Nỗi khổ của giáo viên cuối học kỳ
(Dân trí) - “Chị ơi, chắc em tắt máy, không dám nghe điện thoại...” - cô bạn đồng nghiệp chung tổ phát đi cho tôi một tin nhắn trên Zalo. Tôi gọi lại cho bạn, nghe xong chuyện lại lo biết đâu sẽ đến lượt mình.
Và, câu chuyện được kể (có lẽ cũng giống với “hoàn cảnh” của nhiều giáo viên sau mỗi một kỳ thi) là bị phụ huynh (hoặc cả đồng nghiệp của mình) gọi điện năn nỉ xin thêm điểm cho con/em/cháu của họ.
Vốn dĩ, trước ngày diễn ra kỳ thi học kỳ 1, các cột điểm, các bài kiểm tra theo quy định đã cơ bản hoàn thành, chỉ chờ kết quả thi nữa là học sinh biết điểm trung bình môn học của mình; chúng tôi đều thông báo với học sinh là điểm kiểm tra miệng, nếu thấy hơi thấp, báo với thầy/cô trước thi học kỳ để có thể cho kiểm tra thêm lần nữa, nhằm tăng cơ hội cải thiện điểm số, đừng để biết kết quả rồi, thấy ảnh hưởng xếp loại học lực rồi đi... “xin xỏ”, sẽ không được giải quyết. Chưa kể là điểm số của các em đã được cập nhật trên hệ thống liên lạc điện từ, sau khi biết kết quả thi, bất ngờ số lần kiểm tra miệng tăng lên (ví dụ học sinh đã có 2 cột điểm miệng, giờ sửa thành 3) thì chỉ có cách là ‘cấy điểm”...
Cô bạn đồng nghiệp kể lại là người “xin” điểm đầu tiên là một đồng nghiệp trong trường, xin cho cháu, người thứ đến là phụ huynh học sinh, năn nỉ, thuyết phục không xong thì chuyển sang... đổi giọng. Với trường hợp cháu của người đồng nghiệp, câu trả lời của cô bạn là gia đình thử làm đơn phúc khảo điểm số xem sao. Với vị phụ huynh nọ, bạn ấy định... tắt điện thoại!
Vài ba hôm sau, câu chuyện từ một người đồng nghiệp (khác trường) mà tôi nghe được cũng là bức xúc về việc xin điểm của phụ huynh học sinh. Trường hợp này “đặc biệt” hơn. Em học sinh nọ học... yếu đều, thậm chí, có môn không đạt được 2,0 nên học lực xếp loại Kém. “Động tác” quan trọng của phụ huynh học sinh là lập tức (thông qua ban giám hiệu nhà trường) chuyển tặng cho giáo viên bộ môn của lớp con mình học mỗi giáo viên 1 cuốn lịch treo tường rất xịn. Dẫu vậy, trong số hơn 10 giáo viên của lớp có em học sinh và vị phụ huynh “đặc biệt” nọ, đã có người từ chối nâng điểm, từ chối quà tặng. Theo lời kể, vị phụ huynh nọ có thể thông qua “cấp trên” để tác động đến giáo viên vì đó là người có địa vị xã hội. Vậy nên, nhiều giáo viên “nói không” với thành tích đều tỏ ra bất bình, họ đặt dấu hỏi rằng liệu những phụ huynh làm công việc lao động phổ thông như phu hồ, bốc vác... có dám gọi điện cho giáo viên hoặc nhờ cấp trên can thiệp để có điểm số như ý cho con em?
Trở lại với những điểm số ở các lớp học mà tôi tham gia giảng dạy, cũng may, không có một học sinh hay phụ huynh hoặc đồng nghiệp nào lên tiếng nhờ mình chỉnh sửa. Một phần, bản thân tôi rất cương quyết với các em: Nếu muốn có kết quả như ý mà không cải thiện điểm trước khi kỳ thi học kỳ điễn ra, thì các em phải đầu tư nhiều hơn cho việc ôn luyện ở nhà, vào phòng thi là tự tin với vốn kiến thức của mình để có điểm số mong đợi; cũng có thể có bạn gặp may nhờ hỏi bài nhưng số đó không nhiều, phải đi bằng đôi chân của mình mới vững được!
Hẳn là câu chuyện về điểm số sẽ còn làm khó cho giáo giới khi mà học và thi là đi cùng, có học thì có thi. Vấn đề còn lại là tâm thế của những người trong cuộc. Việc không nâng điểm học sinh hoặc không đi xin điểm thầy cô là ứng xử của những người tự trọng, trung thực. Dẫu biết rằng sẽ luôn tồn tại nhiều mặt khi xem xét, đánh giá ai đó, việc nào đó, nhưng với giáo dục, câu chuyện về điểm số chính là câu chuyện về việc nêu gương của giáo viên và phụ huynh trước học sinh.
Mai Ngọc
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.
Xin trân trọng cảm ơn!