Nở rộ các khóa học trực tuyến miễn phí

(Dân trí) - Các nhà giáo dục nhận thấy phong trào “phần mềm mã nguồn mở” với trọng tâm là việc khai thác sự đóng góp của các tình nguyện viên thực sự là mô hình tuyệt vời. Phong trào học liệu mở đã mang lại cơ hội tiếp cận kiến thức cho tất cả mọi người...

MIT đi đầu trong phong trào học liệu mở

 

Trong vài năm qua, tài liệu giáo dục từ bài giảng viết tay đến dữ liệu về toàn bộ khóa học đã được đưa lên mạng miễn phí cho mọi người. Với sự hỗ trợ của các trường đại học có tên tuổi ở Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Châu Âu, phong trào Học liệu mở đã hình thành và phát triển, mang lại cơ hội tiếp cận kiến thức cho mọi người. Với phương thức này không ai còn bị ngăn trở bởi tiền bạc, chủng tộc hay bất kỳ yếu tố nào.

 

Phong trào Học liệu mở bắt đầu từ cuối những năm 1990, một phần do tác động của phong trào “phần mềm mã nguồn mở” dựa vào quan niệm cho rằng mọi chương trình máy tính phải miễn phí đối với mọi người. Theo TheCounter.com - dịch vụ phân tích website của Công ty Jupitermedia - hiện khoảng 1/2 số máy chủ trên thế giới và 18% các trình duyệt đang sử dụng phần mềm mã nguồn mở. Tuy nhiên, phía sau thành công này là vấn đề bản quyền vốn cho phép người sử dụng được phép dùng, thay đổi và tái phân phối phần mềm. Một động lực khác là sự nở rộ của các trang web cho phép chia sẻ hàng triệu bức ảnh hoặc bài viết kiến thức chung.

 

Các nhà giáo dục nhận thấy phong trào “phần mềm mã nguồn mở” với trọng tâm là việc khai thác sự đóng góp của các tình nguyện viên nhằm phát triển và hoàn thiện mã nguồn, thực sự là mô hình tuyệt vời. David Wiley, phó giáo sư công nghệ giảng dạy ở Đại học Utah, nhớ lại suy nghĩ của các học giả hồi năm 1998, “Chúng ta hãy cố gắng xây dựng chương trình giáo dục dựa trên đà của phần mềm mã nguồn mở”.

 

Năm 2001, Viện Công nghệ Massachussetts (MIT) đã trở thành người tiên phong cung cấp tài liệu miễn phí về các khóa học trên mạng Internet. Dự án Học liệu mở của trường hiện cung cấp các bài giảng, bài thi và nhiều tài liệu khác được lấy từ trên 1.800 khóa học trong chương trình giảng dạy của trường. Hiện đã có khoảng 40 triệu người từ hầu hết các nước đã truy cập tài liệu của trường, trung bình mỗi tháng có khoảng 1triệu người truy cập. Gần 49% lượng người truy cập là đối tượng tự học, hơn 1/3 là sinh viên và 16% là các nhà giáo dục.

 

Châu Á tích cực tham gia chương trình học liệu mở

 

Những năm gần đây, nhiều trường đại học trên toàn nước Mỹ và châu Âu cũng đã tung ra chương trình tương tự của MIT và một số trường ở châu Á cũng bắt đầu triển khai sáng kiến này. Các học viện ở Việt Nam và Thái Lan bắt đầu biên dịch tài liệu giáo dục của MIT và nhiều trường ở châu Âu, và trên 150 trường đại học được kết nối với một mạng lưới ở Trung Quốc. Tháng 4 tới, Hội thảo về học liệu mở diễn ra 2 năm/lần sẽ được tổ chức ở thành phố Đại Liên (Trung Quốc), ước tính thu hút trên 100 trường đại học từ Australia đến Venezuela.

 

Với mục đích đẩy mạnh hơn nữa phong trào Chương trình giáo dục mở, tháng 1 vừa qua, liên minh các nhà giáo dục, các tổ chức giáo dục và người tiên phong về Internet đã ký một tuyên bố thúc giục chính phủ các nước và các nhà xuất bản đưa tài liệu giáo dục lên Internet miễn phí. Đến nay đã có trên 140 tổ chức và 1.500 cá nhân ký Tuyên bố giáo dục mở Cape Town.

 

Một tin vui khác là Elsevier BV - Nhà xuất bản tạp chí học thuật, trụ sở tại Amsterdam - đã đồng ý nới lỏng kiểm soát việc sử dụng hình ảnh và nội dung có bản quyền trong dự án học liệu mở của MIT.

Không hẳn mọi sáng kiến đều xuất phát từ các học viện. Lucifer Chu, 32 tuổi, dịch giả người Đài Loan (người đã dành nửa triệu USD tiền biên dịch cuốn tiểu thuyết “Chúa tể những chiếc nhẫn” để biên dịch tài liệu kỹ thuật, toán học, vv... từ tiếng Anh sang tiếng Hoa) cho biết, Hệ thống học liệu mở (OOPS) của ông bắt đầu từ năm 2004 và đã biên dịch gần 200 khoá học của MIT và biên dịch một số phần của 600 khóa học khác với sự tham gia của 20.000 người. Ông Chu đã đến Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Canada, Singapore, Thái Lan và Mỹ để tạo dựng cái mà ông gọi là “lực lượng giải phóng tri thức” quy tụ nhiều chuyên gia về các lĩnh vực, kể cả dược, xây dựng nhà máy điện hạt nhân, vệ tinh, vv...

 

Hiện có ít nhất 3 học viện của Đài Loan cung cấp học liệu trên Internet. Tại Nhật Bản, các nhà giáo dục đã thành lập Chương trình Học liệu mở Nhật Bản. Ban đầu, Chương trình này biên dịch tài liệu của MIT nhưng hiện chú trọng vào các khóa học tại các trường đại học của Nhật. Với 17 trường đại học thành viên, Chương trình đã biên dịch trên 1.000 khoá học từ tiếng Nhật sang tiếng Anh và một số sinh ngữ khác. Tại Ấn Độ, Hội đồng Tri thức Quốc gia đề xuất một số sáng kiến, mà nếu được thực hiện, sẽ đưa Ấn Độ lên nhóm các nước đi đầu trong lĩnh vực giáo dục dựa trên học liệu mở.

 

Tuy vậy, vẫn còn đó những khó khăn. Chất lượng phần mềm mã nguồn mở sẽ tăng lên khi mã nguồn được điều chỉnh và thay thế. Tuy nhiên, điều tương tự không phải lúc nào cũng xảy với nội dung khi không có sự quản lý chất lượng. Sau khi các giảng viên đưa nội dung bài giảng của họ và tài liệu giáo dục lên Internet, mọi người sẽ có thể truy cập, nhưng vẫn chưa có cách nào để đảm bảo tài liệu không sai lệch hoặc lỗi thời.

 

Nguyễn Anh
Theo The Wall Street Journal

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm