Nỗi lo trường học xa hoa

(Dân trí) - Những dự án tiền tỷ, nhiều trò “hình thức” xa hoa, tốn kém… trong trường học trở thành "nỗi ám ảnh" của phụ huynh khi con đi học.

Cách đây hai năm, Trường THCS C. ở quận 3, TPHCM gây “chấn động” dư luận khi đề xuất phụ huynh đóng góp để xây dựng hệ thống nhà vệ sinh thông minh với số tiền đầu tư gần 2 tỷ đồng. Nếu thực hiện, mỗi khối lớp sẽ phải đóng hàng trăm triệu đồng theo dạng cuốn chiếu trong nhiều năm.

Cho dù hiệu trưởng nhà trường có lý lẽ của mình là vì nhà vệ sinh cũ đã quá xuống cấp, không thể “gánh” nổi sức xả từ hàng ngàn học sinh. Việc đầu tư này để các em có một môi trường học tập và sinh hoạt hàng ngày được thoải mái, không phải bịt mặt bịt mũi mỗi khi đi vệ sinh hay nín nhịn nhu cầu cơ bản nhất. Quan tâm đến nhà vệ sinh học đường là một điều rất đáng khích lệ khi lâu nay chúng ta thường xem đây là “chuyện nhỏ”.

Nỗi lo trường học xa hoa - 1

Vậy nhưng, con số 2 tỷ đồng để đầu tư cho nhà vệ sinh trong điều kiện chung của phụ huynh là quá kệch cỡm. Có nhiều cách để giúp học trò đi giải quyết nhu cầu một cách nhẹ nhàng như cải tạo, nâng cấp, xây dựng nhà vệ sinh tiết kiệm… hơn là con số tiền tỷ. Các em đi học đâu chỉ đóng mỗi tiền nhà vệ sinh, còn vô số khoản nhiều gia đình đã nai lưng ra để gồng gánh.

Dự án tiền tỷ này đổ bể khi phụ huynh phản đối. Vậy nhưng dư âm của ý tưởng xa xỉ xuất phát trong trường học vẫn sẽ dai dẳng làm đổ vỡ niềm tin của phụ huynh.

Nhiều trường học có những khoản thu vô lý không chỉ làm phụ huynh thêm gánh nặng khi con đi học mà còn làm xã hội mất niềm tin.
Nhiều trường học có những khoản thu vô lý không chỉ làm phụ huynh thêm gánh nặng khi con đi học mà còn làm xã hội mất niềm tin.

Một trường tiểu học đình đám ở TPHCM cũng thường xuyên gây sửng sốt với mức độ xa hoa “bạo tay”. Có năm, trường chi gần 200 triệu đồng để làm kỷ yếu dày 254 trang, bìa cứng, hoành tráng lưu lại gần như toàn bộ hình ảnh Ban giám hiệu, Ban đại diện cha mẹ học sinh, thầy cô giáo, hoạt động của trường, của từng lớp và chân dung từng học sinh. Cuốn kỷ yếu mà đến các doanh nghiệp lớn doanh thu hàng ngàn tỷ cũng chẳng dám “mơ” để thực hiện.

Rồi lễ tổng kết năm học của ngôi trường này thường được tổ chức ở những nhà thi đấu nằm ở trung tâm thành phố. Mà chi phí có đợt lên đến gần 165 triệu đồng để thuê mặt bằng, tập dượt, quay clip, chụp ảnh; âm thanh, ánh sáng, màn hình led, sâu khấu, trang trí… với sự “hợp tác” giữa nhà trường và ban đai diện học sinh.

Với những cuốn kỷ yếu nặng tay, những buổi lễ lóng la lóng lánh, rất nhiều người đặt câu hỏi điều gì đọng lại cho học sinh, cho phụ huynh ngoài sự phô trương và áp lực gánh nặng và sự mất niềm tin vào trường học? Việc kỳ công, đầu tư cho những thứ hình thức liệu có thật sự cần thiết và có giúp cho chất lượng dạy học tốt hơn?

Một phụ huynh có con vừa kết thúc lớp 6 tại ngôi trường này, sắp tới cháu vào học ở Trường THCS Minh Đức lắc đầu nói rằng chị vĩnh viễn không cố gắng để con vào trường điểm nữa. Ở đó có những áp lực mà phụ huynh “nghẹn ngào” không nói ra được. Con học ở đây, hầu hết gia đình có điều kiện, phụ huynh không tiếc tiền đầu tư cho con nhưng sự đầu tư nào cũng cần mang lại những giá trị cần thiết chứ không phải để “đánh bóng” cho nhà trường hay tiêm nhiễm sự phô trương, hình thức vào con trẻ.

Quỹ phụ huynh nhưng nhà trường chi là chuyện có thật xảy ra ở không ít trường học. Thế nên, ở nhiều trường xảy ra tình trạng có những chi tiêu, hoạt động phụ huynh đóng tiền nằm ngoài nhu cầu của học sinh, phụ huynh. Thậm chí có nơi, nhà trường chi vượt kế hoạch năm, phụ huynh năm nay phải nai lưng đóng tiền trả nợ cho năm trước.

Cách đây không lâu, hiệu trưởng tại một trường tiểu học ở Phú Nhuận đã lên Phòng GD-ĐT để trả lại một chiếc bảng tương tác khi được phân về hai chiếc. Bà nói, mỗi chiếc bảng tương tác trị giá trên 180 triệu đồng nếu lấy về hai chiếc là một gánh nặng rất lớn đối với phụ huynh, nhất là ở trường mình, không phải gia đình nào cũng có điều kiện. Trong khi, vào thời điểm đó nhà trường cũng chưa nắm rõ hiệu quả, cách sử dụng của bảng tương tác thì không thể dùng tiền phụ huynh “chi sang”.

Theo bà, nhu cầu dành cho việc học ngày càng tăng, con đi học phụ huynh có thể đóng đủ khoản tiền nào là tiền máy tính, tivi, màn hình chiếu, quạt, máy lạnh… Mà những đầu tư này chắc gì đã được tận dụng hiệu quả một cách tốt nhất. Khoan đã nói đến phụ huynh nghèo, mỗi đồng tiền là một đồng khó, kể cả những gia đình có điều kiện họ cũng cần biết đồng tiền của mình được chi như thế nào, hiệu quả ra sao.

Phụ huynh gánh rất nhiều nỗi lo về tài chính khi con đến trường (Phụ huynh một trường tiểu học ở TPHCM trong một buổi hoạt động ngoại khóa của con)
Phụ huynh gánh rất nhiều nỗi lo về tài chính khi con đến trường (Phụ huynh một trường tiểu học ở TPHCM trong một buổi hoạt động ngoại khóa của con)

Vào đầu năm học, phụ huynh ở nhiều trường học lại choáng váng với đủ các khoản thu từ thu theo quy định cho đến tự nguyện. Và rồi khi đưa ra những khoản tiền trường cho dù đeo mác nhu cầu, tự nguyện, có bao nhiêu lãnh đạo như vị hiệu trưởng trên - đặt mình vào của phụ huynh?

Chưa nói đến các dự án, kế hoạch tiền tỷ, tiền triệu, nhiều khoản thu lặt vặt, nhiều quy định trời ơi đất hỡi như đánh vào “túi tiền” của phụ huynh vào dịp đầu năm học cũng đã đủ làm phụ huynh xây xẩm mặt mày.

Năm học mới, bên cạnh việc quan tâm đến chất lượng thì tiền trường là mối bận tâm của nhiều gia đình. Phụ huynh nào cũng muốn điều tốt nhất cho con, xã hội hóa giáo dục cần xuất phát từ sự tự nguyện và nhu cầu thật sự của phụ huynh, của học sinh.

Con đi học có đủ nỗi lo nhưng nỗi hoang mang lớn nhất của nhiều gia đình là sợ nhà trường, sợ hiệu trưởng thích xa xỉ, chơi sang.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)