Bạn đọc viết:

Nỗi lòng người thầy quanh chuyện “tiền trường”

(Dân trí) - Đọc bài viết “Giáo viên cũng ám ảnh … tiền trường”, hẳn là những ai đã từng đảm nhận công việc dạy chữ - dạy người đều bùi ngùi bắt gặp hình ảnh của mình trong đó. Họp phụ huynh chủ yếu nói chuyện tiền, tiết sinh hoạt lớp tranh thủ nhắc đóng tiền, cặp sách đủ loại phiếu thu chi…

Đó quả là một gánh nặng canh cánh trong lòng mỗi khi nhận công tác chủ nhiệm lớp.

Không có văn bản nào quy định giáo viên phải đảm nhận việc thu tiền học sinh nhưng từ lúc nào chẳng biết, việc công khai các khoản thu của nhà trường, nhiệm vụ thu tiền và viết biên lai cũng như công tác thúc đẩy tiến độ thu các khoản được khoán trắng cho giáo viên. Vậy là những nhà giáo phải thường xuyên “ca cẩm” về tiền, chạm tay vào tiền và loay hoay với tiền trường.

Giáo viên làm nhiệm vụ dạy học và giáo dục rồi nhận lương từ ngân sách. Nhưng chính việc trực tiếp thu các khoản đã đẩy bao điều tiếng không hay về phía giáo viên. Hãy nghe dư luận xã hội bình phẩm về người thầy. Nhẹ nhàng cạnh khóe thì “Các thầy cô cũng giỏi vẽ thật”, “Họp phụ huynh chỉ mỗi chuyện tiền”… Còn thâm thúy, sâu cay hơn là những câu chữ chẳng khác gì lưỡi dao bén nhắm thẳng vào lòng tự trọng của nhà giáo: “Dạy cách bòn rút tiền hợp lý”, “Móc túi cha mẹ học sinh”… Trăm tiếng xấu đổ đầu nhà giáo đến tội nghiệp!

Cách ví von giáo viên là “chủ nợ” của phụ huynh nhưng lại là “con nợ” của nhà trường đã phản ánh đúng bản chất của sự việc đau lòng. Tôi từng gặp phụ huynh “trốn” giáo viên như trốn nợ, từng nghèn nghẹn khi biết học sinh không đến lớp vì “sợ cô đòi tiền”. Nhưng đâu thể không “đòi” tiền, “nhắc” tiền bởi bảng thống kê lớp nào nộp ít - nhiều, nhanh - chậm đã công khai và lời nhắc nhở từ chung đến riêng của nhà trường đang hối thúc sau lưng.

Cứ mỗi kỳ họp phụ huynh đến lại xôn xao chuyện năm nay có khoản nào, nâng lên mức giá bao nhiêu, hợp lý và bất lý ở khoản gì,… Nhiệm vụ “thiêng liêng” phải trao đổi, giải thích, giải trình đều được đẩy sang cho giáo viên. Vạ chạm trực tiếp với phụ huynh về chuyện tiền bạc, sự tổn thương là điều tất yếu.

Dù không ít lần được nhà trường “mớm” lời, phải nói thế nào, phải thuyết phục thế nào nhưng khi ý kiến của phụ huynh dồn dập, căng thẳng chuyện tiền thì người giáo viên “đứng mũi chịu sào” chẳng tránh được tâm trạng nặng nề, bất lực và xót xa cho chính mình. Hình ảnh phản cảm về nhà giáo trong mắt học sinh và phụ huynh đã bị đắp bồi từ đó.

Bên cạnh đó là hiện thực bận rộn , quay cuồng với cách thức thu tiền tranh thủ mọi lúc mọi nơi. Giờ nghỉ năm phút, giờ ra chơi, giờ sinh hoạt lớp và thậm chí là vài phút của giờ học cũng bị tận dụng để thu tiền. Khi mà danh mục các khoản thu không hề ít ỏi với ngần ấy phiếu thu phải viết, phải cập nhật. Rồi tranh thủ về nhà lại lẩm nhẩm tính toán, cộng trừ các khoản, đối chiếu phiếu thu và sau đó lo nộp lên thủ quỹ. Giáo viên nữ chẳng tha thiết gì công việc ấy là hiển nhiên. Còn giáo viên nam lại cám cảnh gấp bội lần việc thu tiền, đếm tiền, phân loại tiền.

Trong khi mỗi trường đều có tổ văn phòng với đầy đủ thủ quỹ và kế toán thì việc thu các khoản nên giao nhiệm vụ cho người có trách nhiệm. Đồng thời có thể bố trí kiêm nhiệm công tác cho nhân viên văn thư, y tế, thiết bị, thư viện như một số trường ít ỏi đang làm sẽ giảm áp lực công việc cho giáo viên. Và quan trọng hơn là giải phóng giáo viên ra khỏi vòng xoay của đồng tiền và hình ảnh phản cảm trong lòng học sinh, phụ huynh.

Một thông tin mới từ Sở GD&ĐT TPHCM với quy định về các khoản thu trong nhà trường thật sự đã tạo ra một biến chuyển mới trong công tác thu chi học đường nhằm ngăn chặn tình trạng lạm thu gây bức xúc dư luận. Đồng thời sự chỉ đạo tuyệt đối không để giáo viên trực tiếp thu chi các khoản tiền đã làm nức lòng giáo viên. Phải chăng sự nghiệp đổi mới giáo dục cũng nên bắt đầu từ những thay đổi nhỏ nhưng ý nghĩa như thế?

Thùy Mai

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm