1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

“Nóng” gian lận thi cử: Lãnh đạo ngành giáo dục nên đứng ra xin lỗi nhân dân!

(Dân trí) - Bức xúc gian lận cử đang nóng trên các mặt báo và dư luận xã hội, GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, lãnh đạo ngành giáo dục từ trung ương đến địa phương có gian lận nên đứng ra xin lỗi nhân dân may ra mới “hạ hỏa” được.

Sức nóng về gian lận nâng điểm thi ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang đang bị xã hội lên án mạnh mẽ khi lộ ra số điểm thí sinh được nâng khống từ 0 lên 9 điểm, lộ ra đó là con nhiều quan chức lãnh đạo.

Để giảm nhiệt sức nóng này, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, lãnh đạo ngành giáo dục từ trung ương đến địa phương có gian lận nên đứng ra xin lỗi nhân dân may ra mới “hạ hỏa” được.

“Nóng” gian lận thi cử: Lãnh đạo ngành giáo dục nên đứng ra xin lỗi nhân dân! - 1

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam (Ảnh: Văn Điệp - TTXVN)

Ngành giáo dục nên xem lại mình

Phóng viên: Thưa GS, hiện nay, danh tính phụ huynh có con được sửa, nâng điểm thi trong vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia khủng khiếp năm 2018 đang dần lộ diện trên báo chí khiến dư luận xã hội bất bình, bởi có rất nhiều người đang là lãnh đạo, quan chức ở các ngành giáo dục, công an, thuế, tỉnh ủy, thành phố… Vậy theo ông, những cán bộ liên quan này có bị xử lý không?

GS Phạm Tất Dong:  Gian lận thi cử là một dạng tham nhũng. Theo tôi phải kỷ luật hết, không bỏ qua ai. Nếu tha thì xã hội không yên và sẽ có người tiếp tục gian lận.

Gian lận này không phải vùng cấm. Trong đấu tranh tiêu cực nếu có vùng cấm là hỏng. Bất cứ ai liên quan tới gian lận thi đều phải công khai danh tính rõ ràng.

Theo tôi, trong vụ mua - bán điểm thi này, tội lớn nhất là phụ huynh. Bởi vì nhiều bố mẹ biết con học dốt, họ lẳng lặng, ngấm ngầm mua điểm; người con đó đi thi chưa chắc đã biết bố mẹ làm như vậy, nhưng thấy điểm mình cao vọt lên so với năng lực sẽ biết bố mẹ giúp đỡ thì lại im lặng. Như vậy là tòng phạm với bố mẹ vì các em đã 18 tuổi.

Tôi thấy, mấy năm nay, năm nào thi cử cũng có chuyện nhưng năm 2018 đã “đẻ” ra chuyện gian lận to quá. Tôi nghĩ các tỉnh khác chưa phanh phui ra, nếu điều tra chắc sẽ có nhưng công an làm đến đâu thì truy tố đến đó.

Để xảy ra việc này, ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm bởi không phải do một số tiêu cực xã hội làm lũng đoạn giáo dục.  Nếu ngành giáo dục tốt thì tiêu cực không thể xâm phạm. Giáo dục không thể trách xã hội bên ngoài mà hãy xem lại chính mình.

Phóng viên: Vậy ngành giáo dục phải thay đổi như thế nào để khắc phục những gian lận, những tiêu cực trong nhà trường, học sinh hiện nay thưa GS?

Tôi nghĩ những năm tới, giáo dục có đổi mới gì thì đổi mới nhưng trước hết là phải nghiêm túc xem lại giáo dục đạo đức cho giáo viên, cán bộ quản lý và cho học sinh.

Hiện tượng khác như học sinh đánh nhau, xâm hại tình dục, đánh học sinh… đã gây bức xúc xã hội nhưng những bức xúc ấy không bằng gian lận thi cử.

Chính gian lận thi cử làm hàng trăm thí sinh giỏi bị mất chỗ vào đại học mà họ yêu thích; tạo ra sự mất công bằng và làm cho chính sách tài năng của đất nước bị méo mó. Thất thoát tài năng như vậy là không được.

Ví dụ, như báo chí đã phản ánh trường hợp một Thủ khoa tốt nghiệp trường ĐH Sư phạm đã gửi thư cầu cứu Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh mong muốn được đi dạy. Trong khi đó, chính con Bí thư này lại được nâng điểm.

Tôi nghĩ kỳ thi 2019 chưa chắc đã yên ổn. Nếu Bộ GD&ĐT cứ tiếp tục tổ chức thi như hiện nay thì thủ đoạn gian lận sẽ tinh vi hơn, họ làm rất cả vì tiền.

Ngành giáo dục không nên chủ quan, như Marx đã nói: “lãi suất 300% thì giới tư bản dám cho đầu vào giá treo cổ”.

“Nóng” gian lận thi cử: Lãnh đạo ngành giáo dục nên đứng ra xin lỗi nhân dân! - 2

Cán bộ ngành giáo dục bị bắt vì tham gia sửa, nâng điểm cho thí sinh

Giáo dục tốt, nghiêm minh sẽ xóa đi nhiều tiêu cực

Phóng viên: Gian lận thi cử như giọt nước tràn ly đã làm thêm nhiều người mất niềm tin vào giáo dục, vào thi cử. Theo GS, ngành giáo dục phải  làm gì để lấy lại niềm tin trong xã hội?

GS Phạm Tất Dong: Trước hết, những người lãnh đạo ngành giáo dục, từ trung ương đến địa phương mà nhất là những tỉnh có gian lận điểm thi phải đứng ra xin lỗi nhân dân vì đây là lỗi của ngành giáo dục.

Nếu ngành giáo dục đứng ra xin lỗi, sức nóng bức xúc về gian lận thi cử hiện nay mới hạ được.

Thậm chí, cán bộ có liên quan gian lận này có thể thẳng thắn xin từ chức, lúc đó dư luận mới yên. Còn xin lỗi xong đâu lại vào đó thì người ta không tin nữa.

Hiện nay, có một thực trạng, nhiều quan chức cho con đi học ở nước ngoài. Đấy chính là họ không tin vào giáo dục Việt Nam. Còn một số quan chức khác không cho con đi học nước ngoài nhưng mua điểm để chọn cho con trường ĐH tốt nhất, như vậy đã loại trừ con nhà nghèo học giỏi ra khỏi ghế đại học. Cho nên dân rất bức xúc là đúng.

Ông nghĩ sao khi nhiều phụ huynh là lãnh đạo quan chức trong ngành giáo dục, công an, cán bộ tỉnh… biết nhờ vả, mua điểm thi là vi phạm pháp luật nhưng họ lại bất chấp cứ làm?

Đó là do cán bộ suy thoái. Nếu không suy thoái đạo đức thì sẽ không làm như vậy.

Công tác cán bộ hiện nay trong ngành giáo dục phải nghiêm khắc. Ngành giáo dục phải làm lại quy định về đạo đức nhà giáo, phải làm lại quy định bạo lực học đường, phải làm lại giáo dục nhân cách cho học sinh… nếu giáo dục tốt, nghiêm minh sẽ xóa đi rất nhiều tiêu cực.

Xin trân trọng cám ơn giáo sư!

Hồng Hạnh