Nỗi sợ hãi của giáo viên khi vận động phụ huynh xã hội hóa
(Dân trí) - Đầu năm học, các phụ huynh "sôi sùng sục" trước các khoản đóng góp ở trường thì các giáo viên chủ nhiệm lớp cũng chất chứa lắm nỗi niềm. Thay vì tập trung cho chuyên môn, họ phải gánh thêm nhiệm vụ “vận động” phụ huynh đóng góp cho trường.
Tôi có một cô bạn, dạy ở trường mầm non của xã. Cô bảo, cứ đầu năm họp phụ huynh là thấy sợ. Năm nay, nỗi sợ hãi lại tăng lên. Hỏi sợ gì? Bảo, sợ vận động. Số là các năm trước, nhà trường tổ chức họp phụ huynh tập trung, thông qua các khoản đóng góp, tất nhiên có cả khoản xã hội hóa. Họp tập trung xong, về từng lớp họp riêng, giáo viên chủ nhiệm chỉ cần thông tin lại nếu phụ huynh có thắc mắc cần giải đáp.
“Năm nay sợ phụ huynh phản ứng với khoản xã hội hóa nên nhà trường không tổ chức họp chung mà yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phổ biến trong cuộc họp riêng của mỗi lớp. Mang tiếng là xã hội hóa nhưng ban giám hiệu “khoán” mức vận động tối thiểu là 500 nghìn/phụ huynh. Mà phụ huynh nông thôn thì giàu có gì cho cam, đầu năm lại bao nhiêu khoản đóng góp. Không vận động thì không hoàn thành chỉ tiêu, mà vận động thì tội phụ huynh quá”, cô bạn tâm sự.
Cô bạn tôi thực hiện đúng tinh thần vận động, nghĩa là phụ huynh đóng góp được bao nhiêu thì tùy khả năng. Nhìn bảng danh sách đăng kí xã hội hóa, vị hiệu phó rõ ràng là không vui bởi quá ít so với mục tiêu đề ra. Cũng chẳng thể vì chuyện này mà rầy la hay khiển trách giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ nhưng rõ ràng thái độ thì không được hài lòng, vui vẻ gì cho lắm.
“Sếp cũng có thái độ không được dễ chịu với mình lắm nhưng biết làm sao được. “Ép” phụ huynh đóng nhiều mình cũng không đành”, cô bạn bộc bạch.
Một anh bạn tôi, trước công tác ở huyện miền núi. Ở miền núi, may mắn là không có các khoản “xã hội hóa” nên họp phụ huynh đầu năm thầy cũng nhẹ tênh, chỉ thông báo các khoản đóng góp theo quy định của Nhà nước. Sau gần chục năm đóng góp cho sự nghiệp giáo dục vùng cao, anh được chuyển công tác về xuôi.
Ngay trước cuộc họp phụ huynh đầu năm, thầy Hiệu trưởng đã gọi vào phòng “tâm sự” rồi giao trách nhiệm vận động xã hội hóa. Mức đóng góp xã hội hóa tối thiểu là 300 nghìn đồng. Anh bạn tôi khá “choáng” trước nhiệm vụ mới của mình nhưng không thực hiện thì không được. Thầy hiệu trưởng bảo khoản đóng góp xã hội hóa là nguồn kinh phí để sữa chữa, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất trường lớp.
Mới chân ướt chân ráo về trường mà “nhiệm vụ” hiệu trưởng giao không hoàn thành cũng khó ăn khó nói. Lần đầu tiên đứng trước phụ huynh để “vận động”, anh cảm thấy da mặt mình hình như chuyển sang màu đỏ, lưỡi như đeo đá, không tài nào mà cất tiếng được. Dĩ diên, nhiệm vụ không hoàn thảnh, thầy hiệu trưởng cũng chẳng thể trách cứ được nhưng rõ ràng cũng kém hồ hởi hơn.
“5 năm rồi, cũng quen dần với “nhiệm vụ” của một giáo viên chủ nhiệm dịp đầu năm rồi nhưng chưa bao giờ cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm trong lòng cả”, anh chia sẻ.
Không phải “vật lộn” với nhiệm vụ như giáo viên ở vùng nông thôn hay các trường khó khăn nhưng giáo viên ở các trường có phụ huynh có điều kiện cũng có nỗi niềm chẳng giống ai. Nhu cầu sửa chữa, xây dựng cơ sở vật chất không phải là không có nhưng ban giám hiệu một trường tiểu học ở TP Vinh (Nghệ An) quán triệt các giáo viên không được tham gia vào việc vận động xã hội hóa. Nhiệm vụ này là của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Thế nhưng, giáo viên chủ nhiệm cũng không thể để mặc cho Ban đại diện cha mẹ học sinh trong vấn đề thu chi xã hội hóa, nhất là khi các phụ huynh hầu hết là người có tiền.
Phụ huynh có tiền, đương nhiên cũng muốn con em mình có điều kiện học tập tốt nhất. Bởi vậy, vào cuộc họp đầu năm học, từ các quạt, cái rèm cửa cho đến điều hòa, bình lọc nước, phụ huynh đều muốn “đồng bộ” cho đầy đủ như ở nhà, rồi làm mái che sân chơi… Mà công cuộc đóng góp này lại vô tình trở thành một cuộc đua ngấm ngầm giữa các phụ huynh “đại gia”, ai cũng muốn mình trở thành “mạnh thường quân”, đóng góp nhiều hơn…
“Phụ huynh nằng nặc đề nghị lắp điều hòa, thậm chí một số phụ huynh còn đề nghị họ sẽ lo hết chi phí từ mua điều hòa đến lắp đặt vì sợ mùa hè các con phải chịu nóng. Mình thì nghĩ điều đó không thực sự cần thiết bởi nhiệt độ trong lớp chênh lệch với nhiệt độ ngoài trời quá cao chưa hẳn là tốt cho sức khỏe của các cháu. Hơn nữa lo ngại một vài phụ huynh đứng ra "gánh hết” sẽ tạo ra sự e ngại hoặc phân chia giàu nghèo ngay chính các em học sinh trong lớp nên phải từ chối các phụ huynh”, một giáo viên của trường tâm sự về cái nỗi khổ tâm chẳng giống ai của mình.
Thế mới biết, đầu năm học mới, đâu chỉ có phụ huynh mới khốn khổ với các khoản thu có tên “xã hội hóa”!.
Hoàng Lam
(hoanghonglam@dantri.com.vn)