Nóng bỏng góp ý cho Dự thảo dạy thêm, học thêm

(Dân trí) - Có lẽ lâu lắm rồi <a href="http://diendan.edu.net.vn/forums/208/ShowForum.aspx">Diễn đàn Giáo dục</a> của Bộ GD-ĐT mới lại sôi nổi đến thế. Quyền lợi của giáo viên, học sinh và những quan điểm của phụ huynh đang được dần bộc bạch qua sự kiện Dự thảo dạy thêm, dọc thêm được đưa lên mạng để lấy ý kiến toàn dân.

Dư luận, báo chí từng lên án rất gay gắt các hiện tượng giáo viên cắt xén chương trình để đẩy học sinh đến với lớp học thêm. Nhưng trên thực tế, nhiều học sinh tự thấy kiến thức của mình chưa bắt kịp với bài giảng trên lớp nên đã đến các lớp học thêm nhằm nâng cao, bổ sung kiến thức thiếu hụt.

 

Như vậy, việc học thêm cũng xuất phát từ nhu cầu xã hội, việc bản dự thảo đưa ra những điều cấm về việc dạy thêm học thêm đang được thành viên diễn đàn giáo dục bàn luận khá gay gắt.

 

Với đề tựa bài viết “Cấm làm nghề lương thiện, thành viên có nick name Hebuon phân tích:

 

Tất cả các ngành nghề khác trong xã hội đều được làm thêm, nhưng riêng ngành giáo dục thì lại bị "cấm". "Cấm" làm thêm bằng chính nghề nghiệp được đào tạo. Không biết Bộ GD-ĐT  khi ban hành Văn bản này thì có vi phạm Bộ Luật Lao động không? 

 

Là giáo viên làm việc thêm ngoài giờ, chúng tôi cũng phải bỏ sức lực mới kiếm được những đồng tiền hỗ trợ cho đồng lương giáo viên, phụ thêm cho việc học nâng cao trình độ, giúp đỡ cho cuộc sống gia đình được ổn định”.

 

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến lại cho rằng nên cấm dạy thêm học thêm vì việc học thêm là do đa phần giáo viên chưa làm tròn trách nhiệm nên đẩy học sinh bắt buộc phải đến với lớp học ngoài giờ. Đáng chú ý là phân tích khá sâu sắc của nick name quyenssp:

 

Chúng ta không nên đánh giá động cơ của giáo viên dạy thêm là vì thương mại hoá giáo dục nhưng phải nhìn nhận thực trạng theo đúng hiện trạng. Thực tế có một số bộ phận giáo viên cắt giảm bài giảng trong giờ chính khoá để tuyền đạt trong dạy thêm là có. Bất công trong đối xử thiếu bình đẳng giữa học sinh có học thêm và không học thêm là có. Bất công khi đánh giá kiến thức qua điểm thi khi hai học sinh thông minh ngang nhau nhưng học sinh nhà giàu có tiền học thêm nhiều hơn. Bất công trong thu nhập giữa giáo viên biết vun vén cho mình và những giáo viên tâm huyết với nghề nghiệp...


Nhưng bên cạnh đó, bản thân học sinh cũng không đủ can đảm tự rút tên mình ra khỏi danh sách lớp học thêm do chính thầy giáo của mình tổ chức. Nhiều bậc phụ huynh nhận thức không đầy đủ nên đã đố kỵ trong cuộc sống, không sợ con mình dốt nhưng rất sợ con mình thua bè kém bạn, vừa động viên vừa bắt ép cho học thêm đủ thứ lớp bất kể thới gian. Thực trạng này phán ánh cái mà người ta gọi là “nhu cầu chính đáng của phụ huynh học sinh” về vấn đề dạy thêm học thêm…

 

Một số ý kiến còn đưa ra luận điểm là do hiện tượng kiến thức trong sách giáo khoa quá tải nên giáo viên và học sinh phải chạy đua với số lượng kiến thức khổng lồ bằng cách dạy thêm học thêm như thành viên có nick name Chutrongthu đưa ra:

 

Sách giáo khoa quá nặng nên việc cả thầy lẫn trò suốt ngày đánh vật với chương trình nhưng vẫn không xong, hiệu quả chẳng bằng ai và cuối cùng cái hậu quả tất yếu phải xảy ra là thầy thầy dạy thêm, trò trò học thêm”.

 

Ngoài những ý kiến góp ý, tranh luận xem nên cấm hay không nên cấm dạy thêm học thêm, rất nhiều thành viên đã đi sâu vào phân tích, đóng góp các ý kiến cho các điều khoản để Dự thảo hoàn thiện hơn. Trong đó đáng chú ý thành viên có nick name giaovien2003 với những phân tích khá chi tiết xung quanh những quy định về dạy thêm học thêm. Dưới đây là một số luận điểm của giaovien2003 đưa ra:

 

Theo điều 2.2: “Việc dạy thêm của tổ chức hoặc cá nhân chỉ được thực hiện sau khi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép”.

 

Thành viên này cho rằng: Tổ chức đã có phép dạy học thì đâu cần có thêm một “giấy phép con”. Tổ chức chưa có phép dạy học thì phải xin phép theo pháp luật hiện hành chứ sao lại phải theo quy định này?

 

Theo điều 3.2 : “Không tổ chức dạy thêm học thêm cho học sinh tiểu học, trừ các trường hợp trông nom học sinh ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình, phụ đạo học sinh học lực kém…”

 

Thứ nhất, làm sao để phân biệt một giáo viên đang trông nom học sinh và một giáo viên đang dạy thêm? Chỉ trông nom ngoài giờ học thì có cần phải xin phép không? Thế nào là học sinh học lực kém? Học sinh giỏi ở trường, lớp này có thể là kém ở trường lớp khác và ngược lại.

 

Thứ hai, trình độ học sinh ở mỗi địa phương có khác nhau vậy thì khi một học sinh tiểu học từ địa phương này chuyển qua địa phương khác cần bồi dưỡng trình độ để theo kịp bạn bè thì sẽ theo học ở đâu? Hay phụ huynh phải tự lo liệu?

 

Tại điều 2.1: “Người dạy thêm phải tôn trọng sự tự nguyện của người học…”  và điều 3.4 “Giáo viên không được ép buộc học sinh học thêm để thu tiền”

 

Thứ nhất, nội dung hai điều này trùng nhau. Không thể có “tự nguyện” mà “bị ép buộc” được.

 

Thứ hai, phụ huynh tự nguyện gửi con đến học thì có phải tôn trọng và dạy không?

 

Điều 3.1: “Nhà trường không được tổ chức dạy thêm học thêm cho những học sinh học 2 buổi/ngày, kể cả ôn thi tốt nghiệp hoặc thi chuyển cấp”.

 

Bộ GD-ĐT có chắc rằng HS lớp 12, đã học 2 buổi/ngày, sẽ an tâm đi thi vào ĐH và sẽ có kết quả tốt không? Cũng tương tự với HS lớp 9 phải thi chuyển cấp? Điều này chỉ thực hiện được khi trình độ của mọi học sinh đều bằng nhau trên toàn quốc do có được từ trình độ quản lý của các cấp giáo dục và tay nghề của giáo viên  mọi nơi đều như nhau. Đây là điều không tưởng...

 

Ví dụ: HS lớp 12 ở miền núi, tỉnh Cao Bằng chẳng hạn, sẽ khác với HS lớp 12 tại Hà Nội. Nếu cả hai cùng thi vào một trường ĐH, việc không cho dạy thêm học thêm đồng nghĩa với việc gạt ra ngoài một trong hai HS này trước ngày thi.

 

Điều 3.3: “Giáo viên không được dạy trước tiến độ quy định của phân phối chương trình…”

 

Phân phối chương trình hiện nay không có quy định đến từng tiết học mà chỉ quy định theo từng bài, mỗi bài, tùy theo môn, có thể từ 2 đến 6 tiết. Quy chế nhà trường phổ thông cho phép giáo viên dạy sớm hay chậm một tuần lễ. Như vậy “trước tiến độ” hiểu theo nghĩa của dự thảo này là như thế nào? Bao nhiêu lâu thì được hiểu là “trước tiến độ”?

 

Điều 5.1: “Tổ chức, cá nhân xin mở lớp dạy thêm phải có đội ngũ giáo viên đạt trình độ đào tạo từ chuẩn trở lên…”

 

Tổ chức đứng ra mở lớp, mở trường dạy phải nộp hồ sơ theo quy định. Do đó, trình độ giáo viên đúng chuẩn đối với họ là điều đương nhiên. Đối với cá nhân thì là một vấn đề khác. Dạy thêm là một quan hệ giữa cá nhân với cá nhân. Quan hệ này không bị luật pháp ngăn cấm.

 

Một giáo viên có tay nghề, sau giờ dạy ngồi vào máy may quần áo cho người khác không bị cấm, không bị buộc phải xin phép thì không thể đòi hỏi phải cho phép hay cấp phép một giáo viên có kiến thức dạy thêm sau giờ làm việc được. Lệnh cấm này, nếu có, phải do Quốc Hội ban hành chứ không phải do Bộ GD-ĐT.

 

 Xin hỏi có gì khác biệt giữa một bác sĩ khám ngoài giờ và một nhà giáo dạy thêm ngoài giờ? Có gì khác biệt giữa một giáo viên chạy xe ôm sau giờ dạy và một giáo viên dạy thêm sau giờ chính khóa? Giáo viên chạy xe ôm không cần xin phép thì sao một giáo viên dạy thêm lại phải xin phép?...

 

***

Chỉ sau 5 ngày đăng tải Dự thảo về Quy chế Dạy thêm Học thêm để lấy ý kiến góp ý của toàn dân, Diễn đàn Giáo dục (www.edu.net.vn) đã nhận được hàng nghìn ý kiến đóng góp. Đây là một cơ sở để Bộ có thể nhìn nhận vấn đề dạy thêm học thêm một cách khách quan và đưa ra những quy định chuẩn mực hợp tình hợp lý.

 

P.V