Nỗi day dứt của người “đưa đò” vùng cao

(Dân trí) - Nhà là những chiếc lán đơn sơ rách nát ghép vội từ bất cứ thứ gì tận dụng được; nắng thì nóng rát mặt, mưa lạnh thì co rúm lại một góc; bữa ăn dù đã độn nhiều khoai sắn vẫn chưa đủ no bụng… Cuộc sống khốn khó của hàng trăm học sinh vùng cao xã Mường Ải (Kỳ Sơn, Nghệ An) sống xa nhà, ở bán trú khiến nhiều người “đưa đò” rơi nước mắt.

Gồng mình “nuôi chữ”

 

Ấy là lời thầy Hắp Văn Long, người Khơ Mú, Hiệu trưởng Trường THCS Mường Ải, khi nói về học sinh của mình. Chúng tôi không lấy gì ngạc nhiên, bởi dọc đất nước này, có biết bao vùng nghèo hiếu học mà cả thầy, trò lẫn phụ huynh học sinh phải gồng mình “nuôi chữ”!

 

Theo thống kê mới nhất của Sở GD-ĐT Nghệ An, tỉnh này có gần 11 ngàn học sinh bỏ học. Nhưng gần 600 học sinh của thầy Hắp Văn Long vẫn kiên trì đến lớp, dù đời sống khó khăn như thế. Đúng là cả thầy và trò đều đang gồng hết sức mình “nuôi chữ”.

 

Xế trưa. Thầy Long dẫn chúng tôi đến nơi “nuôi chữ” để chứng minh điều mình nói. Xa xa nằm rải rác dưới cây rừng là những chiếc lán xinh xinh, lại gần hệt như một bản nhỏ. “Đấy chỗ học sinh chúng tôi ở đấy. Làng học sinh bán trú dân nuôi mà. Giờ này các em về cả rồi, đang nấu ăn. Nhìn tuềnh toàng thế nhưng phụ huynh các em và chúng tôi phải chật vật lắm mới làm được đấy”, thầy Long bảo.

 

20 chiếc lán đơn sơ, rách nát bao bọc quanh trường. “Cư dân” của “làng” là 147 học sinh từ lớp 3 đến lớp 9. Các em đến từ các bản xa của xã Mường Ải. Để có cái chữ, các em phải xa nhà hàng chục cây số, sống tự lập trong những lán nhỏ; mỗi lán chừng 4-5 em. Các em tự học tập, động viên nhau đỏ lửa nấu ăn khi tan trường. Thức ăn của các em cũng hết sức đạm bạc: quả bầu non ăn với cơm trộn; sang hơn có tí mỡ lợn; hôm nào muốn cải thiện bữa cơm thì ra suối kiếm con cá. Vậy mà em nào cũng quý cái chữ lắm.

 

Người nhỏ thó, mặt lấm lem, đang chốc mông thổi lửa nấu cơm, thấy khách lạ, Hoa Bá Vân (lớp 3B) bẽn lẽn kể: “Mấy thầy bảo phải học chữ thôi. Không thì nghèo như bố mẹ đấy. Nhà con ở xa lắm tận bản Ái Khe cơ…”. Thầy Long cho biết: “Học sinh ở đây phần nhiều đều phải sống tự lập. Chiều thứ 6 các em được nghỉ học, được về nhà với gia đình. Nhưng các em phải đi theo nhóm vì phải đi bộ hàng chục cây số nguy hiểm lắm”.

 

Nỗi day dứt của người “đưa đò” vùng cao - 1

Bản làng nhỏ của các học sinh dân tộc bán trú dân nuôi

Mường Ải.

 

Băn khoăn một câu hỏi: Khó khăn như thế sao các em vẫn kiên trì đến lớp? “Thực ra thì phải thuyết phục nhưng cái chính là tự thân các em và gia đình. Nhiều phụ huynh có 1 đến 2 con đều học ở đây. Cứ một thời gian họ lại kéo nhau ra lo sửa sang lại lán học cho các em. Chỉ tiếc là họ nghèo mà…”, thầy Hắp Văn Long trả lời.

 

Day dứt của người thầy

 

Ngoài nhiệm vụ dạy chữ, những người như thầy Hắp Văn Long còn phải lo cho học sinh từ nơi ăn chốn ngủ. “Phần lớn các em đều rất ngoan. Mọi việc đều rất tự giác nhưng chỉ lo…”, nói đoạn thầy Long yên lặng. Chúng tôi biết điều các thầy đang day dứt trong lòng, đó là sự an toàn của các học sinh.

 

Nhiều vụ cháy lán đã xảy ra nhưng may mắn là đều được khống chế kịp thời khi chưa có hậu quả lớn. “Mùa này sợ lắm. Lúc nào cũng lo ngay ngáy việc lở đất, sập lán. Vậy nên giáo viên lúc nào cũng phải túc trực thường xuyên để kiểm tra…”, một giáo viên cho biết.

 

“Không có kinh phí để xây ký túc cho các em. Xã nghèo, huyện nghèo nên cũng không biết xin ở mô. Chúng tôi chỉ mong các em có chỗ ở chu đáo để yên tâm học thôi. Nhìn các em lụi cụi khổ sở, giáo viên cũng thấy áy náy nhưng đành bất lực…”, thầy Hắp Văn Long phân trần.

 

Theo một lãnh đạo phòng giáo dục huyện Kỳ Sơn, hiện ở huyện còn rất nhiều nơi học sinh đang phải học tập và sinh sống trong những chiếc lán tạm bợ. Thậm chí ở một số xã khác như Huồi Tụ Keng Đu, Na Ngoi… trường lớp còn rách nát huống chi là chỗ ăn ở. Huyện biết thế, muốn giúp các em đấy nhưng còn chưa biết trông chờ vào đâu.

 

Đặng Nguyên Nghĩa