Nói “không” với tiêu cực - Nghe suồng sã quá!
(Dân trí) - Đó là ý kiến của GS Nguyễn Đình Hương, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội về cuộc vận động mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã phát động trong toàn ngành giáo dục vào ngày 31/7 vừa qua.
GS Nguyễn Đình Hương “rất hoan nghênh Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng như ngành giáo dục đã đưa ra phong trào làm sao chấn chỉnh lại nề nếp trong giáo dục, để ngành giáo dục xoá bỏ dần những vấn đề gian dối, thi cử, học tập, kể cả việc làm luận văn, luận án... Tuy nhiên, khi phát động phong trào “nói không với tiêu cực trong giáo dục” thì phải chỉ rõ tiêu cực đó là cái gì?
Theo tôi, khi phát động phong trào này thì phải đặt cho nó một cái tên cho đúng, cho chuẩn mực, cho phù hợp. Cái tên chống tiêu cực hay chống bệnh thành tích nghe nó vừa chung chung, vừa suồng sã, thiếu tự nhiên”.
Cái tên cho đúng, cho chuẩn mực, cho phù hợp theo GS nên là gì?
Phải đặt tên cho phong trào này theo tiêu chí, chỉ tiêu, yêu cầu. Nên tìm ra cái gì nhức nhối nhất hiện nay trong ngành giáo dục và đặt cho nó một cái tên. Ngày trước, trong ngành giáo dục đã đặt ra vấn đề thi đua và nhân rộng các điển hình ví dụ như Phong trào Bắc Lý, Hai tốt...
“Nói “không” với tiêu cực trong giáo dục” phải chăng là một phạm trù quá rộng lớn và mơ hồ?
Nói “không” với tiêu cực trong giáo dục là vấn đề không chỉ của riêng trong ngành giáo dục mà là vấn đề của cả các nhà quản lý, lãnh đạo địa phương, lãnh đạo quản lý và các ngành khác trong xã hội.
Vấn đề tiêu cực trong giáo dục cần phải được mổ xẻ kỹ lưỡng. Tiêu cực trong giáo dục có biểu hiện nặng nề nhất là gian dối trong thi cử. Từ lớp 1 cho đến bậc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đều có gian dối. Chống gian dối, thực chất của nó là xây dựng tính chân thật trong dạy và học, trong quản lý giáo dục. Vì thế, nên đặt ra tính trung thực trong dạy và học từ mầm non cho đến đại học.
Một nền giáo dục trung thực và đất nước phát triển thành đạt thì khoa học phát triển. Do đó, phải tìm hiểu nguyên nhân trong dạy và học không trung thực là gì? Điều này có ý nghĩa sâu xa hơn là việc phát động phong trào “nói không”.
Thưa GS, những biểu hiện nào về sự không trung thực này đang tồn tại rõ nét nhất trong nền giáo dục của chúng ta?
Đối với học sinh, như học sinh lớp 1, khi đi học được 9-10 điểm thì được thưởng, còn được 5-6 điểm, người lớn lại mắng. Người lớn chỉ mắng mà không cần biết thực chất của điểm 9, 10 và của 5,6 điểm là gì. Khi báo cáo kết quả, thì nhà trường đều muốn báo kết quả đỗ bao nhiêu phần trăm và cũng không cần biết thực chất là gì. Còn người thầy nhiều khi đánh giá học trò chưa khách quan, thậm chí một số bộ phận bị tha hoá, tiêu cực có thể do đồng tiền, tình cảm...
Đối với những người quản lý thì buông lỏng từ lớp học, đến cơ sở trường học không có kiểm tra, kiểm soát thường xuyên Do sự buông lỏng này đã để gian lận “lọt lưới” ngay tại những “cửa” như vào trường đại học, thạc sĩ thậm chí cả tiến sỹ. Cái đó, cũng đã làm mất động lực của học sinh, sinh viên.
Vậy, theo GS thì khi tìm hiểu được nguyên nhân trong dạy và học không trung thực, tức là chúng ta đã tìm ra được phương cách hữu hiệu nhất để chấn hưng giáo dục?
Đúng thế! Nguyên nhân của tiêu cực trong giáo dục là gì? Đó là sự không trung thực. Việc chống tiêu cực trong giáo dục này là phải cả gia đình, nhà trường, xã hội. Do đó, cần xây dựng kỷ cương tư duy, suy nghĩ cho tất cả mọi người là phải trung thực. Trung thực như là cái chuẩn, chấn hưng, đổi mới trong giáo dục.
Xin cảm ơn GS!
Nhóm PV Giáo dục
(Thực hiện)