1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Nỗi buồn thi công chức ngành giáo dục

(Dân trí) - Thi công chức diễn ra ở mọi ngành và mọi nơi. Ở những ngành khác tôi chỉ nghe nói, nhưng riêng với ngành giáo dục, tôi là “người trong cuộc”, được chứng kiến những sự việc thật trớ trêu....

Cố đấm ăn xôi…
 

Chị Tân, học viên lớp cao học K17 - ĐHSPHN kể: “Chị đang dạy hợp đồng ở trường N.T.N, Hà Nội. Lương thấp lắm, chỉ khoảng 14.000 đến 15.000 đồng một tiết thôi. Nhưng chị dạy để tạo mối quan hệ sau này thi vào công chức”.

 

Dường như thi công chức là điều giáo viên nào cũng nghĩ tới để mà… kinh sợ. Đơn giản vì thi công chức không “đơn giản” như người ta tưởng.

 

T. Vân, tốt nghiệp Đại học Sư phạm I, bằng giỏi, vừa ra trường có đợt thi công chức cô không bỏ lỡ cơ hội. Nhưng ngay từ đầu cô đã xác định thi cho biết mà thôi. “Bởi muốn thi được phải gồm nhiều yếu tố lắm: quyền lực, quen biết, tiền nữa!” Vân tâm sự: “Năm nay cũng có đợt, nhưng mình không thi nữa, mình phải chuẩn bị để khi nào chắc chắn mới thi”.

 

Giờ Vân cũng như nhiều giáo viên khác “nhẫn nhục chờ thời”, Vân đang dạy hợp đồng cho trường X.Đ (Hà Nội), chấp nhận mức lương “đủ đổ xăng” để nuôi hy vọng về giấc mơ công chức, dù cô có khả năng thi vào các trường dân lập lương cao hơn.

 

S. sau một năm dạy dân lập lại “khăn gói quả mướp” đi học cao học. Mục đích nâng cao kiến thức cũng chỉ là một phần mà thôi, cái chính theo lời cô là: “Mình học để có thể xin vào biên chế, mình chán cảnh dạy hợp đồng lắm, lúc nào cũng có cảm giác bất an. Nếu mình không đi học thì muốn xin vào biên chế cũng tốn kém chừng đó, nhưng đi học thì thương bố mẹ quá!”

 

Bây giờ ngoài đi học, S. tranh thủ làm kiếm tiền ở một công ty, chẳng liên quan gì đến ngành cô học. “Mình chỉ mong học xong nhanh để còn đi làm, đi học sốt ruột lắm. Bây giờ thường 10 giờ đêm mình mới đi làm về, mệt bã người, không còn thời gian để học nữa”.

 

Mỗi người mỗi cảnh, nhưng ai cũng nhọc nhằn. Ước mơ giản dị thôi: một việc làm ổn định, mà hình như họ phải đi đường vòng khá xa!

 

Xôi lại hẩm…

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Chị Tân thi công chức lần thứ ba mà vẫn trượt. Có thể do nhiều lý do nhưng không thể nói chị không có năng lực: chị đã dạy nhiều học sinh giỏi văn, giờ dạy được đồng nghiệp đánh giá tốt, chị từng được giải nhất trong cuộc thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cấp quận.

 

Ở Hà Nội, năm 2008 có hơn 900 giáo viên dự thi, nhưng chỉ lấy hơn 400 người như vậy có 66% sẽ lại phải “ẩn dật” để chờ đợt khác.

 

Khi được hỏi: “Chị không “vận động” trước khi thi à?” Chị Tân cho biết: “Thực ra chị cũng có đi phong bì một khoản khá lớn bằng “đô”. Nhưng sau đó bị trả lại vì có một người có thế lực được “chấm” trước rồi. Chị cũng đã cố gắng, nhưng kết quả lại không phụ thuộc vào chị”.
 

An, giáo viên dạy giáo dục công dân ở một trường dân lập cho biết: “Khi mình nộp hồ sơ thi công chức ở THPT N.S (Hải Dương). Thầy hiệu trưởng bảo: “Môn này trường đã có giáo viên H. là con thầy K. rồi”. Mình hỏi: “Thế em có được thi không ạ?” - “Tất nhiên là em được thi, nhưng bạn đã dạy hợp đồng ở đây, lại con giáo viên trong trường, em nên tạo điều kiện cho bạn”. An vẫn nộp hồ sơ, nhưng sau đó cô bỏ thi vì chịu nhiều áp lực và biết thi cũng không được!

 

An nói: “Mình tạo điều kiện cho bạn thì ai tạo điều kiện cho mình đây? Biết mấy năm nữa mới có đợt thi công chức”. Anh Hưng, giáo viên dạy tin học trường N.S thì nói: “Thực ra các em phải tranh đấu chứ?” Tất nhiên ai cũng biết thế, nhưng tranh đấu trong cuộc chiến không cân sức này thì “Nói thì dễ, làm thì bất khả….”

 

S. học được một năm cao học, cô cũng chưa biết sau này ra trường công việc có dễ dàng hơn. Vân thì vẫn đang chờ một đợt thi công chức mới khi cô có đủ “điều kiện” dự thi.
 

Có vẻ “miếng xôi” công chức không chỉ hẩm mà còn khê…

 

Cầm bằng làm mướn…

 

Giáo viên dạy hợp đồng, dân lập, tư thục, luôn nơm nớp lo để chạy vạy vào công chức. Trang, sinh viên văn năm cuối ĐHSPHN, gia đình khá giả, chấp nhận bỏ ra một số tiền lớn để lo cho cô vào biên chế một trường trên Hà Nội. Một số bạn mừng cho Trang có điều kiện, nhưng Trang nói: “Thực ra như thế em cũng chỉ đi làm mướn không công thôi chị ạ. Bỏ ra một số tiền lớn như thế, giáo viên lương lại thấp, em làm đến khi nào mới đủ tiền bố mẹ em bỏ ra”.

 

Còn Ngọc Anh thì khác, quê Thanh Hóa, tốt nghiệp khoa GDCT năm 2006 bằng trung bình khá, gia đình khó khăn cô ở nhà một năm vì không xin được việc, cực chẳng đã lại phải vay mượn hàng chục triệu để chạy chọt vào một trường bên Nam Định.

 

Chi Tân vẫn cố gắng dạy hợp đồng với mức lương “còi”. Chị nói: “Thực ra chồng chị có thể cáng đáng gia đình nhưng nghĩ mình có khả năng, có bằng cấp, có tuổi trẻ, phải cố gắng thôi. Trên đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều quan trọng là phải vượt qua những ranh giới đó!”

 

Người thầy xưa và nay luôn được trọng. Nhưng ngày nay, người thầy như mất mát nhiều thứ trên con đường mưu sinh lập nghiệp. Nghề giáo bớt đi ít nhiều tính chất cao quý. Nhưng đó vẫn là một nghề đặc biệt đào tạo con người. Mong rằng không có giáo viên nào phải than phiền: “cầm bằng làm mướn, mướn không công”!

 

Sang Le

 

LTS Dân trí - Ai cũng biết là mục đích thi công chức để chọn được người đúng tiêu chuẩn để đua vào vị trí công tác cần thiết. Muốn vậy cần có sự công minh để bảo đảm sự công bằng, chọn được đúng người cần chọn. Nhưng tiếc rằng việc thi công chức đã bị biến dạng méo mó, không còn sự công minh và công bằng, mặc dù về hình thức vẫn tổ chức đúng quy trình, nhưng bên trong họ đã “đi đêm” với nhau rồi!

 

Thực trạng việc “thi công chức” như bài viết trên đây là khá phổ biến nhưng hệ lụy cách “thi cử” như vậy diễn ra trong ngành giáo dục quả thật là phản giáo dục!

 

Chính quyền các cấp cũng như các cấp quản lý giáo dục chắc đều biết tình hình đó. Chẳng lẽ chịu khoanh tay nhìn thực trạng đáng buồn đó diễn ra thuộc địa bàn quản lý của mình. Hay chính mình cũng là kẻ đồng lõa với thực trạng đó?!