thù 100% đoàn viên là người dân tộc, việc tập hợp thanh niên ở bản Rào Tre gặp không ít khó khăn.
“Hiện nay, toàn bản chỉ có 18 thanh niên, trong đó nam có 11, nữ chỉ có 7 thôi. Tuy ít nhưng việc tập hợp thanh niên ở bản trong các buổi sinh hoạt rất khó. Lúc đầu đến tận nhà cũng không ai đi đâu. Muốn tuyên truyền hay vận động các đường lối của Đảng, của nhà nước khó lắm”, Duyên kể.
Không ngại khó, Duyên lên kế hoạch phối hợp cùng với bộ đội biên phòng cắm bản, phối hợp với các chi đoàn bạn để tạo sự đoàn kết, rút ngắn khoảng cách giữa thanh niên dân tộc và thanh niên người Kinh.
Trong 3 năm làm bí thư, Duyên còn là tấm gương trong hoạt động hiến máu cứu người, với 3 lần hiến máu tình nguyện và kêu gọi 8 thanh niên trong bản tham gia hoạt động này.
Với những cố gắng của bản thân, năm 2014, Duyên là 1 trong 3 thanh niên tiêu biểu của toàn huyện được tham dự Đại hội Hội Liên hiệp thanh niên toàn tỉnh.
“Nếu có cơ hội, em vẫn muốn sẽ tiếp tục đi học rồi được tham quan nhiều cơ sở đoàn khác để học hỏi nhất là các mô hình kinh tế để giúp bà con bản thoát nghèo. Nhưng điều em trăn trở nhất là làm sao để thay đổi được nhận thức của thanh niên trong bản về hôn nhân cận huyết”, Duyên tâm sự.
Từ bao đời, cậu chuyện buồn mang tên hôn nhân cận huyết vẫn dai dẵng trong đời sống đồng bào dân tộc Chứt tại bản Rào Tre. Chuyện 2 anh em ruột trở thành thông gia chẳng còn xa lạ. Thế hệ này, tiếp nối thế hệ kia, những đứa trẻ mang trong mình những gen không lành lặn về thể chất. Được đi học, tham gia nhiều chương trình của Đoàn, và tận mắt chứng kiến nên Duyên hiểu được hậu quả để lại của việc hôn nhân cận huyết.
Trăn trở của Duyên cũng là nỗi lo, niềm mong mỏi của nhiều cấp ngành. Nhưng để thay đổi thói quen ăn mòn trong tiềm thức của người dân bản Rào Tre không hề đơn giản…
Phượng Vũ