Nỗi ấm ức về phương pháp dạy văn

"Văn là người". Học văn góp phần bồi dưỡng tâm hồn, khơi nguồn xúc cảm để cuộc sống thi vị hơn. Tất cả những điều đó, có thể tìm thấy trong những quyển sách rất hay ho. Còn, những người đứng trên bục giảng rất tâm huyết với văn chương không ít lần day dứt với câu hỏi: "Tại sao học trò ngày nay không thích học văn?".

Có người nói, đừng quá lạc hậu và hoài cổ  khi đặt ra câu hỏi ấy giữa thời đại kỹ thuật số. Nhiều giáo viên dạy văn cũng bảo nhau: "Học trò bây giờ thực dụng lắm. Chúng chỉ học các môn tự nhiên để thi vào các trường tài chính, ngân hàng thôi".

 

Còn học sinh (HS) thì chế giễu hoặc là đam mê văn chương cuồng nhiệt (số này đếm trên đầu ngón tay) hoặc cực dốt các môn tự nhiên mới lao đầu vào môn học đang ngày càng ít lựa chọn nghề nghiệp này.

 

Vậy học trò ngày nay học Văn để làm gì? Đơn giản vì Văn là một trong những môn học chính (cùng với Toán) luôn chiếm hệ số 2 trong điểm tổng kết, tuần xuất hiện đều đặn 4 tiết trong tổng chương trình. Mà, muốn đạt danh hiệu HS  tiên tiến, sao có thể lơ là môn chính này. Hơn nữa, văn cũng là môn bắt buộc phải có trong các kỳ thi vượt cấp.

 

Nhân nghĩa, nhân đạo, nhân văn khác nhau thế nào?

 

Những tác phẩm đã chọn lọc để đưa vào SGK được xem là chuẩn mực, là chính thống. Quả thật, chưa có nhà văn lớn nào của dân tộc bị bỏ sót. Thậm chí, nhiều tác giả được dạy với tư cách tác gia lớn. Tác phẩm giới thiệu nhiều, cuộc đời cũng được nghiền ngẫm thật chi tiết, trang trọng xứng đáng với tầm vóc mà những tên tuổi như Xuân Diệu, Nam Cao đã đóng góp cho sự phát triển của văn học nước nhà.

 

Nhưng, giá như người dạy được tự do để chọn dạy những gì họ biết là HS yêu thích, được tự do để biến buổi học bài thơ "Vội vàng" của Xuân Diệu (SGK lớp 11) thành một buổi tranh luận thú vị về triết lý sống gấp, sống toàn tâm, toàn trí, toàn hồn.

 

Không ai ngăn mỗi giáo viên dạy văn sáng tạo trong từng tiết học. Nhưng đừng quên, sáng tạo cách nào cũng phải đưa HS trở về với những khuôn mẫu quen thuộc: Đề tài, cảm hứng, thi pháp của tác phẩm đó là gì? Tác phẩm đó có đạt tới 2 giá trị  hiện thực và nhân đạo hay không?

 

Hễ giảng dạy thơ ca cách mạng thì giáo viên phải cày nát tác phẩm để chỉ cho HS thấy đâu là cảm hứng sử thi và khuynh hướng lãng mạn. Chỉ riêng khái niệm " giá trị nhân đạo" thôi mà dạy các tác phẩm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương cho đến Nam Cao, không ít giáo viên lúng túng khi phải phân biệt cho HS sự khác nhau giữa các khái niệm: nhân nghĩa, nhân đạo với nhân văn. Còn các em, dù đã được dạy cẩn thận, song hỏi đến, vẫn ngơ ngác như thường.

 

Muốn dạy khác, học khác cũng không thể. Bởi vì đề kiểm tra, đề khảo sát, đề thi học kỳ năm nào cũng vậy, thế hệ nào rồi cũng thế, quanh đi quẩn lại. Lớp 11 học kỳ I, HS phải luyện như cháo chảy để nhớ: "Hãy chứng minh văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc là bức tượng đài bi tráng về người nông dân khởi nghĩa". Học kỳ II, phải học Nam Cao để mà hiểu về bi kịch của những nông dân và trí thức. Trong một kỳ thi cao học của Khoa Ngữ văn trường  ĐHSP Hà Nội cách đây ít lâu, những giáo viên Văn tương lai cũng phải vật lộn với một đề tài được "khai quật" từ năm 1945: "Giá trị hiện thực và nhân đạo trong truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao".

 

Không ít thầy cô thâm niên trong giảng dạy cũng có những sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cao với một loạt đề tài như: Nghiên cứu về quy luật thống trị của đồng tiền trong văn học 1930-1945 (!). Mà một đề tài khoa học thì luôn phải ứng dụng, khảo sát trên cơ sở giảng dạy thực tế. Với những tiết học khô khan và giáo điều như vậy, học trò vẫn đam mê với văn chương mới là niềm đam mê mù quáng.

 

Đủ ý là đạt yêu cầu: cần gì tư duy!

 

Đề kiểm tra, thi cử là vậy, nên barem chấm điểm cũng khắt khe ở từng ý. Các em có viết đúng mới đủ sức viết hay. Nếu không bị xem là lạc đề. Chương trình học xưa nay thầy cô luôn chỉ ra đâu là trọng tâm, nên HS chỉ cần thủ sẵn chừng ấy tài liệu là kiếm được điểm trung bình ngon lành. Viết đủ ý là đạt yêu cầu, vậy thì các em cần gì tư duy, cần gì động não cho mệt. Thế  nên, lớp 12 chuyên Văn của một trường phân ban nổi tiếng tỉnh T. năm nay, trong tổng số 40 HS, chỉ vỏn vẻn 9 em chọn khối C để thi ĐH.

 

Ngay trong những lớp chuyên Văn, số HS đam mê môn học này cũng giảm đáng kể. Một HS chuyên Văn cho biết: "Khối C ít bạn đăng ký nên em thi là được liền. Cứ vào được trường nổi tiếng đã, em sẽ có điều kiện tìm thầy giỏi học ôn khối A, tiện đủ đường". Những HS đã chọn khối C phải "hành xác" triền miên trong các tiết học thêm khiến các em sau khi thi ĐH xong, bao giờ cũng thấy môn Văn thật hãi hùng.

 

Phần lớn thầy cô chỉ chú trọng để dạy kỹ năng phân tích, chứng minh, còn lại bỏ qua những tiết dạy kiểu bài tự do, sáng tạo để học trò được viết những gì các em nghĩ. Những chuyên đề thảo luận luôn được đẩy xuống cuối chương trình. Gần nghỉ hè, học trò kiểm tra học kỳ xong cũng chẳng còn thiết tha học. Ngay ở những lớp chuyên Văn, nếu thầy cô không tâm huyết thì mấy khi các em được tham gia những đêm thơ nhạc rất có ý nghĩa khơi dậy tình yêu văn chương.

 

Bí quyết "gợi" đam mê

 

Tôi vẫn nhớ thầy giáo dạy Văn hồi lớp 8. Thầy còn trẻ lắm và cách dạy của thầy đến nay chúng tôi vẫn nhớ. Thầy  chia lớp thành 3 loại theo trình độ và có những yêu cầu luyện tập riêng. HS viết chưa đúng câu, sai ngữ pháp, thầy xếp vào một nhóm và chỉ yêu cầu trong học kỳ I phải viết đúng ngữ pháp, chính tả là đạt điểm trung bình mặc dù bài viết có thể  còn sơ sài. Nhóm học giỏi thầy lại yêu cầu cao hơn. Chúng tôi thắc mắc tại sao chỉ hơn  các bạn học kém 1-2 điểm thì thầy  giải thích: Đây là nguyên tắc riêng của lớp để các bạn học kém từ từ vươn lên, không phải lo chép bài từ sách này sách nọ. Đi thi, các em vẫn là học sinh giỏi, đi đâu mà thiệt.

 

Cả trường  ai cũng bảo thầy chúng tôi mất thời gian, công sức vô ích. Nhưng chúng tôi hồi đó học với thầy bằng một quyết tâm và đam mê thực sự. Một cậu bạn học kém văn gần nhất lớp bây giờ gặp lại đã thú nhận: "Học văn với thầy dù nhiều lần bị thầy cho điểm 4 nhưng vẫn thấy hạnh phúc so với những bài văn chép từ sách giải đạt điểm 6, 7 sau này"

 

Theo Lê Ngọc Nhung

Vietnamnet