Quảng Trị:

Nỗi lo của nữ sinh mồ côi đỗ cả hai trường đại học y

(Dân trí) - Mẹ mất lúc Phương Thảo mới 12 tuổi, một mình ba em phải lao động cật lực để nuôi 4 con ăn học. Thấu hiểu những khó khăn đó, Thảo luôn vượt khó, kiên trì theo đuổi giấc mơ học tập. Vừa đỗ 2 trường đại học y, nữ sinh quê Quảng Trị rất băn khoăn khi nghĩ về quãng đường đại học sắp tới...

Những ngày qua, thông tin em Trần Thị Phương Thảo (SN 1998) đạt điểm vào 2 trường đại học, khiến người dân thôn Nhật Lệ, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị không ngớt trầm trồ thán phục. Mọi người đều dành cho em những lời chúc mừng, khen ngợi về tinh thần hiếu học, ý chí vươn lên trước hoàn cảnh.

Nghị lực của nữ sinh mồ côi đạt điểm vào hai trường Đại học

Trước đó, Phương Thảo cũng là thí sinh nổi bật khi đạt tổng điểm 26,25 ở 3 môn xét tuyển khối B trong kỳ thi THPT quốc gia (Toán 9, Hóa 8,8 và Sinh 8,4 điểm). Với tổng điểm này, Thảo đã nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành Y của 2 trường ĐH Y Dược Huế và ĐH Y TP Hồ Chí Minh và đều đạt điểm vào 2 trường này.

Phương Thảo tranh thủ chuẩn bị kiến thức môn Tiếng Anh trước thời điểm nhập học .
Phương Thảo tranh thủ chuẩn bị kiến thức môn Tiếng Anh trước thời điểm nhập học .

Chia sẻ niềm vui với chúng tôi khi biết mình đạt điểm ở cả 2 trường, Phương Thảo cũng không giấu được sự băn khoăn vì em biết thời gian sắp tới ba sẽ vất vả hơn rất nhiều khi cho con nhập trường. Trong khi đó, em sẽ có quá trình học rất dài với 6 năm ngồi trên ghế nhà trường. “Mẹ em mất sớm, ba thì làm nông nghiệp nên kinh tế gia đình cũng gặp nhiều khó khăn. Với đồng thu nhập ít ỏi từ cây lúa, cây màu chưa đủ để trang trải cho cuộc sống nên ba phải đi làm thêm, buôn bán mớ rau, mớ cá để nuôi các con khôn lớn. Phải vất vả, chật vật lắm mới chu cấp được cho mấy chị em của em đi học. Hiện chị gái và anh trai đã tốt nghiệp, còn hai chị em mà không biết ba có đủ lực nuôi nổi không nữa”.

Mẹ em Thảo mất năm 2010, lúc đó chị gái đầu của em là Trần Thị Dung đang học năm thứ 2 tại ĐH Đà Nẵng, anh trai là Trần Văn Duy cũng chuẩn bị thi vào đại học, Thảo thì học lớp 7. Những năm tháng thiếu mẹ, một mình ba em là ông Trần Văn Diệm (SN 1964) phải vất vả nuôi các con khôn lớn. Nhà chỉ có mấy sào ruộng và mới chỉ đủ cung cấp lương thực nên ba em phải chạy vạy làm thêm, buôn bán đủ nghề.

Trước đó, sau ngày rời quân ngũ trở về quê hương, ông Diệm lập gia đình rồi lao vào cuộc sống mưu sinh. Dù sức khỏe có chút suy giảm do trải qua thời gian chiến đấu ở chiến trường Campuchia, nhưng ông Diệm vẫn cố gắng để làm lụng, cùng vợ nuôi con. Người cha luôn động viên các con cố gắng học tập để có kiến thức, sau này khôn lớn thành người có thể tự lo được cho bản thân.

Lúc rảnh em Thảo giúp ba hái rau nấu cho gia súc.
Lúc rảnh em Thảo giúp ba hái rau nấu cho gia súc.

Thấu hiểu được những gian khổ, cực nhọc của ba, mấy chị em Thảo đều cố gắng nỗ lực trong học tập. Kết quả 12 năm học vừa qua Thảo luôn được nhà trường tặng danh hiệu học sinh giỏi. Ngoài ra, em cũng đạt được nhiều giải khi tham gia Kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Em Thảo cho biết, hôm biết em đạt điểm vào học cả hai trường đại học, ba em vừa mừng vừa lo lắng. Mừng vì con đạt được kết quả tốt, được tiếp tục đi học để theo đuổi ước mơ nhưng lo lắng vì chưa biết làm gì để nuôi con trong những năm theo học tại trường. “Mặc dù ba lo lắng như vậy nhưng cũng động viên em chọn trường đi học tiếp. Ba bảo sẽ cố gắng lao động để nuôi em học Đại học. Chị gái em thì đã lấy chồng và có gia đình riêng, còn anh trai thì mới ra trường và đang tìm việc nên chưa giúp đỡ được gì. Nhiều lúc thấy ba đi sớm về trễ em cũng thương ba lắm, nhưng ba động viên mấy chị em như vậy nên cũng không thể phụ sự kỳ vọng, quan tâm của ba dành cho chúng em”.

Thảo dọn dẹp vượn tược cho sạch sẽ.
Thảo dọn dẹp vượn tược cho sạch sẽ.

Chia sẻ về phương pháp học tập, Thảo cho biết, lên lớp em chú ý nghe các thầy cô giáo giảng bài, vấn đề nào chưa hiểu thì trao đổi thêm với bạn bè hoặc giáo viên để nắm kỹ hơn. Bên cạnh việc đọc các loại sách tham khảo, sách nâng cao thì internet cũng là công cụ hiệu quả phục vụ cho việc học tập. Nhiều tài liệu được tìm thấy trên internet khá dễ dàng, tiết kiệm thời gian dù phải cân nhắc, chọn lọc kỹ lưỡng về nguồn tài liệu.

Nói về dự định sắp tới, Phương Thảo nói rằng, em cũng đã có quyết định riêng cho mình và người thân cũng khuyên nên chọn trường ĐH Y TP Hồ Chí Minh. Trước mắt em sẽ vào làm thủ tục nhập trường, theo học đã. Đến sau này mới tính đến chuyện tìm việc làm thêm để có thể trang trải các chi phí trong học tập.

Bên cạnh niềm vui đủ điểm vào trường, Thảo cũng rất băn khoăn vì sợ ba vất vả.
Bên cạnh niềm vui đủ điểm vào trường, Thảo cũng rất băn khoăn vì sợ ba vất vả.

Ông Trần Văn Diệm (ba em Phương Thảo) tâm sự: “Mặc dù hoàn cảnh còn vất vả nhưng các con luôn chăm ngoan, nỗ lực trong học tập nên đó cũng là nguồn động viên cho bản thân tui. Gia đình chỉ có vài sào ruộng, chỉ tạm đủ ăn nên tui phải cố gắng làm thêm, buôn bán lặt vặt để trang trải cuộc sống gia đình và nuôi các con ăn học. Thấy con đạt được kết quả tốt, đủ điểm vào 2 trường nên tui cũng vui mừng. Khó khăn đến mấy cũng phải tạo điều kiện cho cháu đi học rồi sau này tính tiếp. Tui chỉ lo sức khỏe của mình không đủ để lo cho các con tới ngày ra trường mà thôi”.

Đăng Đức

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm