Nỗi niềm dạy chữ nơi chỉ có... "sóng lòng"
(Dân trí) - Chịu cảnh không điện sáng, không sóng điện thoại, không mạng, chỉ có gió, núi rừng heo hút và những cơn “sóng lòng” cuồn cuộn chảy từng đêm. Thế nhưng những giáo viên nơi này vẫn cần mẫn, miệt mài “cõng chữ lên non”.
Gian nan hành trình gieo chữ
Đó là câu chuyện về hành trình gieo chữ của giáo viên (GV) Trường tiểu học Trung Lý II, thuộc xã Trung Lý, một xã nghèo, khó khăn nhất huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Hầu hết các GV đều là người dưới xuôi lên cắm bản, họ gắn bó hàng chục năm với bản làng, với học sinh nơi này.
Những thầy cô giáo cũng quen dần với nhọc nhằn thiếu thốn, chôn dấu những nỗi niềm riêng của bản thân để gieo chữ cho học trò vùng cao. Nếu ở lại đây vài ngày thôi cũng đủ cảm nhận được sự hy sinh thầm lặng của GV nơi núi rừng đến nhường nào. Nơi này, mây mù quanh năm bao phủ, tựa hồ như có một Sa Pa còn “say ngủ”.
Đêm xuống vùng núi chìm trong sự thăm thẳm, tiếng gió rít, tiếng côn trùng kêu tạo nên một không gian sâu đến khôn cùng. Ánh đèn dầu leo lắt trong chạng vạng tối, mọi thông tin, giao lưu với bên ngoài dường như tắt ngúm khi các điểm trường lọt thỏm giữa rừng núi ngút ngàn.
Chỉ thế thôi cũng đủ khiến ai mới đặt chân lên mảnh đất này cũng cảm thấy nản và ớn lạnh sống lưng, đó là chưa nói đến gian nan trên con đường rừng nối từ tỉnh lộ 502 để vào đến trường. Con đường quanh co uốn lượn với vô số dốc và suối nếu không chắc tay lái thì không thể đi được trên con đường này. Có một thầy giáo đã kể rằng ngày đầu tiên khăn gói lên đây, anh đã ngã 17 lần mới đến được điểm trường chính nằm trên bản Cò Cài của xã Trung Lý. Cũng chính vì thế mà người dân ở đây chỉ biết đi bộ, họ muốn đi khỏi bản cũng mất non nửa ngày trời nên trong mắt họ, bản làng nơi họ sinh sống đã là cả một thế giới.
Cô Nguyễn Thị Châu Anh, GV dạy điểm trường lẻ tại bản Cá Ráng chia sẻ: “Ngày đầu lên đây, mình vừa đi vừa khóc, con đường nhìn thôi đã hãi rồi nói gì đến đi, thế mà vẫn phải vừa đi vừa chạy vì sợ trời tối. Vào đến bản thì nhìn những ngôi nhà sàn như những tổ chim, cảm giác như chỉ một cơn gió thôi cũng đủ lật úp, học sinh thì nhem nhuốc, váy áo luộm thuộm. Đặt chân đến nơi mình dạy thì xem như bước vào một thế giới khác. Tất cả khiến mình muốn bỏ cuộc nhưng nhìn các cháu ở đây thiếu thốn đủ thứ lại như níu bước chân mình. Rồi ở lại, rồi quen”.
Nơi chỉ có “sóng lòng”
Ngay hôm đầu tiên đến, tôi đã được nghe GV giới thiệu “nơi này không sóng điện thoại đâu nhé, chỉ có sóng lòng, sóng suối thôi”. Thoạt nghe tưởng là câu nói đùa nhưng ẩn chứa rất nhiều nỗi niễm của họ trong đó. Họ chôn dấu đi sự thiếu thốn tình cảm người thân, gia đình để thôi đau đáu mà tập cho mình quen dần.
Không có sóng điện thoại hay mạng internet nên khi cần thông tin hay liên lạc gì, các thầy cô đều phải chạy xe hàng tiếng đồng hồ trên con đường rừng với dốc đá cheo leo để ra phía ngoài đường chờ “hứng” sóng. Có khi mất cả ngày chỉ vì một cuộc điện thoại.
Thầy Triệu Văn Xít, quê ở xã Pù Nhi (Mường Lát), GV duy nhất chưa lập gia đình, tâm sự: “Cũng ở cùng huyện nhưng cả tháng mình mới tranh thủ về nhà được vì đường xá đi lại khó khăn, nhiều lúc nhớ nhà, nhớ người yêu nhưng phải chịu thôi. Đã vào đến trong này thì mọi giao lưu với bên ngoài dường như biệt lập. Cứ khi nào nhớ lắm thì lại tranh thủ chạy hơn 14km đường rừng mất cả mấy tiếng mới ra được đến phía ngoài đường có sóng điện thoại, gọi cũng chỉ được vài phút thôi”.
Trong căn phòng tập thể như rộng hơn, buồn hơn trong những đêm mùa đông lạnh lẽo, là những tâm hồn đầy thổn thức của những GV phải xa gia đình, có người xa vợ, người xa chồng, con lên đây công tác. Những GV ấy vẫn ngày ngày lên lớp cần mẫn, miệt mài mang con chữ cho học sinh nghèo nơi núi rừng.
Đã có gia đình, nhưng chồng cô Lê Thị Hương làm việc tận ở Bình Dương, còn đứa con trai học lớp 4 phải gửi lại bà nội. Mỗi năm, cô Hương chỉ được gặp chồng và con được vài ba lần đó là vào dịp hè, Tết, và dịp lễ lạt gì đó. Với một người luôn cách xa gia đình như thế thì sự chờ đợi với họ một ngày thôi cũng thật đằng đẵng. Mỗi lần nhắc về con, nước mắt chị lại ứa ra, nỗi nhớ nhà, nhớ chồng con lại được dịp thổn thức.
Cũng giống như cô Hương, đứa con nhỏ duy nhất của cô Nguyễn Thị Nhung cũng phải gửi cho ông bà nuôi. Chồng cô Nhung cũng là GV nhưng công tác bên huyện Quan Hóa. Nhắc đến chồng, cô đưa tay chỉ về phía bên kia dãy núi cao ngất trời bảo: “Anh ở bên đó, mỗi lần nhớ thì đứng nhìn lên thôi, muốn gặp chồng cũng phải chạy vòng mất hàng trăm cây số. Vợ chồng cũng cả mấy tháng trời mới được nói chuyện với nhau. Con thì mẹ về không buồn theo nữa”.
Cái thời buổi tưởng như người ta sử dụng công nghệ thông tin mà quên đi việc viết thư tay thì đối với thầy hiệu trưởng Phạm Đăng Dung thì mỗi lần có công việc xuống huyện thầy lại tranh thủ ghi thư cho vợ con ở quê nhà. Thầy còn kể: “Mỗi lần chạy ra ngoài đường để gọi điện về nhà là mình lại ghi âm lại, nhưng đêm buồn thì bật lại để nghe”. Nghe những tâm sự từ đáy lòng của những GV nơi này, lại tưởng như có một câu chuyện về Ngưu Lang - Chức Nữ thời hiện đại.
Dù hành trình ươm mầm, gieo chữ vẫn còn nhiều lắm gian nan, vất vả nhưng những GV ở đây vẫn bám trụ lại ngôi trường và ngày ngày mang tình yêu, tình thương trong từng con chữ đến với học trò.
Nguyễn Thùy - Duy Tuyên