Nỗi niềm trường “phố”

Hoàn Kiếm được xem là một trong bốn quận “lõi” của Thủ đô, sống ở khu vực này mới được gọi là “dân phố”. Tuy nhiên, để được là cư dân của phố, nhiều người phải chịu một số bất tiện, trong đó có việc học hành của con em mình.

Nhan nhản điểm lẻ

 
Trên mặt phố Lý Thường Kiệt, phòng trong của nhà số 62 là một gian nhà sạch sẽ, nền trải thảm xốp ấm áp, được trang trí sặc sỡ. Đây là lớp mẫu giáo bé của Trường Mầm non Sao Mai.
 
Nằm sâu hơn trong ngõ 62 Lý Thường Kiệt, Trường Mầm non Sao Mai còn có một mặt bằng khoảng hơn 20m2 được chồng lên hai tầng, tầng trên là văn phòng nhà trường, tầng dưới là bếp.
 
Nỗi niềm trường “phố”
Trường THCS Lê Lợi lọt thỏm trong khu chợ đầu mối bán buôn khổng lồ của Thủ đô nên nhiều phụ huynh không muốn cho con vào học. (Ảnh:Quý Hiên)
 
Trường có 4 lớp, nhưng học tại 3 điểm trường, trong đó lớp mẫu giáo lớn đông nhất, 42 em, nên được học ở 63 Trần Hưng Đạo vì phòng rộng (56m2). Một điểm nữa ở 42 phố Phan Bội Châu.
 
Hàng ngày, các cô giáo từ các điểm lẻ sẽ về 62 Lý Thường Kiệt nhận khẩu phần ăn cho các con rồi đặt lên xe, đẩy về các điểm lớp các phố Trần Hưng Đạo và Phan Bội Châu. Thời điểm cao nhất trường có tới 5 “sổ đỏ”. Nhưng hiện nay, điểm 45 Phan Bội Châu được giao cho Trạm y tế phường Cửa Nam, điểm 100 Lê Duẩn đang làm kho.
 
Không chỉ Trường Mầm non Sao Mai mà ở quận Hoàn Kiếm còn rất nhiều trường khác hiện vẫn “sống chung” với điểm lẻ. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm, các trường học do quận quản lý hiện có 33 điểm lẻ, trong đó quá nửa là điểm lẻ của các trường mầm non (24 điểm), còn lại là của tiểu học (8 điểm) và của Phòng GD&ĐT quận (1 điểm).
 
Trong số 17 trường mầm non công lập của quận, chỉ có 6 trường có khuôn viên độc lập. Số còn lại, nơi ít thì 2, nơi nhiều thì 3- 4 điểm lẻ. Điển hình như Trường Mầm non Chim non hiện phải sử dụng 4 điểm lẻ. Các trường Mầm non Họa Mi, Bình Minh, 1/6, Sao Sáng, Đinh Tiên Hoàng mỗi trường có 3 điểm lẻ.
 
Không chỉ nhiều điểm lẻ mà phần lớn các trường mầm non công lập của quận Hoàn Kiếm đều có quy mô rất hạn chế, mỗi trường chỉ khoảng 200 - 300 học sinh. Nhiều trường điểm lớn nhất có mặt bằng dưới 200m2. Trường Mầm non Sao Mai thì không có điểm nào lớn hơn 60m2.
 
Các trường ít học sinh, một phần do trường khó nhận nhiều hơn khi mà điều kiện dạy học quá chật hẹp. Phần nữa do tâm lý phụ huynh đều “né” những trường nhỏ. Theo nhiều phụ huynh, việc phải để các con học ở những trường có điểm lẻ, nhất là học tại điểm lẻ… là lựa chọn bất đắc dĩ nhưng đành phải chấp nhận khi mà không phải ai cũng có điều kiện xin trường trái tuyến.
 
Nhiều nơi “chạy trường”, ở đây “chạy trò”
 
Cũng là một trong những trường ít học sinh nhất quận Hoàn Kiếm, nhưng Trường THCS Lê Lợi lại chịu một nghịch cảnh khác.
 
Cô Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: “Trường có tuyến tuyển sinh gồm bốn phường giàu có sầm uất nhất Hà Nội (Đồng Xuân, Hàng Buồm, Hàng Đào, Hàng Bạc), nhưng lại rất “nghèo” học sinh. Các nơi khác, học sinh phải “chạy” trường, nhưng ở đây chúng tôi lại phải “chạy” trò. Cứ cuối năm học, hiệu trưởng hiệu phó chia nhau đi nói chuyện tuyên truyền về trường. Mỗi năm cố lắm tuyển tăng được mươi em là chúng tôi vô cùng phấn khởi”.
 
Trường THCS Lê Lợi nằm trên phố Nguyễn Thiện Thuật - con phố chạy dọc phía sau chợ Đồng Xuân- Bắc Qua. Dù trường nằm ngoài khuôn viên chợ Đồng Xuân - Bắc Qua nhưng địa bàn Đồng Xuân - Hàng Buồm - Hàng Bạc - Hàng Đào thực chất là một cái chợ đầu mối khổng lồ, thành thử trường Lê Lợi vẫn được xem là “trường trong chợ”.
 
Trường khá vuông vắn, xinh xắn, đặc biệt là có sân chơi rợp bóng mát của những tán cây xanh lâu năm - điều quý hiếm đối với các trường học khu vực Hoàn Kiếm. Hai mươi năm trước, đây từng là một ngôi trường nhộn nhịp, thời điểm cao nhất có khoảng 1.200 học sinh.

 “Trường có tuyến tuyển sinh gồm bốn phường giàu có sầm uất nhất Hà Nội (Đồng Xuân, Hàng Buồm, Hàng Đào, Hàng Bạc), nhưng lại rất “nghèo” học sinh. Các nơi khác, học sinh phải “chạy” trường, nhưng ở đây chúng tôi lại phải “chạy” trò.” - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi Nguyễn Thị Vân Hồng

 
Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, trường THCS Lê Lợi là đơn vị có số học sinh ít nhất trong số 20 trường phổ thông công lập của quận, với vỏn vẹn 327 em. Bình quân sĩ số 27 học sinh/lớp, đây cũng là trường công có sĩ số học sinh bình quân thấp nhất Thủ đô. Tổng số học sinh của trường quả là không bằng số lẻ của hai trường THCS danh tiếng bậc nhất Hà Nội chỉ nằm cách đó chừng 2 - 3 km chếch về phía Nam: THCS Trưng Vương - 2.492 học sinh và THCS Ngô Sĩ Liên - 2.978 (cũng đều thuộc quận Hoàn Kiếm).
 
Theo khảo sát của nhà trường, năm học này số học sinh trong độ tuổi lớp 6 của bốn phường nói trên là 469 em nhưng trường chỉ tuyển được 60 em đúng tuyến (còn 30 em trái tuyến, nhưng cũng chủ yếu từ bãi Phúc Tân lên “phố” học).
 
Theo ông Lê Hồng Phú, Phó Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm, để hiện đại hóa mạng lưới trường học của quận, khó khăn lớn nhất của quận là thiếu đất. Vì thế, dù giai đoạn từ 2011 - 2015 quận dành một tỉ lệ lớn trong đầu tư xây dựng cơ bản cho xây mới - sửa chữa - nâng cấp mạng lưới trường học nhưng chủ yếu là thực hiện trên hiện trạng quỹ đất vốn có chật hẹp.
 
Theo Quý Hiên
Tiền Phong

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm