Nỗi trăn trở của một Nhà giáo Nhân dân
(Dân trí) - Trong nhiều năm qua, GS.TSKH, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Mậu Bành, hiện là Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam luôn trăn trở, đau đáu với vấn đề phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo.
Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Mậu Bành cho rằng, chế độ chính sách đối với nhà giáo (NG) và cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) chưa tương xứng với loại hình lao động mang tính đặc thù cao trong xã hội, chưa làm bộc lộ đặc tính của phụ cấp thâm niên trong ngành giáo dục là: Khuyến khích người giỏi vào ngành sư phạm; Khuyến khích NG và CBQLGD không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức lối sống, lương tâm nghề nghiệp, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; Khuyến khích tình nguyện phục vụ lâu dài trong ngành giáo dục (thầy già); Khuyến khích sự tận tâm hết lòng vì thế hệ trẻ...
Một trong những nguyên nhân, những hạn chế bất cấp của ngành giáo dục hiện nay như số lượng giáo viên thiếu, kỹ năng sư phạm một bộ phận NG còn yếu, năng lực một bộ phận CBQLGD còn bất cập… là tiền lương và các chế độ chính sách có liên quan chưa đủ tạo được động lực để đội ngũ NG và CBQLGD chuyên tâm với nghề nghiệp, phải làm thêm để tăng thu nhập, ít dành thời gian tự học, nghiên cứu khoa học, chưa chuyên tâm tập trung đúng mức cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy và quản lý giáo dục.
Quốc hội đã ra Nghị quyết số 35/2009/QH 12 ngày 19/6/2009 trong đó quy định “thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với NG và CBQLGD”.
Luật giáo dục (sửa đổi bổ sung năm 2009), quy định tại khoản 26 Điều 1 Nhà giáo được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các khoản phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2010.
Quyết định số 2010/QĐ-TTg ngày 3/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chi tiết thi hành Nghị quyết số 35/2009/QH 12 của Quốc hội, đã giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định về chế độ phụ cấp thâm niên đối với NG.
Dự thảo Nghị định của Bộ GD-ĐT đã trình Chính phủ đưa đối tượng thụ hưởng chế độ thâm niên bao gồm: NG đương chức làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các học viện, trường, trung tâm thuộc cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. NG làm CBQLGD tại phòng, ban chuyên môn nghiệp vụ ở các cơ sở giáo dục công lập và làm công tác quản lý, tham mưu, chỉ đạo về giáo dục, dạy nghề ở cơ quan trung ương và địa phương. NG đã nghỉ hưu sau ngày 31/3/1993. Các đối tượng quy định như trên phải có thời gian làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập đủ 5 năm trở lên.
Dự thảo được công bố đã nhận được sự đồng tình và nhất trí cao về nội dung và đối tượng được điều chỉnh của Nghị định của các NG, CBQLGD.
Tuy nhiên, GS Nguyễn Mậu Bành buồn bã cho biết, một số cơ quan Bộ, ngành, lại không đồng tình. Có Bộ, ngành nêu ý kiến thẩm định: Cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Nghị định nhưng lại kiến nghị loại bỏ 2 trong 3 đối tượng thụ hưởng trong dự thảo, đó là đội ngũ CBQLGD và NG đã về hưu; Có Bộ, ngành nêu ý kiến CBQLGD không được phụ cấp thâm niên; Có Bộ, ngành nêu ý kiến NG đã nghỉ hưu không được phụ cấp thâm niên với lý do phụ cấp thâm niên nghề nhằm khuyến khích NG yên tâm giảng dạy, phục vụ sự nghiệp giáo dục, không quy định chế độ phụ cấp thâm niên đối với các NG đã nghỉ hưu.
Như vậy nếu chấp nhận ý kiến của một số Bộ, ngành thì có một nghịch lý: các NG đã nghỉ hưu từ 31/3/1993 trở về sau, tuy đã có thời gian đóng BHXH từ phụ cấp thâm niên kể từ khi làm NG đến ngày 31/3/1993, khi nghỉ hưu lại không được tính hưởng phụ cấp thâm niên trong lương hưu, vừa không đúng theo quy định của Điều 5 Luật bảo hiểm xã hội vừa có sự không hợp lý là các NG nghỉ hưu từ ngày 31/3/1993 trở về trước được tính hưởng phụ cấp thâm niên còn NG nghỉ hưu sau ngày 31/3/1993 cho đến trước ngày Nghị định (dự thảo) có hiệu lực lại không được tính hưởng phụ cấp thâm niên trong lương hưu (tất nhiên các NG sẽ nghỉ hưu sau ngày Nghị định có hiệu lực được tính hưởng phục cấp trong lương hưu).
GS Nguyễn Mậu Bành thốt lên: “Thật oái ăm, bảy nổi ba chìm những đồng phụ cấp thâm niên cho NG và CBQLGD qua 20 năm đổi thay”.
Hồng Hạnh