Nỗi lo âu của nữ sinh khuyết tật giàu nghị lực

(Dân trí) - “Em chỉ mong sau khi tốt nghiệp ra trường có công việc ổn định, chứ khoảng 1 năm nữa sau khi tốt nghiệp ra trường, em cũng không biết sẽ ở đâu vì khi đó sẽ không được ở lại trung tâm Bảo trợ Xã hội nữa...”-nữ sinh khuyết tật chia sẻ nỗi lo âu.

Đó là tâm sự của em Trần Thị Tú Anh - sinh viên năm thứ nhất, hệ Trung cấp ngành Kế toán doanh nghiệp - Trường Cao đẳng Nghề Đắk Lắk với PV báo Dân trí. 9 tuổi, Tú Anh đã vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Đắk Lắk. Em sinh ra không thấy mặt cha, người mẹ mắc căn bệnh phong quái ác phải sống cách ly. Bản thân bị khuyết tật bẩm sinh nhưng Tú Anh gắng gượng vượt qua các khó khăn, nỗ lực trong học tập...
 
Một buổi chiều đầu tháng 6, PV Dân trí đến Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Đắk Lắk (số 210, đường Phan Bội Châu, TP Buôn Ma Thuột) để tìm gặp em Trần Thị Tú Anh - một tấm gương vượt khó ở Trường Cao đẳng Nghề Đắk Lắk.
 
Buổi chiều ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội, khi thấy khách, Tú Anh đang cùng các em nhỏ loay hoay sắp xếp một số đồ đạc còn nằm ngổn ngang ở trong phòng, đôi môi em lúc nào em cũng nở nụ cười thật hiền hậu.
 
Em Trần Thị Tú Anh bên chiếc giường của mình ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Đắk Lắk.
Em Trần Thị Tú Anh bên chiếc giường của mình ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Đắk Lắk.

Sau phút ngập ngừng, Tú Anh bước ra cửa chào khách, rồi bắt đầu câu chuyện có phần éo le về bản thân khiến chúng tôi không khỏi cảm phục và xúc động...

Em kể, em sinh ra ở huyện Ea Kar (Đắk Lắk), mới chập chững lớn lên vài tuổi thì mẹ em đổ bệnh nặng. Căn bệnh mà mẹ Tú Anh mắc phải khi đó là một căn bệnh quá khủng khiếp vào thời điểm bấy giờ - bệnh phong. Cuộc sống ở quê gặp khó khăn, bà mẹ mắc bệnh nặng không nuôi nổi đành đứt ruột gửi Tú Anh vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Đắk Lắk từ năm em 9 tuổi, mẹ em rồi vào Trại phong Ea Na (huyện Krông Ana, Đắk Lắk) điều trị.

Tuổi thơ của Tú Anh lớn lên không người thân, sống nhờ sự đùm bọc, cưu mang của những người tốt bụng.
 
Em Trần Thị Tú Anh bên chiếc giường của mình ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Đắk Lắk.
Vượt lên mặc cảm và khó khăn, Tú Anh lần lượt học hết tiểu học, THCS, THPT và hiện em đang học ngành Kế toán doanh nghiệp - Trường Cao đẳng nghề Đắk Lắk.

Bản thân Tú Anh lúc mới sinh ra đã không thấy mặt cha, trên cơ thể của em lại bị khuyết tật bẩm sinh thiếu bàn tay phải. Lớn lên một chút, cô bé đã bắt đầu mặc cảm về một viễn cảnh là bản thân mình sau này sẽ không như người bình thường. Thời gian đầu, cái tật bẩm sinh ở tay phải đã gây nên không ít khó khăn cho cô bé, nhưng rồi em cũng dần thích ứng với hoàn cảnh. Thời gian đầu lúc mới đến trường đi học, không được như chúng bạn, Tú Anh phải tập viết bằng tay trái, nắn nót lắm mới viết ra được dòng chữ. Nhưng điều đặc biệt ở cô bé này là không phải vì bị tật nguyền mà em buông xuôi, mọi công việc bình thường hằng ngày mà mọi người làm được thì em cũng có thể làm được bằng cái trái lành lặn còn lại, chỉ trừ những việc bưng bê nặng nhọc quá sức, thì khi đó mới cần đến sự giúp đỡ của người thứ hai.

Phải tự lập ở một môi trường hoàn toàn khác biệt, một chút sợ sệt lóe lên trong đầu cô bé, thời gian đầu em da diết nhớ mẹ. Đến khi mẹ vào thăm, có lần Tú Anh đã níu áo mẹ, khóc nức nở đòi về. Sau lần này, Tú Anh đã không đòi về nữa, thương mẹ, em đã ở lại tại trung tâm chăm chỉ học tập, rèn luyện hơn 10 năm qua.

Sống ở Trung tâm thiếu bàn tay người thân đã đành, đến khi đi học, cứ mỗi lần Tú Anh bước vào môi trường mới, cấp học mới, bạn bè mới… là mỗi lần em không khỏi mặc cảm. Những lúc ấy, Tú Anh thường bị bạn bè trêu chọc, thậm chí một số người còn tỏ vẻ xem thường, với lý do cũng thật lảng xẹt là em có tật ở tay.
 
“Những lúc như vậy, em buồn lắm! Bản thân mặc cảm không muốn tiếp xúc với ai. Khi đó em nghĩ là mình cần phải cố gắng trong học tập, để họ không còn xem thường mình nữa”, Tú Anh tâm sự.
 
Em Trần Thị Tú Anh bên chiếc giường của mình ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Đắk Lắk.
Dù bị khuyết tật bẩm sinh thiếu bàn tay phải, nhưng Tú Anh vẫn gắng làm được các việc như một người bình thường.
 
Bằng nỗ lực của mình, Tú Anh lần lượt học hết Tiểu học, THCS và THPT. Hiện em đang theo học năm thứ nhất, hệ Trung cấp ngành Kế toán doanh nghiệp - Trường Cao đẳng Nghề Đắk Lắk. Các bạn cùng lớp Kế toán doanh nghiệp với Tú Anh, ai cũng nể phục ý chí và nghị lực vượt khó vươn lên trong học tập của em. Tuổi 20 với dáng người mỏng tanh, mọi sinh hoạt hàng ngày của Tú Anh đơn sơ, đạm bạc theo tiêu chuẩn của Nhà nước dành cho trẻ mồ côi; và ngày ngày Tú Anh vẫn đều đặn đi bộ đến trường, nỗ lực học tập để mong ra trường kiếm lấy cái nghề nuôi bản thân.

Thầy Trần Thanh Dương - Bí thư Đoàn trường Cao đẳng Nghề Đắk Lắk cho biết, ngoài thành tích học tập rất tốt, Tú Anh được đánh giá là chăm chỉ, tinh thần cầu thị, được nhiều bạn bè quý mến. “Do hoàn cảnh gia đình nên Tú Anh phải sống trong Trung tâm Bảo trợ Xã hội từ nhỏ, cuộc sống của em vẫn còn nhiều khó khăn. Em là người xinh xắn nhưng do cái tay bị tật nên đôi lúc em cũng có mặc cảm. Biết vậy nên ở trường các thầy cô, bạn bè đã động viên, giúp đỡ em rất nhiều”, thầy Dương nói.
 
Ở trường, Tú Anh được bạn bè cảm phục về ý chí và nghị lực vượt khó vươn lên trong học tập.
Ở trường, Tú Anh được bạn bè cảm phục về ý chí và nghị lực vượt khó vươn lên trong học tập.

Thầy Bí thư Đoàn trường Cao đẳng nghề Đắk Lắk cho biết thêm, vì có thành tích học tập loại khá (trên 7,0), lại có hoàn cảnh đặc biệt, vừa qua Tú Anh có nhận được một số học bổng do một số cơ quan, đơn vị trao tặng, như học bổng Nâng cánh ước mơ học nghề” hay học bổng “Đọt chuối non”.

Trước khi chia tay chúng tôi, Tú Anh mông lung: “Em chỉ mong là sau khi tốt nghiêp ra trường có một công việc ổn định, chứ khoảng 1 năm nữa sau khi em tốt nghiệp ra trường, em cũng không biết sẽ ở đâu vì khi đó sẽ không được ở lại trung tâm nữa”.

Được biết, sau khi điều trị bệnh phong, hiện mẹ Tú Anh đang sống ở Đồng Nai và tuổi tác bà cũng đã già, cũng lâu lắm rồi Tú Anh chưa gặp lại mẹ...

Viết Hảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm